Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, quy hoạch tổng thể quốc gia phải phát huy cao độ tinh độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của Việt Nam, lựa chọn vị trí “mắt xích” phù hợp trong chuỗi cung ứng và làm cho đến nơi đến chốn, không cục bộ, rời rạc.
Không bị chia chắt
Sáng 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng tiến độ và kế hoạch cụ thể từng tháng, quý tương ứng với từng giai đoạn lập quy hoạch.
Đến nay, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4/38 quy hoạch ngành quốc gia (đều thuộc lĩnh vực giao thông vận tải); quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch tỉnh Bắc Giang…
Chính phủ đang tiếp tục xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia để trình các cấp có thẩm quyền; các bộ, ngành xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia.
Quan điểm đặc biệt quan trọng là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, ràng buộc bởi địa giới hành chính. Các nguồn lực được huy động, sử dụng hiệu quả nhất vì lợi ích đất nước.
Theo ông Dũng, hiện có 6 điểm nhấn trong quy hoạch tổng thể quốc gia được đề xuất trình Chính phủ.
Thứ nhất, phát triển quốc gia (Việt Nam) như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thứ hai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, cực tăng trưởng tại khu vực có tiềm năng.
Vị tư lệnh ngành dẫn chứng, về phát triển các hành lang kinh tế, dự kiến có 2 hành lang Bắc – Nam, Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.
Thứ ba, phát triển theo hướng bền vững, bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tăng cường đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển các vùng, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn.
Thứ năm, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng mạng lưới đô thị xanh, thông minh, phân bổ hợp lý, bảo đảm khai thác được điều kiện đặc thù, lợi thế của từng vùng, miền; tăng cường kết nối đô thị và nông thôn.
Thứ sáu, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Lãnh đạo các Bộ như Tài nguyên và Môi trường, GTVT, tỉnh Bắc Giang thể hiện vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Văn Thể, tư lệnh ngành giao thông đề cập một số bài học kinh nghiệm như phải có quyết tâm rất cao, xác định quy hoạch là cái gốc, là định hướng của lĩnh vực, không có quy hoạch thì không thể trình các dự án, đồng thời huy động nhiều nguồn lực cho công tác quy hoạch, trong đó có nguồn lực từ hợp tác quốc tế.
Việt Nam “tự chủ, tự lực, tự cường”
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ở Việt Nam đã làm công tác quy hoạch từ lâu, có điều chỉnh, bổ sung phù hợp qua nhiều thời kỳ khác nhau. Những năm qua, tiếp tục thúc đẩy công tác quy hoạch với việc ban hành Luật Quy hoạch và nhiều văn bản khác.
Cơ bản đồng tình, đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thiết thực, sát thực tiễn tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá thời gian qua, chúng ta đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, công việc theo Luật Quy hoạch và đã có những tiến bộ nhất định.
Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa được như kế hoạch đề ra và chất lượng còn nhiều băn khoăn, chưa được như mong muốn để có những quy hoạch thật tốt, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong lập quy hoạch là đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
“Quy hoạch đi trước một bước, sát thực tế, phát huy được thế mạnh của các lĩnh vực, địa phương; tháo gỡ khó khăn, yếu kém. "Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, để có chương trình, dự án tốt, từ đó có nhà đầu tư tốt", Thủ tướng nói.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra, theo Thủ tướng là do tác động của dịch COVID-19; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, khi nhận thức về công tác quy hoạch của một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng tầm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số nơi chưa đúng mức; đầu tư cho công tác quy hoạch còn hạn chế, nhất là bố trí nguồn lực con người; việc tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa chủ động, khoa học, hợp lý, mang lại hiệu quả cao; các quy định hiện hành trong luật, nghị định còn vướng mắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Việt Nam yêu cầu phải xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
“Không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến, bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết, đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững”, ông Phạm Minh Chính bày tỏ.
Theo người đứng đầu Chính phủ, quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và của cả quốc gia, kết hợp hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập sâu rộng.
“Giữa nội lực và ngoại lực, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lựa chọn vị trí mắt xích nào trong chuỗi cung ứng?
Người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm, khi tổ chức thực hiện, phải lựa chọn những nhà thầu tư vấn tốt cả trong nước và ngoài nước, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ chuyên gia, nhà khoa học… trong phản biện, thẩm định quy hoạch.
“Kinh nghiệm cũng cho thấy các bộ, ngành, địa phương cần lập các tổ công tác về vấn đề này và các tổ giúp việc tương đối chuyên nghiệp”, theo Thủ tướng.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý về công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch trong quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đại, thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng chung; công tác công bố, quản lý quy hoạch đúng quy định, thực chất, chống hình thức.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, xóa đói giảm nghèo, tất cả mọi người dân trên mọi miền đất nước được hưởng lợi từ sự phát triển, đồng thời cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
“Tất cả phải trên tinh thần không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng Chính nhắc nhở.
Thủ tướng yêu cầu tính toán, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng, ngành, quốc gia trong gắn kết với sự phát triển của khu vực và toàn cầu, lựa chọn vị trí "mắt xích" nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, cơ hội, tiềm năng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.
Dự kiến, dự thảo về quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trong tháng 3/2022 để xem xét trình Bộ Chính trị trong tháng 4/2022 và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tháng 5/2022. Sau khi nhận phản hồi từ các cấp, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác để hoàn thiện quy hoạch và dự trình Chính phủ xem xét thông qua trong tháng 7, trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 10/2022.
“Các quy hoạch phải bảm đảm hài hòa, tổng thể, quá trình lập quy hoạch phải cập nhật, bổ sung và điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về nội dung giữa các cấp quy hoạch, tránh rời rạc, cục bộ, chia cắt, manh mún”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.