Tại sao Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với ông Lý Khắc Cường lúc này?
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trao đổi thẳng thắn về nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc.
Biển Đông, vấn đề biên giới lãnh thổ, ùn tắc hàng ở cửa khẩu, đâu là mục đích chính trong cuộc điện đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường?
Việt Nam muốn Trung Quốc mở cửa biên giới cho hàng hóa thông quan
Ngày 13/1, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường.
Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai Chính phủ được tiến hành nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2022), tuy nhiên, thực tế những gì diễn ra thời gian qua cho thấy, Bắc Kinh và Hà Nội cần thiết phải trao đổi nhằm giải tỏa vấn đề ùn tắc biên giới, chưa kể tình hình Biển Đông vẫn luôn là tâm điểm trong các cuộc đối thoại cấp cao.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Theo thông báo chính thức được cổng thông tin Chính phủ đăng tải, về vấn đề ách tác hàng hóa ở khu vực biên giới cửa khẩu (như Sputnik Việt Nam trước đó đã cập nhật trong loạt bài viết liên quan), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những trao đổi hết sức thẳng thắn với ông Lý Khắc Cường.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Toản trao đổi với báo chí hôm 11/1 vừa qua, sau nỗ lực đàm phán với phía Trung Quốc của liên bộ - Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngoại giao cùng Hải quan biên giới các tỉnh phía Bắc giáp với Trung Quốc, đến sáng ngày 10/1, vẫn còn tồn trên 3.383 xe ở các cửa khẩu.
Thống kê sơ bộ báo cáo về cho thấy, Lạng Sơn còn ùn ứ trên 1.818 xe (giảm 2.386 xe), Quảng Ninh còn tắc 1.235 xe (giảm 320 xe). Tổng số xe giảm so với thời điểm hôm 25/12/2021 là 2.376 xe. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc còn trầm trọng và dự kiến kéo dài, do đó, chính quyền các tỉnh cũng như lãnh đạo các ban ngành vẫn kêu gọi thương lái và doanh nghiệp không đưa hàng lên khu vực biên giới phía Bắc.
Sau rất nhiều cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn, hôm 12/1, chính quyền Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc mới chính thức khôi phục thông quan cửa khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Kim Thành II, Lào Cai) để nhập một số loại hoa quả tươi, trong đó có mặt hàng thanh long. Trước đó, chính quyền Bằng Tường, Quảng Tây đã ngừng nhập mặt hàng nông sản chủ đạo này của Việt Nam trong vòng 4 tuần kể từ 29/12/2021.
Hiện tại, trên tuyến biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có 10 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Trong đó, cửa khẩu quốc tế đang hoạt động là 4/7 cửa khẩu (gồm cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn), ga quốc tế đường sắt Lào Cai, cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai). Các cửa khẩu chính đang hoạt động là 4/6 cửa khẩu (Chi Ma (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Trà Lĩnh (Cao Bằng), Sóc Giang (Cao Bằng). Đồng thời, các cửa khẩu phụ đang hoạt động là 2/21 (cửa khẩu Bắc Phong Sinh và Hoành Mô (Quảng Ninh)), trong khi đó, các lối mở/điểm thông quan vẫn đang tạm thời đóng.
Trước tình trạng ùn ứ hàng nghiêm trọng thời gian qua, trong cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm nay 13/1, hai bên nhất trí cần phối hợp chặt chẽ và áp dụng các biện pháp hiệu quả, quyết liệt để tiếp tục giải quyết tình trạng ùn tắc nơi cửa khẩu.
Hai bên cũng nỗ lực bảo đảm giao thương thông suốt nhằm duy trì ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất giữa hai nước cũng như trong khu vực, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, để nhân dân và doanh nghiệp hai nước đón Tết ấm no, hạnh phúc.
Theo các thông cáo được đưa ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh mở cửa thị trường đối với một số loại nông sản, hoa quả của Việt Nam.
“Việt Nam đang quyết liệt thực hiện phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định với ông Lý Khắc Cường và đại diện chính quyền Bắc Kinh.
Đối với vấn đề này, đại diện Chính phủ Trung Quốc nêu rõ, sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân có thư gửi Thủ tướng Lý Khắc Cường và gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương Trung Quốc phối hợp giải quyết.
“Đến nay tình hình giao thương hàng hóa tại cửa khẩu đã có cải thiện”, ông Cường cho hay.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đề nghị hai bên lập Nhóm công tác chung để tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và duy trì thương mại thông suốt giữa hai nước trong thời gian sắp tới.
Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh “coi trọng” và quan tâm những đề nghị của Việt Nam về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, coi đây là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác hai bên.
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng ở khu vực biên giới phía Bắc.
Chính phủ yêu cầu 9 bộ cùng tham gia phối hợp với các địa phương nhằm giải quyết tình trạng đáng lo ngại này. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản yêu cầu các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo ngày 27/12/2021 về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn trong quá trình thực hiện chỉ đạo và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu.
Việt Nam trước đó đặt mục tiêu giải phóng trong thời gian sớm nhất hơn 5.000 xe hàng hóa xuất khẩu đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, người dân để chủ động có phương án sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ phù hợp, hiệu quả.
“UBND các tỉnh, thành phố sản xuất nông sản phối hợp với các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với hàng nông sản”, Chính phủ nêu rõ.
Trung Quốc ủng hộ chế độ Cộng sản, Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Tại cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai Chính phủ hôm nay, hai Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Lý Khắc Cường đã cùng nhìn lại những thành quả quan trọng trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh những năm qua.
Hai nhà lãnh đạo cũng đi sâu trao đổi về các biện pháp thiết thực, nhằm củng cố, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác toàn diện song phương.
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chúc mừng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“Việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố.
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ, quan hệ song phương phát triển lành mạnh, hiệu quả, sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của mỗi nước, đồng thời, đem lại lợi ích, đóng góp cho quá trình duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thông báo với người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc rằng, sau 35 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của nhiều thế hệ lãnh đạo và hiện nay trực tiếp chỉ đạo là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam tiếp tục xây dựng, bổ sung, ngày càng hoàn thiện lý luận về Chủ nghĩa xã hội, cũng như con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Ông Lý Khắc Cường bày tỏ đồng tình với những phát biểu, ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời, chúc mừng những thành tựu quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đạt được trong thời gian qua.
Ông Lý cũng mong Việt Nam sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 sẽ nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế, vươn lên mạnh mẽ. Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng nêu rõ, Bắc Kinh coi trọng Hà Nội.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn củng cố tình hữu nghị truyền thống, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt không ngừng phát triển và đi vào chiều sâu”, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc đánh giá cao và kiên định ủng hộ Việt Nam đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc : Từ biên giới đất liền đến Biển Đông
Tại cuộc điện đàm ngày 13/1, hai bên cũng bày tỏ phấn khởi, vui mừng trước những thành tựu hữu nghị song phương, đồng thời, nhất trí cho rằng, năm 2021, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành quả tích cực.
Thủ tướng hai Chính phủ nhấn mạnh, giao lưu tiếp xúc cấp cao song phương diễn ra thường xuyên, nhất là mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa hai đồng chí Tổng Bí thư, duy trì điện đàm cấp cao (hai lần trong một năm).
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục lập thêm nhiều kỷ lục mới. Thống kê của cơ quan Hải quan hai nước ước tính tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc ước đạt trên 160 tỷ USD năm 2021.
Về các dự án trọng điểm, tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông đi vào vận hành thuận lợi, hai bên cũng tích cực phối hợp tháo gỡ tình trạng ùn tắc nông sản khu vực biên giới cửa khẩu phía Bắc.
Cùng với đó, hợp tác phòng chống dịch bệnh là điểm sáng trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, trong đó có vấn đề về vaccine. Ở khuôn khổ diễn đàn đa phương, hợp tác ASEAN – Trung Quốc đã đạt nhiều kết quả tích cực và duy trì sự ổn định.
Đối với vấn đề biên giới lãnh thổ, Thủ tướng Việt Nam tiếp tục đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, nhất là vấn đề nảy sinh, còn bất đồng.
Hà Nội và Bắc Kinh tiếp tục phát huy tốt các cơ chế đàm phán nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo tinh thần nhận thức chung cấp cao và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Cùng với đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy đàm phán xây dựng, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế vì lợi ích chung.
Đáp lại, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng mong muốn thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển giữa hai nước “sớm đạt tiến triển thực chất”.
“Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam và các nước ASEAN tiếp tục nỗ lực sớm đạt COC”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu rõ.
Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí tiếp tục duy trì hiệu quả các kênh trao đổi về biên giới trên đất liền và vấn đề trên biển, thúc đẩy điểm đồng thuận, xử lý các khác biệt, giữ gìn hòa bình, ổn định chung trong quan hệ hợp tác song phương.
Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường diễn ra trong bầu không khí “cởi mở, tin cậy, thực chất”.