Nhà phân tích bình luận về cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư tuần trước tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến dịch đặc biệt ở Ukraina và rút quân. Tuy nhiên, văn bản không có lời kêu gọi nào trực tiếp gửi đến chính quyền Kiev, không có lời nào đề cập cụ thể đến tình hình dân chúng Donbass và hành động gây hấn chống lại DNR và LNR. Cũng không có từ nào nói về cuộc đảo chính bất hợp pháp ở Ukraina năm 2014.
141 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, 5 quốc gia phản đối. Tuy nhiên, tác giả Carpenter lưu ý đến số lượng lớn những nước bỏ phiếu trắng.
"Vì Mỹ rất coi trọng việc xây dựng một liên minh áp đảo chống lại Moskva, nên các nước khác cần phải có một sự can đảm nhất định để từ chối tham gia vào đó. Tuy nhiên, 35 quốc gia đã từ chối “bợ đỡ” Mỹ và thay vào đó chọn phương án bỏ phiếu trắng", - nhà phân tích viết.
Đối với chính quyền Washington, việc các quốc gia chủ chốt của Nam Á và Đông Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, từ chối bỏ phiếu thông qua nghị quyết cũng là một dấu hiệu đáng báo động.
“Giờ đây, với quan hệ ngày càng gia tăng giữa Moskva và Bắc Kinh, việc lãnh đạo Hoa Kỳ mong đợi Trung Quốc ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào có ý nghĩa thực tế chống lại Nga sẽ là phi thực tế”, - ông Carpenter nhận xét.
Chính sách đối kháng công khai của Washington đã đẩy Nga và Trung Quốc gắn bó với nhau bằng quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ. Bắc Kinh thậm chí có thể giúp Moskva giảm bớt tác động của bất kỳ lệnh trừng phạt nào được áp đặt bởi liên minh do Mỹ dẫn đầu, tác giả kết luận.