"Cúm châu Á"
Vào tháng 5 năm 1889, ở thành phố Bukhara, khi đó là một phần của Đế quốc Nga, rất nhiều người dân bị nhiễm bệnh, có nhiều bệnh nhân tử vong. Cảm giác mệt mỏi và cực kỳ khó chịu nhanh chóng phát triển thành viêm phổi. Một số bệnh nhân nói về một triệu chứng lạ: mất vị giác và khứu giác. Vài tháng sau, làn sóng lây nhiễm đã bao trùm Turkestan. Ở một số khu vực, có tới 2/3 dân số chết. Những người cao tuổi và người mắc các bệnh nền đặc biệt dễ bị tổn thương.
Vào tháng 11, "dịch cúm châu Á", như nó được gọi ở Nga, đã lan ra khắp đất nước, từ St.Petersburg và Kiev ở phía tây đến Sakhalin ở phía đông. Sau đó lan ra xa hơn đến khắp châu Âu, mạng lưới đường sắt dày đặc đã giúp virus lây lan nhanh chóng. Vào tháng 11, làn sóng dịch đã tấn công Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Đức, vào tháng 12 - Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Ireland. Tất cả các tầng lớp xã hội đều bị ảnh hưởng - từ nông dân đến các hoàng gia châu Âu. Ở Mỹ, một trường hợp lây nhiễm đã được ghi nhận vào ngày 18 tháng 12. Đến mùa xuân năm 1890, làn sóng đại dịch đã bao phủ Nam Phi, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và New Zealand.
Các quốc gia đã áp dụng những biện pháp kiểm dịch, nhiều trường học và nơi làm việc phải đóng cửa do số lượng người nhiễm bệnh quá lớn. Sau đợt bùng phát đầu tiên vào mùa thu năm 1890 đã ghi nhân đợt bùng phát thứ hai. Một năm sau, vào mùa đông năm 1891-1892 đã có đợt bùng phát thứ ba gây nhiều chết chóc nhất. Sau đó, dịch bắt đầu giảm, nhưng chỉ chấm dứt hoàn toàn vào đầu năm 1895.
Một căn bệnh bí ẩn đã cướp đi sinh mạng của khoảng một triệu rưỡi người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, số liệu thống kê thực sự về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vẫn chưa được biết. Vấn đề là ở chỗ: ban đầu, các thầy thuốc chẩn đoádựa vào một số triệu chứng, chia bệnh nhân thành hai nhóm: trường hợp nhẹ hơn được xếp vào loại cúm, và trường hợp nặng hơn, có tổn thương phổi, được xếp vào loại viêm phổi.
Nhà sử học Thomas Ewing từ Đại học Công nghệ Virginia (Virginia Tech), người đã nghiên cứu các tài liệu về các đợt bùng phát ở Bờ Đông Hoa Kỳ, mô tả điều này đã xảy ra như thế nào. Ví dụ, vào tháng 1 năm 1890, tại bang Connecticut đã ghi nhận 1.648 trường hợp tử vong do mọi nguyên nhân, tức là nhiều hơn 85% so với cùng kỳ năm trước. Theo State Health Board, trong số này, chỉ có 185 người chết trực tiếp do cúm, và số người tử vong do viêm phổi nhiều gấp 8 lần – 1.437 người. Hầu hết là người lớn tuổi.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Pháp, theo Patrick Berche, giáo sư danh dự Đại học Paris. Ở Paris, đợt "cúm Nga" đầu tiên - như bệnh lạ đã được gọi ở phương Tây – đã đến sớm hơn ở Connecticut ba tuần. Trong số 5.000 ca tử vong, chỉ có 250 ca do cúm được liệt kê là nguyên nhân trực tiếp, trong đa số trường hợp nguyên nhân tử vong là bệnh viêm phổi và viêm phế quản. Quan điểm của các bác sĩ thời bấy giờ là điều dễ hiểu. Chỉ vài năm trước đó, các nhà sinh vật học đã phát hiện ra liên cầu khuẩn streptococcus và các bác sĩ đã cho rằng chính những vi khuẩn này không liên quan gì đến virus cúm đã gây ra bệnh viêm phổi.
Đó là virus corona hay bệnh cúm?
Kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, nguyên nhân của tất cả các dịch cúm là virus Myxovirus influenzae, thuộc họ Orthomyxoviridae. Kết luận này dựa trên các nghiên cứu huyết thanh học bắt đầu được thực hiện vào nửa đầu thế kỷ 20. Khi đó, các nhà khoa học đã phát hiện kháng thể chống lại virus cúm trong huyết thanh của hầu hết những người lớn tuổi. Sau khi phân tích các mô của hài cốt được khai quật, các nhà khoa học xác định rằng, đợt bùng phát năm 1898-1900 là do phân nhóm cúm A H3 gây ra, và đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 là do phân nhóm H1 gây ra.
"Cúm Nga" chưa rõ nguyên nhân. Khi đó, các nhà khoa học chưa thể thực hiện các phân tích huyết thanh học, và các mẫu mô của những bệnh nhân cũng không được bảo quản. Các nhà khoa học cho rằng, tác nhân gây bệnh là một trong những loại virus cúm, có lẽ là H2N2. Tuy nhiên, đường lây truyền qua đường hô hấp và một số triệu chứng đặc trưng đã khiến các nhà virus học và những người nhiên cứu lịch sử y học nghi ngờ điều này, họ cho rằng, đợt bùng phát đầu tiên do một mầm bệnh thuộc nhóm coronavirus gây ra.
Đến nay, các nhà khoa học biết bốn loại coronavirus thường xuyên gây ra các triệu chứng cảm lạnh, đó là 229E, OC43, NL63 và HKU1. Các nhà sinh vật học cho rằng, chúng đã lây truyền từ động vật sang người vài thế kỷ trước và vào thời điểm chuyển mùa, chúng có thể gây ra dịch bệnh.
Theo giả thuyết khả dĩ nhất, tác nhân gây bệnh "cúm Nga" là một loại virus corona OC43. Kết quả so sánh nó với dòng gần nhất của betacoronavirus BCoV ở bò cho thấy rằng, chúng đã có tổ tiên chung vào cuối thế kỷ 19, và sự phân tách xảy ra vào khoảng những năm 1889-1890. Khi đó, bệnh sốt rét ở gia súc do coronavirus ở bò đã hoành hành khắp châu Âu. Rất có thể, virus corona OC43 bắt nguồn từ loài gặm nhấm.
Giả thuyết OC43 cũng chứng minh bằng việc virus này vẫn đang lưu hành và trong một số trường hợp gây viêm đường hô hấp dưới với các triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh, người già và những người bị suy giảm miễn dịch.
Các triệu chứng của bệnh "cúm" bí ẩn
Các bác sĩ đã xác định được bốn dạng "cúm Nga" có các triệu chứng giống y hệt các triệu chứng nhiễm COVID-19: dạng đơn giản khi không có biến chứng mà chỉ có các triệu chứng hô hấp nhẹ và sốt xảy ra khoảng 48 giờ sau khi bị nhiễm và biến mất sau ba đến bốn ngày; dạng bệnh ảnh hưởng đến đường tiêu hóa với các rối loạn và nhiệt độ thấp; dạng viêm màng nhầy catarrhal; và dạng "thần kinh" với nhức đầu dữ dội và rối loạn thần kinh.
Bệnh thường bắt đầu với cơn đau đầu dữ dội, sốt cao, ớn lạnh, đổ mồ hôi, hắt hơi, chảy nước mắt và ho khan. Một số người bị đau ở xương và cơ, lưng và khắp cơ thể, chán ăn, mất khứu giác và vị giác, sợ ánh sáng và có “sương mù não”. Thỉnh thoảng có phát ban da, sưng tay. Ở thể nặng, khó thở có thể bị biến chứng viêm phổi và gây tử vong.
Theo mô tả của các bác sĩ thời đó, các bệnh nhân đã có rất nhiều triệu chứng khác nhau.
Tiến sĩ James Goodhart, người đã làm việc tại Bệnh viện Guy's ở London, viết: "Có vẻ như không có một cơ quan hoặc mô nào không phải là đối tượng bị tác động tiêu cực".
Các biến chứng kéo dài hàng tuần và thậm chí hàng tháng sau khi kết thúc giai đoạn cấp tính, hiện tượng giống hậu Covid-19 ngày nay. Những người bị bệnh lâu ngày vẫn suy nhược, luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó tập trung làm việc, tê bì chân tay, đau dây thần kinh tọa.
Tin tốt
Khi đó các nhà khoa học đã hiểu rõ ràng đây không phải là một bệnh cúm cổ điển, mà là một cái gì đó khác. Hiện nay giới khoa học cho rằng: rất có thể, đây là một loại coronavirus truyền từ động vật sang người. Nếu đúng như vậy, thì đây là một tin tốt: bằng cách phân tích bản chất diễn biến của nó, có thể dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ diễn biến như thế nào.
Sau ba đợt bùng phát, khả năng gây bệnh của tác nhân gây bệnh "cúm" bí ẩn đã giảm xuống, và nó gia nhập hàng ngũ các vi khuẩn gây viêm đường hô hấp. Hiện OC43 chiếm 20-30% tổng số ca bệnh SARS mùa thu đông. Nếu SARS-CoV-2 tiếp tục phát triển theo con đường này thì theo thời gian nó có thể trở thành một loại coronavirus theo mùa.
Không giống như loại virus cúm được thay thế bằng những biến thể mới hầu như hàng năm, coronavirus theo mùa có tính bảo tồn và không thay đổi trong một thời gian dài. Nhưng, chúng ta không thấy điều này trong đại dịch hiện nay. Virus SARS-CoV-2 đang biến đổi liên tục. Đồng thời, các chủng mới xuất hiện có thể làm mất khả năng miễn dịch đã hình thành trước đó. Một ví dụ điển hình là biến thể Omicron. Do đó, theo các nhà khoa học, còn quá sớm để nói về sự thoái hóa của COVID-19 và việc đại dịch COVID-19 có thể trở thành bệnh theo mùa.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa "bệnh cúm" năm 1889 và COVID-19, một số chuyên gia cho rằng, ý tưởng về đại dịch coronavirus đầu tiên đã bùng phát cách đây 130 năm chỉ là suy đoán. Một câu trả lời rõ ràng chỉ có thể được đưa ra sau khi phân tích mô phổi của những người tử vong vì bệnh này. Các nhà khoa học đang tìm kiếm các mẫu lâm sàng như vậy trong các lọ với cồn y tế chứa các cơ quan được lưu trữ trong các viện bảo tàng và trường y. Cho đến nay chưa có kết quả.