Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam “đã giao thiệp” với Trung Quốc liên quan đến vấn đề này. Hà Nội đề nghị Bắc Kinh tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hay làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Phản ứng của Việt Nam khi Trung Quốc thông báo tập trận ở Biển Đông
Chiều tối ngày 7/3/2022, Bộ Ngoại giao đã chính thức lên tiếng phản hồi về việc chính quyền Trung Quốc tổ chức tập trận dài ngày trên Biển Đông, ở khu vực đảo Hải Nam, gần bờ biển Việt Nam.
Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, liên quan đến hoạt động diễn tập quân sự của Quân đội PLA ở khu vực Biển Đông, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định lập trường nhất quán của Hà Nội.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam đang theo dõi diễn biến tình hình ở Biển Đông.
“Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực Biển Đông và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”, - người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam trong thông cáo báo chí chính thức của mình cũng đã cung cấp tọa độ một khu vực nơi diễn ra cuộc tập trận, gần thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) và thành phố Huế (Việt Nam).
Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định: “Một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982”.
“Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc”
Cũng như các tuyên bố chính thức “truyền thống”, Việt Nam lên án việc Trung Quốc thiếu tôn trọng chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia khác, đồng thời, Hà Nội đề nghị Bắc Kinh không làm xấu thêm tình hình ổn định và hòa bình ở Biển Đông.
“Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông”, - theo bà Hằng.
Đáng chú ý, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đã có trao đổi với chính quyền Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Phía Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này”.
Quân đội PLA tập trận 10 ngày ở Biển Đông
Như Sputnik đã thông tin đến độc giả, hôm 4/3, Cục An toàn Hàng hải Hải Nam (Cục Hải sự tỉnh Hải Nam) của Trung Quốc cho biết, Quân đội PLA sẽ bắt đầu đợt tập trận dài ngày trên Biển Đông chính thức từ 4/3 đến hết 15/3.
Đây đã là cuộc tập trận thứ hai của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây. Đầu tháng ba này, Bắc Kinh cũng có đợt diễn tập từ 23h ngày 1/3 – 12h ngày 2/3.
Theo thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, khu vực tập trận lần này sẽ được giới hạn bởi 4 tọa độ: 17o 32,00 Vĩ Bắc/108o 16,00 Kinh Đông,17o 32,00 Vĩ Bắc/109o 22,00 Kinh Đông,17o 02,00 Vĩ Bắc /109o 22,00 Kinh Đông,17o 02,00 Vĩ Bắc /108o 30,00 Kinh Đông và 17o 22,00 Vĩ Bắc /108o 16,00 Kinh Đông.
Phía Quân đội Trung Quốc cũng yêu cầu các tàu thuyền không liên quan “không phận sự, miễn vào, miễn xâm nhập” khu vực tập trận gần thành phố Tam Á, Hải Nam.