Lãnh đạo Đảng Xanh Quebec vừa có tuyên bố là những hành động và đòi hỏi của Nga là “hợp lý” và “nên được chấp nhận”. Sputnik đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng về hành động của Nga và về mục đích chiến dịch của Nga về vấn đề vì sao những đòi hỏi của Nga là hợp lý.
Nga rất mong muốn hòa bình, đã nhân nhượng
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Sputnik, nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh:
Nắm được chuỗi thông tin liên tục và khách quan về các mâu thuẫn giữa Nga và Ukraina, đặc biệt là sau sự kiện bi thảm Euromaidan 2014, đặc biệt là thông tin từ cả hai phía khi căng thẳng bắt đầu gia tăng từ nửa cuối năm 2021, khi phía Ukraina bắt đầu có những dấu hiệu chống Nga ngày càng quyết liệt hơn, thì có thể hiểu được, Nga đã gần như bị Mỹ và phương Tây “dồn đến chân tường” và thấy rằng biện pháp ngoại giao đã mất tác dụng. Như ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng tuyên bố rằng ngoại giao vẫn là biện pháp chính nhưng không thể kéo dài mãi.
Rõ ràng là phía Nga rất mong muốn hòa bình, đã nhân nhượng. Nhưng qua các vòng đàm phán Nga-Mỹ, Nga-NATO và OSCE, có thể thấy Nga càng nhân nhượng thì Mỹ và NATO càng lấn tới, vì họ quyết tâm áp sát biên giới Nga, đặt những máy bay chiến đấu, những cỗ tên lửa siêu thanh, những cỗ xe tăng, đại bác ngay sát sườn Nga, chỉ cách thủ đô Moskva vài trăm km.
Không phải khi nào bên nổ súng trước là bên gây chiến
Ông Nguyễn Minh Hoàng cũng lưu ý một điểm rằng, những người ít am hiểu về chiến tranh thường cho rằng bên nào nổ súng trước là bên gây chiến. Song, trên thực tế có nhiều sự kiện cho thấy, bên tự vệ, ngăn chặn trước đòn đánh vào mình không phải là bên gây chiến. Điển hình cho việc này là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ từ ngày 2 đến ngày 5-8-1964, Trong những ngày đó, các tàu chiến USS Maddox và USS Turner Joy của Mỹ liên tục xâm phạm lãnh hải Việt Nam, trinh sát hệ thống phòng không và thông tin của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thả biệt kích vào bờ biển Việt Nam để phá hoại các công trình giao thông, bắt cóc công dân Việt Nam.
Và sâu xa hơn nữa, Nhà Trắng và Hội đồng Tham trưởng liên quân Mỹ đã chủ trương: “Gây sức ép tối đa và liên tục bằng cách đưa quân đội vào để Mỹ hoá cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam; khẩn trương chuẩn bị đưa chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân ra miền Bắc Việt Nam” (trích tài liệu mật của Lầu Năm Góc được Washington Post công bố năm 1971). Đứng trước nguy cơ đó, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải ra đòn tấn công trước, buộc tàu USS Maddox phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam.
Cũng như vậy, tháng 1-1979, trước nguy cơ bị quân Khmer Đỏ tấn công tổng lực sau khi chúng đã tiến hành hàng loại vụ tấn công nhỏ ở biên giới và diệt chủng trong nội địa Campuchia, phía Việt nam đã buộc phải cử quân tình nguyện mở chiến dịch tấn công tiêu diệt lực lượng Kh’mer Đỏ, chặn đứng tội ác của chúng, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đó là hành động giúp bạn cũng là tự giúp mình. Hồi đó, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước đã lên án Việt Nam xâm lược Campuchia, mượn cớ đó để bao vây, cấm vận, trừng phạt Việt Nam. Không những thế, họ còn cho những tên tội phạm Khmer Đỏ chiếm ghế của Campuchia ở Liên Hợp Quốc suốt hơn 10 năm sau đó. Và chỉ đến 30 năm sau, khi những thế lực hỗ trợ Kh’mer Đỏ không còn, Mỹ và phương Tây mới chấp nhận đưa vài tên tội phạm Khmer Đỏ đã già nua ra trước vành móng ngựa. Ấy thế nhưng cho đến tận bây giờ, họ vẫn không xin lỗi người dân Campuchia. Thậm chí, họ còn giả vờ “quên mất” để “phủi sạch” trách nhiệm chính trị của họ 30 năm trước đó khi họ đã hỗ trợ cho tập đoàn diệt chủng này.
Nga không còn cách nào khác là phải hành động gấp bằng một chiến dịch quân sự đặc biệt để phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraina. Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Hoàng, tình hình hiện nay giữa Nga và Ukraina cũng vậy. Theo Hiến pháp Ukraina, một tổng thống chỉ bị phế truất khi có từ 75% đại biểu của Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraina) bỏ phiếu đồng ý. Nhưng trong vụ Euromaidan, chỉ có 71% số phiếu đồng ý phế truất tổng thống Viktor Yanukovych. Rõ ràng đây là một hành động vi hiến của các tập đoàn chính trị thân Mỹ và phương Tây ở Ukraina.
Nhưng đó chỉ là về chính trị. Về quân sự, Ukraina liên tục xin gia nhập NATO. Còn NATO thì bảo rằng lời hứa NATO sẽ không mở rộng sang phía Đông của Ngoại trưởng Mỹ James Baker với Mikhail Gorbachev tại Berlin năm 1989 là lời với Liên Xô để biện bạch rằng sau khi Liên Xô sụp đổ thì lời hứa đó không còn giá trị. Và thế là lại thêm một ví dụ khác về sự tráo trở của Mỹ và NATO.
Trong 8 năm qua, chính quyền Kiev đã thi hành một loạt chính sách phân biệt đối xử và cưỡng bức đồng hóa đối với cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraina. Tiếng Nga bị cấm sử dụng. những biểu tượng của các liệt sĩ Liên Xô đã giải phóng Ukraina khỏi phát xít Đức bị kéo đổ, bị xúc phạm. Trong khi đó, những tên phát xít khét tiếng trong Đại chiến thứ II như Stepan Bandera lại được tôn vinh, thậm chí được tổng thống Viktor Yushchenko phong danh hiệu Anh hùng dân tộc Ukraina.
“Nguy hiểm hơn cả là những mưu đồ tái vũ trang vũ khí hạt nhân của Kiev cũng như những âm mưu nghiên cứu chế tạo vũ khí sinh học của các phòng thí nghiệm Mỹ đặt tại Ukraina, và kèm theo đó là một kế hoạch tấn công tổng lực quyết “làm cỏ” hai vùng Lugansk và Donetsk của quân đội Ukraina vừa mới bị phát giác. Tất cả những điều đó đều là những tình huống rất ngặt nghèo, diễn biến rất nhanh, buộc Nga không còn cách nào khác là phải hành động gấp bằng một chiến dịch quân sự đặc biệt để phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraina”, - Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh khi đưa ra bình luận cho Sputnik.