Từ 15h ngày 11/3, sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng 2.908 đồng/lít, xăng RON 95 tăng gần 2.990 đồng/lít, gần mức 30.000 đồng/lít.
Hiện giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít, giá dầu diesel 0.05S là 25.268 đồng/lít.
Giá xăng hôm nay bao nhiêu tiền một lít?
Như đã thông tin, từ 15h ngày 11/3/2022, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thông báo điều chỉnh tăng giá xăng, dầu áp dụng ở thị trường Việt Nam.
Theo đó, cập nhật giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S tăng 3.958 đồng/lít; dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần tăng giá xăng thứ 7 liên tiếp với tổng mức tăng khoảng hơn 6.500 đồng/lít.
Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành của Việt Nam là mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít.
Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel tăng lên 25.268 đồng/lít; dầu hỏa là 29.913 đồng/lít và dầu mazut là 20.987 đồng/kg.
Sau điều chỉnh tăng lên, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít, giá dầu diesel 0.05S là 25.268 đồng/lít.
Giá xăng Việt Nam phụ thuộc vào giá dầu thế giới
Bộ Công Thương lưu ý, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraina khó lường khiến nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng mạnh khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 01/3/2022 và kỳ điều hành ngày 11/3/2022 là: 132,251 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 20,906 USD/thùng, tương đương tăng 18,77% so với kỳ trước).
Mức 135,750 USD/thùng xăng RON95 (tăng 21,543 USD/thùng, tương đương tăng 18,86% so với kỳ trước hay 135,249 USD/thùng dầu hỏa (tăng 26,817 USD/thùng, tương đương tăng 24,73% so với kỳ trước); 145,191 USD/thùng dầu diesel (tăng 32,53 USD/thùng, tương đương tăng 28,87% so với kỳ trước); 647,848 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 109,00 USD/tấn, tương đương tăng 20,23% so với kỳ trước) đều cho thấy biến động mạnh trên thị trường năng lượng thế giới.
Giá “vàng đen” thế giới vẫn biến động mạnh. Sáng 11/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 106,8 USD/thùng, tăng 0,76 USD, tương đương 0,72%. Trong khi đó, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 109,3 USD/thùng.
Theo Liên Bộ Công Thương – Tài chính, ở kỳ điều hành lần này, trước diễn biến tăng giá mạnh của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, hai Bộ đã quyết định thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với các mặt hàng xăng dầu “một cách hợp lý”.
Theo đó, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu và tăng mạnh mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa để hạn chế mức tăng giá các mặt hàng xăng dầu.
Hai Bộ Công Thương và Tài chính đã nỗ lực bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn giá thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giá xăng dầu tăng cao
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Liên Bộ cũng tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước và duy trì hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường. Qua đó, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Cụ thể, ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 lên mức 750 đồng/lít (kỳ trước chi 250 đồng/lít), xăng RON95 lên mức 1.000 đồng/lít (kỳ trước chi ở mức 220 đồng/lít), dầu diesel lên mức 1.500 đồng/lít (kỳ trước chi ở mức 300 đồng/lít), dầu hỏa chi ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước không chi) và dầu mazut không chi.
Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15h ngày 11/3/2022.
Chi mạnh bình ổn giá xăng dầu
Cũng từ đầu năm đến nay, liên Bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Hiện nay số dư quỹ này đang ở mức thấp, chỉ còn khoảng 620 tỷ đồng theo một số thông tin công bố.
Đối với nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn của Việt Nam, hiện, số dư quỹ này đang ở mức âm như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với 827,19 tỷ đồng, riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng âm 158 tỷ đồng.
Như Sputnik đề cập, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraina, các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU nhằm vào Moskva.
Trong nước, nguồn cung xăng dầu tại Việt Nam còn hiện hữu tình trạng thiếu hụt do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, dù Lọc dầu Bình Sơn đã tăng công suất lên 105% nhưng vẫn không thể bù hết thị phần đủ cung ứng xăng dầu cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Hôm 10/3 vừa qua, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ và chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã quyết định đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.
Như vậy, nếu đề xuất Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì giá xăng từ ngày 1/4 tới đây sẽ được giảm 2.200 đồng/lít (gồm cả thuế VAT) và giá dầu cũng sẽ được điều chỉnh 1.100 đồng/lít.