Trong số 100 container điều hiện nay chỉ còn 36 bộ chứng từ thất lạc mà các công ty Việt Nam chưa lấy lại được. Trong số 100 bộ chứng từ ban đầu thì các công ty giữ lại được hơn 50 bộ chứng từ, đòi lại được thêm nhiều bộ chứng từ khác mà chính DHL gửi trả cho Việt Nam.
Xuất hiện người đến nhận hàng, khoe khoang có chứng từ gốc
Theo thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Ý cho biết, quan trọng nhất là 4 container đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Italy ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời của các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, sự vào cuộc của luật sư và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy, Lãnh sự danh dự tại Napoli.
Trong cuộc trao đổi mới đây nhất của đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ý với ông Silvio Vecchione, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Ý, được biết cả hệ thống cảng của Ý đã được báo động về vụ việc này.
“Đến bây giờ chúng tôi đã có những thông tin, ví dụ một số người tham gia ký kết và thực hiện các hợp đồng này. Trong số những người đó, thì có một người trong ảnh này là ở Napoli, đã lấy bộ chứng từ của doanh nghiệp Việt Nam và khoe khoang rằng tôi lấy được bộ chứng từ gốc rồi, mặc dù tôi chưa trả đồng nào, nhưng cứ để tôi lấy hàng đi, rồi 5 ngày 10 ngày sau tôi sẽ trả tiền” - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý Nguyễn Đức Thanh chia sẻ với TTXVN.
Về hướng giải quyết tiếp theo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý cho biết các luật sư sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan Ý để làm sao có thể trả lại hàng cho phía Việt Nam, hoặc cho phía Việt Nam bán cho doanh nghiệp khác của Italy hay bán cho các nước khác.
“Chúng ta sẽ phải nỗ lực để các lô hàng đang trên cảng khi trung chuyển ở đâu đó có thể được quay ngược lại Việt Nam. Còn nếu các container đang trên đường tới Ý không thể quay lại được, thì chúng ta phải xử lý ngay khi chúng đến các cảng để tránh những tổn thất liên quan nếu hàng bị mắc lâu tại Ý” - Ông Thanh cho biết thêm.
Bí ẩn 36 bộ chứng từ ‘bốc hơi’, trách nhiệm của các bên ra sao?
Được biết, tổng trị giá 36 container điều xuất khẩu từ Việt Nam có tổng trị giá 162 tỷ bị mất toàn bộ chứng từ gốc. Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát và sở hữu với lô hàng. Theo thông lệ quốc tế, ai giữ giấy tờ gốc có thể đến nhận hàng.
Như Sputnik đã đưa tin, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng, đây là dấu hiệu vụ việc có tính chất lừa đảo rõ ràng khi người đến đăng ký nhận hàng chưa hề thanh toán qua ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng phải đặt ra câu hỏi trách nhiệm của các bên là đơn vị vận chuyển DHL và các ngân hàng Việt Nam ra sao khi 36 bộ chứng từ gốc này “bốc hơi” không rõ nguyên nhân.
Phía Vinacas cho rằng, trách nhiệm thuộc về các ngân hàng Việt, vì chính họ chọn DHL là đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát và khiến hàng chục hồ sơ bỗng dưng biến mất.
Năm doanh nghiệp xuất khẩu điều của Việt Nam thực hiện giao dịch quốc tế theo hình thức thanh toán D/P (nhờ thu) với 5 ngân hàng Việt Nam từ tháng 2/2022.
Theo quy trình, các ngân hàng này nhận bộ chứng từ gốc từ doanh nghiệp và sử dụng dịch vụ chuyển phát DHL để gửi hồ sơ cho các ngân hàng Ý. Khi ngân hàng đối tác nhận chứng từ gốc mới thanh toán tiền hàng về cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua ngân hàng Việt.
Đáng chú ý, khi bộ chứng từ tới ngân hàng nước bạn thì toàn bộ 36 phong bì bên trong đều là bản photocopy. Không hiểu hồ sơ gốc mất ở giai đoạn nào.
Vì không phải chứng từ gốc nên ngân hàng Ý không chấp nhận thanh toán 162 tỷ tiền hàng. Trong khi đó, bộ chứng từ rơi vào tay bất kỳ ai thì họ đều có thể tới cảng lấy lô hàng của Việt Nam.
Khối ngân hàng Việt xác nhận đều gửi chứng từ gốc qua hãng chuyển phát nổi tiếng toàn cầu DHL. Các ngân hàng khẳng định, hiện không có sự phàn nàn hoặc cảnh báo nào về tai tiếng của DHL. Đây là dịch vụ chuyển phát tốc độ nhanh và tốt trên thế giới. Phân tích lộ trình từ Việt Nam của 36 bộ chứng từ, các bên liên quan đưa ra hai giả thiết hợp lý nhất đến hiện tại.
Thứ nhất, bộ chứng từ 162 tỷ bị thay đổi, đánh tráo hoặc đánh mất do bộ phận chuyển phát nhanh của DHL. Tổ chức tội phạm bằng cách nào đó tác động vào thời điểm này.
Thứ hai, DHL hoàn thành vận chuyển chứng từ nhưng khi tới ngân hàng Ý đã bị đánh tráo ngay thời điểm đó, dẫn đến sai lệch toàn bộ bản chất giao dịch.
Chỉ ít ngày nữa, toàn bộ hơn 30 container đang trên biển sẽ cập cảng tại Ý. Đây là điều đáng lo và các doanh nghiệp Việt Nam gần như không còn thời gian.
Tại sao lại thanh toán bằng D/P, xuất hiện cảng rất hẻo lánh?
Như Sputnik thông tin về vụ việc, ngoài các cảng lớn mà các container của Việt Nam sẽ cập bến còn có những cảng rất hẻo lánh, cách xa cả nghìn km so với thành thị.
Về vấn đề này, DHL giải trình, chỉ nhận chứng từ gốc và giao ở các thành phố lớn. Khi chuyển đến các địa điểm nhỏ, xa thì họ lại ủy thác việc chuyển phát cho một số đơn vị dịch vụ hợp tác khác. DHL không nhận chuyển phát tới những nơi quá xa như vậy.
Điều khó hiểu thứ hai nằm ở phương thức thanh toán. Các doanh nghiệp Việt Nam chọn hình thức thanh toán D/P (giao tiền thì giao chứng từ) với rủi ro là khi bên mua chiếm đoạt bộ chứng từ gốc, họ có thể lấy được hàng mà không cần thanh toán tiền cho bên bán.
Giải thích về vấn đề này, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas, cho rằng đây là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong xuất nhập khẩu hiện nay, với ưu điểm là thủ tục đơn giản, nhanh, nhiều khi hàng còn trên đường vận chuyển, bên bán đã nhận được tiền hàng.
Trong khi đó, thanh toán L/C (tín dụng thư bảo đảm thanh toán) rất an toàn nhưng chi phí cao và thời gian nhận tiền chậm, chỉ khi nào hàng đến cảng với sự xác nhận của hải quan thì ngân hàng mới chuyển khoản cho bên bán. Chính vì thế, phương thức thanh toán L/C chỉ được các doanh nghiệp chọn khi nhận thấy khách hàng có độ rủi ro cao.
"Do đó, Vinacas không khuyến cáo các doanh nghiệp chuyển sang hình thức thanh toán L/C vì không thực tế mà chỉ cần tìm hiểu kỹ về uy tín công ty môi giới cũng như khách hàng để tránh rủi ro" - ông Nhựt khuyến cáo.
Theo nhận định từ nhiều phía, có tổ chức tội phạm đã tác động vào phi vụ siêu lừa này. Tinh vi ở chỗ, thị trường Ý vốn không phải là thị trường lớn tiêu thụ điều của Việt Nam, nhưng các đơn hàng lại được thu mua và rải đi nhiều doanh nghiệp tại Ý chứ không phải một đầu mối duy nhất. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chủ quan, không đặt nghi vấn từ đầu.
Về phía Công ty Kim Hạnh Việt, đơn vị môi giới bán lô hàng trên, chủ đại diện doanh nghiệp này hiện đang định cư tại Hoa Kỳ và trước giờ là một doanh nghiệp làm ăn bình thường, không có cảnh báo lừa đảo nào với Vinacas.