Nông sản Việt Nam có mặt tại chuỗi siêu thị trung, cao cấp tại Anh
Theo thống kê của Bộ Công thương cho biết, kim ngạch song phương Việt Nam-Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24%, cơ bản đã phục hồi được về mức kim ngạch năm 2019, sau một năm giảm sâu do tác động của dịch COVID-19.
Đáng chú ý, sau một năm UKVFTA được triển khai kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đã đạt được kết quả khả quan. Ở chiều xuất khẩu, lượng hàng hóa trị giá hơn 5,7 tỷ USD đã được xuất khẩu sang Anh, tăng 16%, Còn nhập khẩu từ Anh sang Việt Nam tăng 24 % so với cùng kỳ.
Đóng góp to lớn nhất của Hiệp định này giúp quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, trong hiệp định cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, nhập khẩu miễn thuế một số hàng hóa bổ sung vào Vương quốc Anh, nhiều sản phẩm được bảo hộ tại quốc gia này, tạo tiền đề cho các sản phẩm này thâm nhập sâu vào thị trường Anh.
Đơn cử là hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn của Vương Quốc Anh như cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks and Spencer (M&S), Waitrose, TESCO, Sainsbury’s v.v.
Trước đó, mặt hàng nông sản của Việt Nam như hạt điều, cà phê, hạt tiêu được bán tại các siêu thị Anh. Trong khi gạo, hoa quả và các nông sản thực phẩm khác chủ yếu được bày bán tại các siêu thị nhỏ lẻ phục vụ cộng đồng người Việt và một phần cộng đồng người gốc Á chứ chưa thâm nhập được vào các chuỗi siêu thị lớn tại Anh.
Với việc xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho mặt hàng rau quả từ ngày 1/1/2021 sau khi UKVFTA có hiệu lực, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Anh trong năm 2021 tăng 67% so với năm 2020 lên hơn 19,35 triệu USD, trong khi các mặt hàng nông sản các loại tăng 16% lên hơn 230,4 triệu USD.
Dựa vào lợi thế trên, các doanh nghiệp Việt Nam có bạn hàng đã tận dụng được ngay ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó các mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất là thủy-hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày v.v.
Đòn bẩy thúc đẩy thương mại Việt Nam-Anh phục hồi
Theo đánh giá của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu thì Vương quốc Anh đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có một số nước ASEAN. Việt Nam hiện đang có lợi thế nhất định nên cần tranh thủ tiềm năng mà UKVFTA mang lại. Dư địa phát triển thương mại giữa hai nước còn rất lớn.
Không chỉ đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, việc thực thi UKVFTA đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Anh. Ông Phạm Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK) cho biết:
“Hiệp định thực sự là “cú hích” cho các doanh nghiệp Việt tại Anh cũng như trong nước, trong bối cảnh sau Brexit, Chính phủ Anh đang mở cửa nhằm tạo các cơ hội hợp tác, giao thương với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, một đối tác chiến lược của Anh tại Đông Nam Á”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng bức tranh thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không phải lúc nào cũng có màu hồng. Bởi tuy giảm thuế cho nhiều ngành hàng nhưng UKVFTA có nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng rất cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe này nếu muốn thâm nhập thị trường “khó tính” này.
“Anh mở cửa hơn với hàng Việt nhưng chỉ là hàng chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, ... Đơn cử như gạo, không phải loại gạo nào cũng được hưởng thuế ưu đãi từ UKVFTA, mà chỉ một số nhóm gạo chất lượng cao của Việt Nam mới nằm trong danh sách được hưởng thuế 0%” - Ông Thái Trần, Giám đốc Công ty TT Meridian, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Anh, cho biết.
Ngoài ra, Anh còn là thị trường cạnh tranh rất cao. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không khéo léo và linh hoạt nắm bắt cơ hội, nâng cao chất lượng sản phẩm thì cơ hội tiềm năng rất có thể sẽ rơi vào tay doanh nghiệp các nước khác.