Đại dịch COVID-19

Cuộc đua giữa FPT Retail, Thế giới Di động và Pharmacity mùa Covid-19

Nếu như trước khi đại dịch xảy ra, người dân đến cửa hàng để mua thuốc chữa bệnh là chính, thì đến nay, các loại thực phẩm chức năng và thuốc hỗ trợ sức khoẻ đang dần có nhu cầu ngày càng cao.
Sputnik
Sau 2 năm dịch bệnh, cuộc đua trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết giữa các ông lớn FPT Retail, Thế giới Di động và Pharmacity.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu phát triển mạnh

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi nhà thuốc Long Châu thuộc Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã đạt được bước phát triển vượt bậc. Hiện cả nước có hơn 400 của hàng Long Châu. Con số này nhiều gấp đôi so với hồi cuối năm 2020.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã chiếm 45% thị phần, dựa trên số liệu thống kê từ nhà cung cấp.
Đến cuối năm 2022, FPT Retail dự kiến mở và vận hành 700 cửa hàng Long Châu, tiệm cận với số cửa hàng FPT Shop, vốn là nguồn thu chính của FPT Retail. Chuỗi nhà thuốc Long Châu được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột tăng trưởng của công ty, trong bối cảnh thị trường của FPT Shop đang dần bão hòa.
Theo Chủ tịch HĐQT FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp, chuỗi cửa hàng Long Châu là hướng đi chiến lược và là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp. FPT Retail đặt mục tiêu trở thành chuỗi nhà thuốc số 1 Việt Nam, đồng thời hướng đến việc mở thêm vài ngàn nhà thuốc trong 3 năm sắp tới.
Long Châu dự định sẽ dành nguồn lực vào phát triển các sản phẩm độc quyền, mang nhãn hàng riêng. Trong năm nay, chuỗi sẽ có 50 sản phẩm độc quyền, mang nhãn hàng riêng được bán lẻ tại các cửa hàng Long Châu.
Trong bối cảnh dịch bệnh, không chỉ số lượng các cửa hàng Long Châu bùng nổ, mà thời điểm có lãi của chuỗi cũng sớm hơn dự tính.
Tháng 4 năm ngoái, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, bà Điệp cho rằng trong năm 2021, khoản lỗ của Long Châu sẽ vào khoảng 80 tỷ đồng và bắt đầu có lãi từ năm 2023. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh thu Long Châu năm 2021 lên đến hơn 3.900 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 95% và đã bắt đầu có lãi nhẹ.
Tại Việt Nam, mảng bán lẻ thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe liên quan được chia làm 3 kênh chính, gồm bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc. FPT Retail đặt mục tiêu mảng này sẽ đóng góp 25% tổng doanh thu của Công ty, vào khoảng 5.000 tỷ đồng.
EVN làm ăn có lãi, giá bán lẻ điện bình quân 2022 ra sao?
Năm 2021, chuỗi của hàng Long Châu đóng góp 18% doanh thu, bằng khoảng 1/4 chuỗi FPT Shop. Tuy nhiên, mức doanh thu này đang tăng trưởng mạnh. Trong khi doanh thu của chuỗi FPT Shop chỉ tăng 38% năm 2021, thì doanh thu của Long Châu đã tăng đến 234% so với năm 2020.

Thế giới Di động tăng tốc

Từ đầu năm 2018, nhìn ra tiềm năng của mảng bán lẻ dược phẩm, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài đã xúc tiến thương vụ mua lại cổ phần chuỗi nhà thuốc An Khang.
Dù vậy, Thế giới Di động có quá nhiều việc phải làm. Với việc lấy chuỗi Bách hóa xanh làm trụ cột tăng trưởng, doanh nghiệp này khó có thể tập trung nguồn lực lớn cho chuỗi dược phẩm.
Tháng 5/2020, ông Nguyễn Đức Tài từng lý giải vì sao Thế giới Di động do dự trong việc đầu tư bài bản vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Theo đó, công ty cho rằng, các quy định về kinh doanh chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam hiện còn “mờ ảo và phân biệt đối xử”, nên họ chưa sẵn sàng đẩy mạnh mảng kinh doanh này.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, trước đây, các chuỗi nhà thuốc chủ yếu do các dược sĩ xây dựng, sau đó họ tự mở rộng hoặc hợp tác với các dược sĩ khác để dùng chung thương hiệu.
Trên nguyên tắc, để mở nhà thuốc, người chịu trách nhiệm chuyên môn của nhà thuốc phải có bằng cao đẳng hoặc trung cấp dược. Đây là thách thức cho các chuỗi bán lẻ như Long Châu hay An Khang khi bước chân vào lĩnh vực này.
Trên bảng hiệu các nhà thuốc, ta có thể thấy người đứng đầu là các dược sĩ khác nhau, dù có thể các nhà thuốc này đều thuộc chung một chuỗi. Tuy nhiên, không phải lúc nào dược sĩ có tên trên bảng hiệu cũng luôn có mặt, chịu trách nhiệm chuyên môn tại nhà thuốc. Trên thực tế, có hiện tượng dược sĩ cho thuê bằng để cá nhân hoặc doanh nghiệp khác mở nhà thuốc.

“Vì có quá nhiều rủi ro pháp lý phía sau, nên Thế giới Di động không sẵn sàng lao vào cuộc chơi. Chờ cho quy định luật pháp trong lĩnh vực này rõ ràng mạch lạc, tự do kinh doanh thì chúng tôi sẽ nhảy vào”, - ông Nguyễn Đức Tài cho biết.

Sau 2 năm dịch bệnh, thời điểm cuối năm 2021 được xem là chín muồi để Thế giới Di động bắt đầu cạnh tranh trong mảng bán lẻ dược phẩm khi nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên đến 100% vốn tại chuỗi nhà thuốc An Khang.
Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu cho các nhà bán lẻ thế giới
Trao đổi với nhà đầu tư vào cuối tháng 2/2022, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, lĩnh vực kinh doanh dược phẩm đang chuyển biến theo chiều tích cực. Trước khi đại dịch xảy ra, người dân đến cửa hàng để mua thuốc chữa bệnh là chính. Đến nay, các loại thực phẩm chức năng và thuốc hỗ trợ sức khoẻ dần có nhu cầu ngày càng cao.

“Ngành thuốc dịch chuyển từ đau đâu chữa đó sang phòng ngừa, bảo vệ sức khoẻ. Đó là dấu hiệu dịch chuyển như từng diễn ra ở những nước phát triển. Muốn kiếm lợi nhuận trong lĩnh vực này thì đây là giai đoạn phù hợp cho mô hình chuỗi nhà thuốc”, - ông Tài đánh giá.

Là người phụ trách điều hành chuỗi nhà thuốc An Khang, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, hơn 200 cửa hàng của chuỗi hiện có mang về doanh số bình quân 500 triệu đồng/cửa hàng, sắp đạt mốc hòa vốn.
Theo ông, An Khang sẽ phát triển theo mô hình mới trong thời gian tới. Năm 2022 hứa hẹn sẽ là năm tăng tốc để tham gia cuộc đua trong lĩnh vực này.

Tham vọng của Pharmacity

Do chưa phải là công ty đại chúng, các thông tin về hoạt động của Pharmacity còn khá hạn chế. Dù vậy, bức tranh tài chính của chuỗi nhà thuốc này cũng cho thấy một vài thông số quan trọng qua các báo cáo về phát hành trái phiếu.
Năm 2019, Pharmacity lỗ ròng 265 tỷ đồng. Ở lần gần nhất công bố thông tin tài chính, Pharmacity lỗ 194 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2020.
Chuỗi nhà thuốc này đặt mục tiêu khá tham vọng khi muốn mở rộng lên 5.000 cửa hàng vào năm 2025 với đội ngũ nhân viên đến 35.000 người.
Nhà sáng lập kiêm CEO Pharmacity Chris Blank cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 là 68.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD). Trong đó, gần 70% doanh thu sẽ đến từ kênh bán lẻ và 30% còn lại đến từ các dịch vụ khác nằm trong hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe số.
Theo kế hoạch 05 năm đến 2025, Pharmacity sẽ giới thiệu một "siêu ứng dụng" (super app) cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm Dược sĩ và Bác sĩ trực tuyến, đặt xe cấp cứu, cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà hoặc dịch vụ chăm sóc người bệnh.

"Tầm nhìn của Pharmacity là chuỗi nhà thuốc tiện lợi nhất tại Việt Nam nơi bạn trao trọn niềm tin và sức khoẻ", - ông Chris Blank chia sẻ.

Vụ ông Cao Minh Quang bị bắt: Vết đổ từ Dược phẩm Cửu Long đến VN Pharma
Thảo luận