Bên bờ vực phá sản, nhiều nhà đầu tư điện gió ‘kêu cứu’ Thủ tướng

Nhà đầu tư điện gió có đơn ‘kêu cứu’ Thủ tướng vì nguy cơ phá sản do phải chờ cơ chế.
Sputnik
Theo đó, Chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội, Nam Bình 1, Tân Tấn Nhật và Cầu Đất cho biết, họ đang đứng trước nguy cơ phá sản, có hàng nghìn tỷ đồng ở các dự án còn mòn mỏi chờ đợi hướng giải quyết, gây lãng phí và thiệt hại rất lớn.

Cầu cứu

Đây là lần thứ hai gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội, điện gió Nam Bình 1, điện gió Cầu Đất và điện gió Tân Tấn Nhật khẳng định họ đang vô cùng khó khăn.
Đại diện các chủ dự án cho hay, họ đứng trước nhiều khó khăn, doanh nghiệp rơi vào tình trạng bất ổn, nguy cơ phá sản cận kề khi phải dừng hoạt động.
Tính đến nay, cả 4 dự án điện gió Nhơn Hội, Cầu Đất, Tân Tấn Nhật, Nam Bình 1 đều đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31/10/2021, có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhà máy điện gió Tân Thuận gần 3.000 tỷ ở Cà Mau bị mất trộm
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, do tác động của những yếu tố khách quan như dịch COVID-19, thời tiết bất thường nên việc thử nghiệm kỹ thuật (khâu cuối trong quy trình công nhận vận hành thương mại - COD) đã không kịp thực hiện trước ngày 31/10/2021 để hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo quyết định 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Năng lượng Fico Bình Định, chủ đầu tư dự án điện gió Nhơn Hội (giai đoạn 1&2), đơn vị đã có liên tiếp 5 đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, thời điểm trước tháng 10/2021, để kịp hưởng cơ chế theo quy định, nhà máy đã phải chạy đua với thời gian để hoàn thành toàn bộ phần xây lắp, thực hiện các thủ tục cuối cùng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát kéo dài, diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam.
Đến tháng 9/2021 nhiều tỉnh vẫn giãn cách xã hội nên việc đưa chuyên gia, thiết bị vào nhà máy gặp nhiều khó khăn.
Theo chủ đầu tư điện gió Nhơn Hội, sau nhiều nỗ lực, các tuabin đều đã hòa lưới điện, sẵn sàng các thử nghiệm cuối cùng với EVN, nhưng lại gặp thời tiết bất lợi, tốc độ gió thấp và không ổn định nên không thể hoàn thành như dự kiến.
Theo đại diện doanh nghiệp, việc không hoàn thành thử nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo trì, bảo dưỡng.
“Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị được đóng điện hòa lưới trở lại để hoàn thiện quy trình thử nghiệm nội bộ. Dù vậy, phải chờ cơ chế hướng dẫn mới, nhà máy vẫn chưa được vận hành khiến các thiết bị kỹ thuật, tuabin bị hư hại, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, tranh chấp”, Tuổi trẻ dẫn lý giải của chủ điện gió Nhơn Hội cho hay.
Tương tự khó khăn này, đại diện chủ đầu tư điện gió Nam Bình 1 cũng cho biết, họ đã hoàn thành nghiệm thu công trình, hòa lưới điện nhưng đến nay vẫn gặp vướng mắc ở công tác thử nghiệm cuối cùng với EVN và chờ cơ chế hướng dẫn mới sau khi quyết định 39 hết hiệu lực.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, từ tháng 11 đến nay vẫn chưa có hướng dẫn mới, các kiến nghị gửi tới bộ ngành liên quan đều chưa có phản hồi, nên tất cả các nhà máy phải dừng hoạt động, hư hỏng thiết bị.
Đồng thời, có hàng nghìn tỷ đồng ở các dự án còn mòn mỏi chờ đợi hướng giải quyết, gây lãng phí và thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.

Thiệt hại lớn

Trong khi đó, bàn về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chi biết, để vận hành thương mại doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các tiêu chí, trong đó có khâu thử nghiệm kỹ thuật, đảm bảo độ tin cậy của dự án.
Các trường hợp chưa thực hiện được thử nghiệm nên không thể công nhận COD. Chưa kể, hiện nay quyết định 39 đã hết hiệu lực, nên cơ chế cho các dự án điện gió vận hành sau thời điểm tháng 10/2021 phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương.
Thêm một dự án điện gió tại Trà Vinh, Việt Nam tiệm cận đến ‘năng lượng xanh’
Trước quy định này, chủ một doanh nghiệp cho rằng các quy định về thử nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khách quan như thời tiết, con người, nên cần áp dụng một cách linh hoạt trước hoặc sau COD, trong trường hợp dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây lắp, có chứng nhận nghiệm thu công trình, đáp ứng đầy đủ điều kiện về xây dựng.
Đặc biệt, phía doanh nghiệp cho biết, việc áp dụng linh hoạt trước hoặc sau COD mà không làm ảnh hưởng tới khả năng vận hành của nhà máy, thay vì áp dụng cứng nhắc như hiện nay, làm giảm tính minh bạch, tăng rủi ro cho nhà đầu tư.
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét cho các nhà máy được tiếp tục các thử nghiệm và được công nhận COD theo quyết định 39 hoặc xem xét gói hỗ trợ tổng thể với các dự án gặp khó do dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp cũng mong sẽ có những sửa đổi các quy định trong ngành điện với quy trình COD như hiện hành cho phù hợp, linh hoạt hơn.

Gia hạn FIT hay không?

Hồi tháng 2, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nhiều đại diện doanh nghiệp nước ngoài cũng đề cập đến lo lắng chung này.
Điển hình như ông Kenneth Atkinson, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam đã có kiến nghị cần gia hạn áp dụng cơ chế giá FIT đối với điện gió và điện mặt trời.
Việt Nam tính toán như thế nào để bớt điện than, thêm điện gió ngoài khơi?
Ông Atkinson nhấn mạnh, giá FIT hiện tại đối với điện gió hết hạn vào ngày 1/11/2021, khiến các nhà phát triển gió không đủ thời gian để đưa các dự án của họ vào hoạt động trước thời điểm đó. Có 91 dự án điện gió đã được phê duyệt trong tháng 7/2020 được đưa vào Quy hoạch Điện VII và vẫn đang chờ Bộ Công Thương cấp phép.
“Chúng tôi khuyến nghị gia hạn FIT tối thiểu 2 năm, đến ngày 31/12/2023 để các dự án này có thời gian triển khai”, ông Kenneth Atkinson khẳng định.
Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, quy hoạch điện mặt trời đến nay đã được phê duyệt cũng như báo cáo Thủ tướng đưa vào phê duyệt là khoảng 19.230 MW. Đối với điện gió, đã thẩm định và báo cáo trình Thủ tướng phê duyệt khoảng 18.300 MW. Như vậy, tổng quy hoạch điện gió, điện mặt trời đã được phê duyệt và đang trình Thủ tướng phê duyệt là khoảng 40.000 MW. Đây là một tỷ lệ rất lớn.
Tuy nhiên, vì đặc điểm của năng lượng tái tạo là giá thành cao và không có tính liên tục, đến 2030, theo tính toán chỉ có thể bổ sung được 4.500 MW điện mặt trời, 7.710 MW điện gió và có thể xem xét bổ sung điện gió ngoài khơi.
Đối với đề xuất điều chỉnh giá FIT cho điện gió, ông Hùng nhấn mạnh, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ kéo dài giá FIT cho điện gió.
“Tuy nhiên, do công nghệ có thể giảm dần theo thời gian, nên giá cũng sẽ phải điều chỉnh giảm cho phù hợp”, vị lãnh đạo lưu ý.
Thực tế, kể từ tháng 11 đến nay khi cơ chế ưu đãi giá với điện gió không còn hiệu lực, Bộ Công Thương vẫn đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện cho điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Bộ trưởng Công Thương: Khẩn trương xây dựng khung giá điện gió, điện mặt trời
Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT không còn phù hợp, cần có cơ chế mới, nên nhiều khả năng các dự án này đều sẽ không được hưởng ưu đãi giá FIT cũ.
Liên quan đến 4 dự án điện gió Nhơn Hội, điện gió Nam Bình 1, điện gió Cầu Đất và điện gió Tân Tấn Nhật, Bộ Công Thương khẳng đinh đã nhận được kiến nghị của doanh nghiệp nhưng đang xem xét để phù hợp với cơ chế chung, trên cơ sở nguyên tắc là để đảm bảo công bằng với các nhà đầu tư, gắn với cơ chế chung, tổng thể đang được xây dựng với những dự án chuyển tiếp.
Thảo luận