IPP Air Cargo bắt kịp xu thế chung của thế giới
Kết luận trên được Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ trong báo cáo vừa gửi Bộ Giao thông vận tải về bổ sung đánh giá thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không Việt Nam để xem xét cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Công ty CP Liên Thái Bình Dương – IPP Air Cargo là hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng hóa với 100% vốn Việt Nam của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người được mệnh danh là “Vua hàng hiệu” Việt Nam.
Người đại diện theo pháp luật và cũng là Tổng giám đốc của IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thủy Tiên, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Qua quá trình thẩm định hồ sơ gắt gao, Cục Hàng không nhận định việc xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa cho IPP Air Cargo là phù hợp, cần thiết để đảm bảo việc triển khai theo định hướng của Thủ tướng trong quyết định số 318/QĐ-TTg năm 2014 và quyết định số 236/QĐ-TTg.
Trên thực tế sau hơn 30 năm cho đến nay các hãng hàng không Việt Nam vẫn chỉ chở hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng nào chở hàng bằng máy bay chuyên dụng.
Trong khi đó, có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác máy bay chuyên chở hàng nhiều quốc gia tới Việt Nam. Nếu IPP Air Cargo được cấp phép hoạt động thì đây sẽ là hãng hàng không chuyên chở hàng hóa chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam.
Trong xu thế chung của thế giới là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng máy bay tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết.
"Việc bổ sung IPP Air Cargo sẽ tăng sức cạnh tranh, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế cho hãng hàng không Việt Nam tại thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế nói chung", công văn của Cục Hàng không lý giải.
Cách thức hoạt động của IPP Air Cargo
Như Sputnik đã đưa tin, IPP Air Cargo dự kiến khai thác tàu bay B737BCF và B777F. Trước đó, doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết dự kiến khai thác vận chuyển bằng máy bay Boeing 737, Boeing 777, Airbus A330 với 5 chiếc trong năm đầu tiên khai thác và tăng dần thành 10 chiếc trong 5 năm tiếp theo sau khi đi vào hoạt động.
Ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã nhận được văn bản xác nhận của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Công ty Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thu xếp đủ chỗ đỗ tàu bay cho IPP Air Cargo trong trường hợp nhà đầu tư này được cấp phép.
Mặc dù cần thêm thời gian nhưng các chuyên gia nhận định rằng, “cửa bay” dành cho IPP Air Cargo là rất khả quan.
Ngoài ra, IPP Air Cargo cho biết là trong năm đầu tiên, mỗi tàu bay của Hãng sẽ đỗ qua đêm tại các cảng hàng không quốc tế gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh và Cần Thơ.
Tuy có nhiều thuận lợi ở bước đầu nhưng hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam vẫn phải cần thêm thời gian do Công văn số 4620/BGTVT-VT ngày 14/5/2020 quy định “việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau dịch COVID-19”.
Nếu ‘debut’ thành công, với sự đóng góp của vận tải hàng hóa - lĩnh vực kinh doanh dự kiến của IPP Air Cargo, sản lượng vận tải hàng hóa bằng hàng không của Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt khoảng 1,524 triệu tấn, tăng 16,4% so với năm 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019.