Bộ Công an lên tiếng vụ bắt bà Nguyễn Phương Hằng, di lý về Trại giam T30 Củ Chi

Bà Nguyễn Phương Hằng, bà chủ Đại Nam, nhân vật hiện đang nóng nhất mạng xã hội Việt Nam, vợ đại gia Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng ‘lò vôi’) đã được Công an TP.HCM di lý về Trại tạm giam T30, huyện Củ Chi.
Sputnik
Việc trên mạng xã hội lan truyền thông tin bà Nguyễn Phương Hằng được thả về, tối nay livestream và chỉ bị phạt hành chính, theo Công an TP.HCM, đây là tin đồn sai sự thật.

Di lý bà Nguyễn Phương Hằng về Trại giam Củ Chi

Công an TP.HCM di lý Nguyễn Phương Hằng về Trại tạm giam T30, huyện Củ Chi sau khi tống đạt các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nhà.
Ngày 25/3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiến hành di lý bà Nguyễn Phương Hằng đến Trại tạm giam T30, huyện Củ Chi.
Trước đó, như Sputnik thông tin, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt: Phản ứng của các nạn nhân, ekip đứng sau bà Hằng liệu có liên lụy?
Cơ quan CSĐT cho hay, bà Hằng bị tạm giam 3 tháng để phục vụ công tác điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Sau khi áp dụng các biện pháp tố tụng, cơ quan chức năng cũng thực hiện khám xét 2 căn nhà riêng của bà Nguyễn Phương Hằng tại số 17-19 Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM) và số 6 Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM).
Việc khám xét được thực hiện với sự có mặt chứng kiến của đại diện gia đình bà Nguyễn Phương Hằng. Qua khám xét, cơ quan công an đã thu giữ nhiều vật chứng liên quan.
Vụ án hiện đang được cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công an thông tin vụ bắt bà Nguyễn Phương Hằng

Ngày 25/3, cổng Thông tin điện tử Bộ Công an vừa phát đi thông tin chính thức về việc khới tố, bắt giam bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam.
Theo đó, ngày 24/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 190-01/QĐ về việc khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 300-50/QĐ về việc Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 300-04/LB và Lệnh khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trú tại 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1 về hành vi nêu trên.
Vì sao bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố tội lợi dụng quyền tự do dân chủ?
Các quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Theo Bộ Công an, bà Nguyễn Phương Hằng đã coi thường pháp luật. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thụ lý điều tra vụ "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh do Nguyễn Phương Hằng thực hiện.
“Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, Bộ Công an khẳng định.
Thông qua quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.
“Hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ Công an khẳng định.
Theo cập nhật, thời điểm PC01 xác minh các đơn tố cáo bà Hằng không hợp tác và có thái độ coi thường pháp luật. Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam từ chiều 24/3 đến nay, bà Hằng có thái độ hợp tác tốt hơn.

“Không ai có thể đứng trên pháp luật”

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh trao đổi với VOV cho rằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng về tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hoàn toàn đúng căn cứ pháp luật.
Luật sư nhấn mạnh, việc khởi tố này là tất yếu khi vụ việc kéo dài 1 năm nay, với tần suất liên tục, gây bức xúc trong dư luận.
“Tôi cho rằng đây cũng là 1 cách làm đảm bảo quy trình của tố tụng. Trong suốt 1 năm vừa rồi, Nguyễn Phương Hằng thường xuyên có dấu hiệu của tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của tổ chức cá nhân”, ông Truyền nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, bà Hằng “lạm dụng” rất nhiều quyền đang bị quá khi sử dụng mạng livestream xâm phạm rất nghiêm trọng vào quyền tự do, dân chủ, lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác.
Vì sao bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm hoãn xuất cảnh?
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty luật TGS nêu quan điểm, tất cả mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, thể hiện các ý kiến, quan điểm của mình trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, không phải thích nói gì thì nói, hay phát ngôn như thế nào cũng được mà đó phải là sự phát ngôn chuẩn mực, có văn hóa và đúng pháp luật, không được phép xuyên tạc, vu khống, xúc phạm trái pháp luật đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác, đó đều là các hành vi trái pháp luật và sẽ phải chịu các tài xử lý theo quy định của pháp luật.
“Vụ việc này cũng là bài học quý giá cho tất cả chúng ta trong việc sử dụng mạng xã hội nói chung, cũng như phát ngôn trên mạng xã hội nói riêng, khi một người đã phát ngôn công khai trên không gian mạng, công khai trước công chúng thì người đó sẽ phải chịu các trách nhiệm xã hội và các trách nhiệm pháp lý đối với các phát ngôn của mình”, luật sư Hùng nêu rõ.
Theo lãnh đạo Công ty luật TGS, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo là “thích đáng” bởi những hành vi gây bất ổn trên mạng xã hội, công kích các cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội trong khi chưa thể đưa ra được những bằng chứng xác đáng cho những cáo buộc của bà chủ Đại Nam.
Luật sư nhấn mạnh, đây cũng là lời cảnh tỉnh đến những người có nhận thức chưa đúng đắn hoặc cố tình lạm dụng mạng xã hội, gây tổn hại đến lợi ích, danh dự của các cá nhân, tổ chức.
Việc khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng là sự cảnh báo cần thiết khi ngày càng xuất hiện những trường hợp lợi dụng ngôn luận trên không gian mạng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Livestream ‘vạch trần’ sự thật chấn động showbiz Việt của bà Nguyễn Phương Hằng
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, việc khởi tố này mang tính cảnh tỉnh kịp thời để bảo vệ môi trường trong sạch, phát ngôn đúng chuẩn mực trên không gian mạng.
“Ở đâu đó chưa đến mức như của Nguyễn Phương Hằng nhưng cũng đang có rất nhiều người đang lợi dụng quyền tự do, dân chủ này để xâm phạm đến lợi ích của tổ chức cá nhân khác, cần có một tiếng nói cảnh tỉnh rất rành mạnh từ pháp luật để cho những người đang có dấu hiệu vi phạm, hoặc đang có ý định sẽ dừng lại ngay”, luật sư Truyền khẳng định.
Cùng quan điểm này, luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ quan điểm, cộng đồng mạng phải nâng cao nhận thức, tự mình phải biết phân biệt đúng, sai, không vì tâm lý a dua đám đông mà hùa theo người này người kia.
Luật sư Ứng nhấn mạnh, quyền tự do ngôn luận không nên hiểu là muốn nói gì, nói ai... cũng được.
“Tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ giới hạn pháp luật và chuẩn mực của đạo đức. Tôi nghĩ, cơ quan công an cần xử lý nghiêm minh để từ đó răn đe, giáo dục những người khác”, chuyên gia pháp lý nhấn mạnh.
Thảo luận