Cập nhật vụ án liên quan đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao

HÀ NỘI (Sputnik) - Mở rộng điều tra vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, ngày 25/3, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố về tội "Đưa hối lộ" đối với Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình.
Sputnik

Chân dung người đưa hối lộ

Theo đó, bị can Hoàng Thị Mơ, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình, bị khởi tố về tội danh “Đưa hối lộ”.
Được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam bị can Hoàng Thị Mơ.
“Scandal nhận hối lộ” ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam: Thủ tướng chỉ đạo khẩn
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự "Đưa hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
Như Sputnik đã đưa tin, đây vụ án gây rúng động dư luận liên quan đến việc nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Cận cảnh vụ án ‘chấn động’ ngành Ngoại giao

Trước đó, hôm 28/1, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao về tội nhận hối lộ.
Đây đều là những cán bộ thường xuyên trả lời báo chí về công tác đảm bảo quyền lợi công dân, bảo hộ công dân ở nước ngoài trên truyền thông, nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Bốn bị can bao gồm: bà Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Cục Lãnh sự), Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó cục trưởng đơn vị này), Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh văn phòng của cục) và Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân).
Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận hối lộ: “Sẽ không có vùng cấm và ngoại lệ”
Trả lời tại họp báo thường kỳ này 17/2 vừa qua tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi yêu cầu cung cấp thông tin thêm về vụ án, Bộ Ngoại giao tái khẳng định chủ trương nhất quán là xử nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, trước hết, cần khẳng định, việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trong bối cảnh đại dịch là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
“Đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, chưa từng có tiền lệ, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành và địa phương liên quan cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp triển khai”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Vụ nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao: Việt Nam ‘không nói suông’
Đồng thời, người phát ngôn cũng cho biết thêm, chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao đối với vụ việc này là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy định của pháp luật.
“Không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, bà Hằng nhấn mạnh.
Trong năm 2021, Cục Lãnh sự tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước; cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành, đặc biệt thành viên Tổ công tác 5 bộ để tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước hơn 70.000 người, cách ly tại cơ sở dân sự theo hình thức tự nguyện trả phí. Tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến và đưa khoảng 120.000 người về nước.
Thảo luận