“Scandal nhận hối lộ” ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam: Thủ tướng chỉ đạo khẩn
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chúc Tết và giao nhiệm vụ cho Công an Thành phố Hà Nội
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Liên quan đến scandal “nhận hối lộ” chấn động của lãnh đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao mà nhiều người ví rằng “ăn không chừa thứ gì, làm tiền trên cả nỗi bi cực của đồng bào”, nhà cầm quyền Việt Nam đã có những tuyến bố cứng rắn.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cần khẩn trương điều tra đưa ra xét xử vụ án tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và phải đảm bảo, làm cho thật “nghiêm minh”.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương cấp phép cho hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam về nước.
Chỉ đạo khẩn của Thủ tướng
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, hiện còn rất nhiều công dân Việt Nam đang mắc kẹt ở các nước, đặc biệt là khu vực Trung Đông – châu Phi và ở nhiều địa bàn khác.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng hơn 600 công dân Việt Nam đang bị mắc kẹt, không thể về nước. Riêng ở Saudi Arabia có khoảng 200 người, Angola150 người, UAE 85 người và rải rác tại các quốc gia khác trong khu vực.
Cần nhấn mạnh, đây mới chỉ là con số chính thức được thống kê, ở nhiều địa bàn khác, có thể số lượng công dân Việt Nam còn “mắc kẹt” sẽ cao hơn trong thực tế.
Ngày 31/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo khẩn trương cấp phép cho các hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam hồi hương.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 777/VPCP-QHQT ngày 31/1/2022 về giải pháp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương cấp phép cho hãng hàng không nước ngoài chở công dân Việt Nam về nước.
“Nhất là từ các địa bàn hiện vẫn còn nhiều công dân ta đang “mắc kẹt” và nhanh chóng ban hành hướng dẫn cụ thể để thống nhất triển khai, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ”, Công văn từ VPCP nêu rõ.
Trong Công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công dân, trong đó có ngư dân về nước trên các chuyến bay chở khách của hãng hàng không nước ngoài.
“Cần tiếp tục kịp thời thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân và các vấn đề gấp liên quan, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các Bộ như Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Y tế và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam về nước.
Đồng thời, các địa phương có công dân nhập cảnh chủ động phối hợp thực hiện các biện pháp theo dõi y tế, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Xử nghiêm vụ án ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Đây là chỉ đạo đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, vị lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm từng cống hiến trong hàng ngũ Công an Nhân dân với cấp hàm Trung tướng, nhằm đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, nâng cao chất lượng cán bộ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ công quyền cả nước.
Theo đó, trong sáng nay 31/1, thăm, chúc Tết, kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng chiến đấu tại Công an thành phố Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và ra chỉ đạo phải xử lý nghiêm, nhanh chóng điều tra, xét xử tất cả những cá nhân liên quan, đúng người đúng tội.
Cụ thể, nhấn mạnh yêu cầu phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, Thủ tướng cho biết, Công an Hà Nội phải đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Phạm Minh Chính biểu dương lực lượng Công an đã nắm chắc tình hình, phát hiện, khởi tố, điều tra vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
“Khẩn khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử vụ án này bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Như Spuntik đã thông tin, scandal “nhận hối lộ” của loạt lãnh đạo và cán bộ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam là tin tức gây chấn động cuối tuần qua.
Trước đó, chiều ngày 27/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam và khám xét 4 cá nhân về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Các ông bà Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1974 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng, sinh năm 1980 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lê Tuấn Anh, sinh năm 1982 tại Hưng Yên, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, sinh năm 1987 tại Hà Nội, Phó phòng Bảo hộ công dân - Cục Lãnh sự, đều được xác định đã nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Bộ Công an khẳng định vụ án tiếp tục được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật. Đồng thời kêu gọi các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan chủ động liên hệ làm việc với cơ quan điều tra.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bình luận về việc loạt quan chức cán bộ Cục Lãnh sự bị bắt.
Theo thông cáo báo chí dẫn chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao đã quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự (gồm Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Cục phó Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự và Lưu Tuấn Dũng Phó phòng Bảo hộ công dân) vừa bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gọi scandal nhận hối lộ này là “hành vi trục lợi cá nhân” và khẳng định, ai vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.
“Sẽ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai”, theo Bộ Ngoại giao.
Còn nhớ, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao hôm 20/1/2022, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau, Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các hàng không Việt Nam và nước ngoài.
Cũng theo con số chính thức mà Bộ Ngoại giao công bố, trong gần 2 năm qua, Việt Nam đã tổ chức 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu về nước từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ toàn bộ vụ việc, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và theo đúng các quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo.
Trong các tuyên bố chính thức, Việt Nam luôn khẳng định, chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn, nhân đạo của đảng, Nhà nước và chính phủ Việt Nam. Điều này cần phải đặt trong bối cảnh trong nước có thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn phối hợp chặt chẽ với cơ trong nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nguyện vọng về nước, đăng tải công khai, minh bạch điều kiện, hồ sơ cũng như thủ tục đăng ký trên website chính thức và cả trên mạng xã hội. Cũng theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, tất các hành vi trục lợi, tiêu cực, làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay đưa công dân về nước phải bị lên án, “trừng trị nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật”.
Khắp nơi chống tham nhũng
Phát biểu với lãnh đạo Công an TP. Hà Nội, cùng sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Công an Hà Nội phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người xem có ai khó khăn, có ai thiếu ăn, thiếu mặc, có ai không có Tết không.
Từ đó, Công an Hà Nội cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có giải pháp phù hợp để không ai bị bỏ lại phía sau, không người nào, không gia đình nào không có Tết.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các chiến sĩ Công an đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, xa gia đình, người thân, bằng cả tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sẻ chia sâu sắc, tận tình phục vụ, hướng dẫn, giữ gìn an ninh trật tự cho Nhân dân trong vùng dịch, trong các khu cách ly, bảo đảm an toàn chống dịch, tham gia vận chuyển hàng hóa, góp phần quan trọng trong chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của dân.
Công an Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp, đấu tranh kiềm chế, kéo giảm nhiều loại tội phạm, nhất là tội phạm về trật tự xã hội, giảm 10,8 % so với năm 2020. Theo Thủ tướng, điều này, phản ánh sự nỗ lực, cố gắng trong công tác đấu tranh với tội phạm.
Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.
Công an Hà Nội cũng triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự là sự nghiệp của toàn dân, phải xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc.
“Càng khó khăn càng phải giữ vững bản lĩnh của người Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, ông Phạm Minh Chính nói.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Mọi hoạt động của lực lượng Công an phải tuân thủ và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước, góp phần phục vụ đắc lực, hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Thủ tướng đề nghị Công an Hà Nội đẩy mạnh trấn áp mạnh các loại tội phạm, không để gia tăng tội phạm.
“Trước mắt, đề nghị lực lượng Công an bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, phục vụ nhân dân ăn tết an vui, an toàn, trật tự”, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, không được chủ quan lơ là trước dịch bệnh Covid-19, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh phối hợp với các sở ngành, địa phương tiêm vaccine, mở cửa an toàn trường học.
Thủ tướng cũng lưu ý, Công an Hà Nội cần quan tâm chăm lo chế độ cho cán bộ, chiến sĩ, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết Nhâm Dần với tinh thần vui tươi, đoàn kết, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, chu đáo nghĩa tình động đội với cán bộ công an lão thành, hưu trí, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
“Phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, Thủ tướng chỉ đạo Công an Hà Nội và tin rằng, năm 2022, Công an thủ đô sẽ đạt nhiều thành tích cao hơn nữa.