Mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) về việc thống nhất địa điểm tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đề xuất bổ sung Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị vào Quy hoạch điện VIII.
Quảng Trị muốn đưa dự án điện gió ngoài khơi 72.000 tỷ đồng vào Quy hoạch điện VIII
Đề xuất của Intracom cho biết, dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị có công suất 1.000 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 72.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu vào khoảng 22.000 tỷ đồng.
Tổng diện tích nghiên cứu của dự án là 22.000 ha, diện tích chiếm mặt biển có thời hạn (bố trí trụ tua bin) là 350ha, diện tích sử dụng đất tạm thời là 5ha. Khi hoàn thành, dự án sẽ cho sản lượng điện hơn 4 triệu MWh/năm.
Intracom cũng đưa ra 2 phương án đấu nối dự án, trong đó phương án 1 là đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 500kV Vũng Áng đi Đà Nẵng; phương án 2 đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 500kV Quảng Trạch đi Dốc Sỏi.
Theo Intracom, phương án 1 nên được ưu tiên vì đảm bảo giải tỏa toàn bộ công suất dự án, tăng cường nguồn cung cấp điện trực tiếp cho khu vực có phụ tải lớn là trung tâm kinh tế Vũng Áng.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, dự án này có ý nghĩa quan trọng, giúp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo của địa phương. Vì vậy, các ban ngành chức năng cần hỗ trợ nhà đầu tư lập quy hoạch dự án trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật về tuyến đường thủy nội địa, quy hoạch biển đảo, môi trường sinh thái, ngư trường, đời sống ngư dân.
Trước mắt, Sở Công thương được giao nhiệm vụ chủ trì hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đảm bảo đầy đủ các điều kiện để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đưa dự án vào Quy hoạch điện VIII kịp thời. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng cần nỗ lực cùng với tỉnh hoàn tất các thủ tục, quyết tâm thực hiện thành công dự án.
Theo ông Đồng, Quảng Trị sẽ hỗ trợ tối đa để đưa Dự án điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị vào Quy hoạch điện VIII.
Được biết, tiền thân của Intracom là Công ty Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị với 100% vốn nhà nước. Đây từng là thành viên của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) và được cổ phần hóa năm 2006.
Intracom là pháp nhân lõi trong ‘hệ sinh thái’ đa ngành của ông Nguyễn Thanh Việt. Hiện công ty có 5 doanh nghiệp thành viên hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó nổi bật là bất động sản, thuỷ điện và y tế.
Đối với bất động sản, Intracom hiện có 8 dự án, bao gồm: Intracom 1-6, Intracom 8 và Intracom 208. Tất cả đều được xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.
Về thuỷ điện, Intracom đã rót vốn đầu tư vào các dự án thuỷ điện Cẩm Thuỷ 1 tại tỉnh Thanh Hoá (38MW), dự án thuỷ điện Tà Lơi 2-3 và Nậm Pung tại Lào Cai (tổng công suất 26,8MW).
Trong lĩnh vực y tế, Intracom cùng với đơn vị thành viên là Công ty TNHH Tổ hợp Y tế Phương Đông đầu tư vào Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, quy mô 9,5ha với 1.000 giường bệnh.
Việt Nam cân nhắc các dự án điện hạt nhân quy mô nhỏ
Việt Nam được cho là vẫn chưa từ bỏ việc phát triển điện hạt nhân. Theo đó, với mục tiêu phát thải ròng đạt “0” vào năm 2050, vấn đề phát triển điện hạt nhân đã được Bộ Công Thương đề cập và cân nhắc khi rà soát Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã có bản trình số 1562/BC-VPCP về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) gửi Chính phủ.
Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất, xem xét nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ sau năm 2030 tại Việt Nam.
Cụ thể, theo bản trình số 1562 của Bộ Công Thương, các nhà làm chính sách Việt Nam đã xây dựng hai phương án gồm cơ sở (phương án 1) và chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ (phương án 2).
Đối với phương án 1, Việt Nam sẽ quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000MW và đến năm 2045 khoảng 343.000MW (chưa tính đến nguồn điện mặt trời áp mái hiện có khoảng 7.755MW và các nguồn điện phục vụ riêng cho các phụ tải khoảng 2.700MW vào năm 2030 và 4.500MW năm 2045). Trong khi đó, điện gió ngoài khơi đến năm 2030 sẽ rơi vào khoảng 7.000MW, và 54.000MW đến năm 2045. Công suất điện gió trên bờ cũng tăng lần lượt là 14.721MW và 42.650 MW.
Có thể thấy, so với Tờ trình 1682 ngày 26/3/2021 như trước đó Sputnik đã thông tin, tổng công suất nguồn điện theo phương án 1 đến 2030 thấp hơn khoảng 23.800 MW.
Trong đó có một số thay đổi lớn trong quy hoạch điện của Việt Nam như nhiệt điện khí LNG giảm 17.800MW; nhiệt điện than giảm gần 6.000MW; giãn tiến độ sau 2030 đối với điện mặt trời áp mái tập trung khoảng 5.550MW; điện điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.500MW. Đáng chú ý, thủy điện của Việt Nam tăng 5.324MW; điện gió ngoài khơi tăng 4.000MW; thủy điện tích năng, lưu trữ tăng 1.500MW.
Cùng với đó, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện năm 2030 tương đương, song có sự điều chỉnh cơ cấu nguồn.
Trong đó, chính quyền Việt Nam dự kiến giảm nhiệt điện than xuống khoảng 14.800MW; giãn tiến độ sau 2030 đối với điện mặt trời tập trung khoảng 6.500MW (giảm); điện gió ngoài khơi tăng 7.000MW; nhiệt điện khí LNG tăng 5.250MW; điện gió trên bờ tăng 2.860MW...
Trong khi đó, đối với phương án 2, quy hoạch tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 150.970MW và đến năm 2045 khoảng 426.857MW.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lưu ý các vấn đề, hệ lụy pháp lý có thể xảy ra với phương án này khi loại bỏ khỏi quy hoạch khoảng 9.450MW điện than (9 dự án đã được triển khai chuẩn bị đầu tư, hoặc đã ký thỏa thuận, hợp đồng BOT) khó khăn về thu xếp vốn. Do đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị lựa chọn phương án 1 để hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII.
Đáng chú ý nhất là việc khôi phục xem xét các dự án điện hạt nhân. Theo đó, với mục tiêu phát thải ròng đạt “0” vào năm 2050, vấn đề phát triển điện hạt nhân cũng được Bộ Công Thương nhấn mạnh khi rà soát Quy hoạch điện VIII lần này.
Theo Bộ này, điện hạt nhân được xem là nguồn sản xuất điện cận sạch, đặc biệt sau COP26, đã được một số quốc gia công nhận điện hạt nhân là loại hình sản xuất điện sạch, do không phát thải khí nhà kính CO2.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương nhấn mạnh, Quốc hội đã có chủ trương dừng phát triển điện hạt nhân, nên nếu tái khởi động lại, Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để có kết luận, Nghị quyết chỉ đạo về việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân làm cơ sở để đưa các dự án điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII.
Điều kiện để xem xét điện hạt nhân
Đối với văn bản của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ có đánh giá cho thấy, Bộ hiện chưa báo cáo về quy hoạch phát triển lưới điện đồng bộ với phương án nguồn đề xuất lựa chọn, nên chưa có đầy đủ số liệu đánh giá về tổng vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII.
Chính phủ cũng lưu ý, Bộ chưa có đánh giá đầy đủ về kết quả giảm nhu cầu vốn đầu tư của quy hoạch sau khi hiệu chỉnh.
Trước đó, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tổng vốn đầu tư riêng nguồn điện giai đoạn 2021-2030 giảm 18,2 tỷ USD; Giai đoạn 2011-2045 cao hơn 10,85 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nguồn điện cả giai đoạn 2021-2045 giảm khoảng 7,36 tỷ USD.
Trong khi đó, về lưới điện, khối lượng lưới điện truyền tải đã giảm hàng nghìn km và vốn đầu tư lưới điện truyền tải giảm lên đến khoảng 5 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030.
Trong khi đó, về kiến nghị xem xét nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân, nhất là quy mô nhỏ sau năm 2030, Văn phòng Chính phủ cho biết, Nghị quyết 35 chưa nêu định hướng phát triển lại điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2045.
“Do đó, nếu thực sự cần thiết, cần báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến mới đủ cơ sở xem xét trong Quy hoạch điện VIII”, - Chính phủ lưu ý.
Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam còn rất lớn. Vì vậy, cùng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, nhất là về lưu trữ điện, Bộ Công Thương cần kết hợp xây dựng các cơ chế minh bạch, cạnh tranh để có thể sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn năng lượng này của đất nước, giúp Việt Nam thực hiện thành công cam kết tại COP26, tăng tính tự chủ về năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới.
“Cần có phân tích thêm về khả năng sử dụng trong tương lai các nguồn năng lượng tái tạo”, - Chính phủ lưu ý đối với Bộ Công Thương.