Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về việc bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam, vợ đại gia Huỳnh Uy Dũng bị bắt, cho hay, sự kiện này sẽ giúp làm sạch không gian mạng tại Việt Nam.
“Ai chống lưng cho bà Nguyễn Phương Hằng?”
Ngày 28/3, bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp, đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn xung quanh vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam.
Theo ông Hòa, với những phát ngôn và hành động ngông cuồng, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam là “điều đã được dự báo từ trước”. Theo ông Hòa khẳng định khi trao đổi cùng VTC News, với những hành vi tố giác sai sự thật, xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác, thậm chí tuyên truyền, nói xấu cán bộ lãnh đạo nhà nước, vi phạm rất nhiều quy định của pháp luật thì việc Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam là “hợp lý”.
Ông Hòa nhấn mạnh, dư luận xã hội cũng rất bức xúc và mong muốn những phát ngôn, hành động của Nguyễn Phương Hằng phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Cùng với đó, rất nhiều luồng dư luận bàn tán xung quanh việc vì sao đến giờ bà Hằng mới bị bắt dù đã “làm mưa làm gió” trên các mạng xã hội suốt thời gian qua.
“Nhiều người đặt câu hỏi Nguyễn Phương Hằng là ai, có vai vế gì hay có người chống lưng thế nào mà muốn nói gì thì nói như vậy”, ĐBQH Phạm Văn Hòa thẳng thắn.
Chưa ai như bà Nguyễn Phương Hằng
Ông Hòa cho biết, bản thân ông cũng chưa bao giờ gặp ai công khai nói xấu, đả kích mọi người, nói xấu cán bộ nhà nước công khai như bà Hằng.
“Có thể có những đối tượng phản động, tuyên truyền chống phá, xuyên tạc nói xấu nhà nước nhưng chưa thấy ai dám làm công khai trên mạng xã hội như Nguyễn Phương Hằng cả”, ông Phạm Văn Hòa bức xúc.
Vị ĐBQH Đoàn Đồng Tháp, việc bắt giam Nguyễn Phương Hằng thời điểm này cũng là lời cảnh tỉnh, làm gương cho những ai dám coi thường pháp luật, coi trời bằng vung, có thái độ, lời lẽ, cử chỉ vu khống người khác phải điều chỉnh lại mình.
Ông Hòa cũng lên án hành vi xu nịnh, a dua của bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng với hành vi của Nguyễn Phương Hằng.
Theo ông, việc một lượng lớn người ủng hộ, ca ngợi việc làm của bà Hằng cũng là việc rất nhức nhối và xót xa trong xã hội. Nhận thức như vậy là rất nguy hiểm.
“Việc nhận được sự vỗ tay, tán dương, ca ngợi công khai làm cho bà Hằng ngày càng ảo tưởng, tự tung tự tác, cho rằng mình đúng nên làm tới”, ông Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Bài học rút ra từ sự việc của bà Nguyễn Phương Hằng, theo đại hiểu Phạm Văn Hoà, công tác tuyên truyền giáo dục nói chung, đặc biệt với giới trẻ, những người sử dụng mạng xã hội là rất quan trọng, để tránh có những nhận thức lệch lạc, ủng hộ những người coi thường pháp luật như bà Nguyễn Phương Hằng.
“Việc bắt giam Nguyễn Phương Hằng sẽ làm trong sạch môi trường mạng nói riêng và xã hội nói chung, làm cho những người có tư tưởng như bà Hằng sẽ không muốn, không ham, không dám có những hành động đó và phải nhận thức lại mình”, ĐBQH Phạm Văn Hòa khẳng định.
Cần giải quyết dứt điểm vụ bà Nguyễn Phương Hằng
ĐBQH, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, nêu ý kiến, việc bắt giam Nguyễn Phương Hằng cho thấy cơ quan pháp luật đã thực hiện rất đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
Ông Sơn nhấn mạnh, câu chuyện ồn ào của bà Nguyễn Phương Hằng đã diễn ra trong một thời gian khá dài, cần phải được xử lý theo đúng tinh thần pháp luật, tránh gây ra tình trạng tranh cãi dai dẳng.
“Nếu cơ quan chức năng không giải quyết dứt điểm sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hoá của xã hội”, ông Sơn nhấn mạnh.
Vị ĐBQH cũng lưu ý, khi đã có đầy đủ căn cứ pháp luật, đặc biệt là có Luật An ninh mạng và Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì việc xử lý vi phạm của bà Phương Hằng hay bất kỳ ai cũng tạo được niềm tin và bài học mang tính làm gương trong xã hội.
Xử lý dứt điểm vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng sẽ giúp làm lành mạnh môi trường mạng nói riêng, môi trường văn hoá nói chung, giúp ích cho sự phát triển bền vững của đất nước.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bày tỏ, việc bà Nguyễn Phương Hằng lợi dụng các trang mạng xã hội để có hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm người khác là “rất đáng lên án”.
Ông Thắng cho biết, việc bà Hằng phát hiện, lên tiếng và phản ánh với cơ quan chức năng để giám sát việc làm của các tổ chức, cá nhân qua hoạt động thiện nguyện là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, không thể lợi dụng để từ đó làm trái các quy định của pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, tổ chức, lợi ích quốc gia.
Ông Thắng đề nghị cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xem xét để làm rõ mức độ đúng sai của bà Nguyễn Phương Hằng để từ đó đưa ra biện pháp xử lý thích hợp.
Mở rộng vụ án bà Nguyễn Phương Hằng
Ngày 28/3, thông tin từ Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP.HCM cho biết, đơn vị đang tiếp tục triệu tập, làm việc với những YouTuber, khách mời, người giúp sức bị can Nguyễn Phương Hằng trong các buổi livestream vu khống, xúc phạm người khác.
Theo PA05, qua phân loại, nếu cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để khởi tố.
Như Sputnik trước đó đã thông tin, ngày 24/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra Quyết định số 190-01/QĐ về việc khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cũng đã ra Quyết định số 300-50/QĐ về việc Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 300-04/LB và Lệnh khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trú tại 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1 về hành vi nêu trên.
Các Quyết định và Lệnh này đều đã được Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM phê chuẩn.
Theo Công an TP.HCM cũng như Bộ Công an, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Công an TP.HCM cũng đã xác định có nhiều người giúp sức, hỗ trợ bị can Nguyễn Phương Hằng trong việc lên kịch bản, chuẩn bị nội dung, quản trị 12 kênh mạng xã hội, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật… cho vợ ông Huỳnh Uy Dũng trong các lần livestream vu khống, xúc phạm đời tư nhiều các cá nhân.
Đặc biệt, những người làm và đăng các video lên YouTube, khách mời (được bị can Nguyễn Phương Hằng mời tới) tham gia chia sẻ, phát tán nội dung trong các buổi livestream cũng được xác định có liên quan, góp sức cho bà Hằng thực hiện hành vi tội phạm.
Đồng thời, quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.