Cụ thể, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023 nhờ tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và dòng vốn FDI.
Trong khi đó, theo cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội Quý I/2022, GDP Việt Nam tăng 5,03%, vốn FDI ước đạt 4,42 tỷ USD, là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Fitch Ratings: Triển vọng của Việt Nam vẫn “Tích cực”
Ngày 28/3, Fitch Ratings, yổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế thông báo xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”.
“Fitch Ratings công bố xếp hạng mặc định của nhà phát hành ngoại tệ dài hạn (IDR) của Việt Nam ở mức 'BB' với Triển vọng Tích cực”, tổ chức này nhấn mạnh.
Như vậy, Fitch Ratings khẳng định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam so với lần cập nhật gần nhất bất chấp hàng loạt biến động chính trị, khủng hoảng và thay đổi trên toàn cầu với nhiều yếu tố bất định.
Hồi tháng 4/2021, Fitch Ratings công bố nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên triển vọng ‘tích cực’ ở mức ‘BB’, phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng cũng như nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Cơ sở tổ chức Fitch Ratings khẳng định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh các chỉ số tài chính đối ngoại vững chắc so với các nước cùng xếp hạng, triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp và hiệu ứng lan toả của xung đột địa chính trị Nga – Ukraina gần đây đối với kinh tế toàn cầu.
Fitch Ratings cũng ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế tại Việt Nam nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch và tốc độ bao phủ vaccine thần tốc.
GDP Việt Nam có thể đạt 6,1% năm 2022
Có nhiều cơ sở để Fitch tin tưởng vào triển vọng phục hồi tích cực của Việt Nam.
Theo đó, Fitch Ratings đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại (FTA) quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022.
Fitch Ratings đưa ra dự báo cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI tăng ổn định.
Cùng với đó, Fitch Ratings ghi nhận việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhờ vào thành công của Việt Nam trong việc ổn định nợ công, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, dự trữ ngoại hối được bồi đắp trong thời gian qua đang đạt mức cao kỷ lục, tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.
Phản hồi của Bộ Tài chính
Ngày 29/3, Bộ Tài chính đã có ý kiến về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức BB, triển vọng “Tích cực” trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều biến động và thách thức là kết quả của việc triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng cũng như thành quả kiểm soát đại dịch để ổn định đời sống, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.
“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Fitch Ratings, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực nhằm đưa ra quan điểm sát thực, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam”, cơ quan này nhấn mạnh.
Theo Fitch, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 109,4 tỷ USD vào cuối năm 2021, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI lớn.
“Dự trữ ngoại hối tiếp tục được cải thiện trong năm 2021 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có chính sách can thiệp thị trường ngoại hối để ổn định tiền tệ”, Fitch lưu ý về vùng đệm dự trữ mạnh của Việt Nam.
Fitch Ratings cũng dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng với Việt Nam.
Cùng với đó là cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, mở rộng cơ sở thu và ổn định nợ trong trung hạn, khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng về vốn hóa, minh bạch về chất lượng tài sản và khuôn khổ pháp lý sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.
Kinh tế khởi sắc bất chấp biến động
Công bố mới nhất sáng nay 29/3 từ Tổng cục Thống kê cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý 1 năm 2021 và 3,66% của quý 1 năm 2020. Chỉ số này vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý 1 năm 2019.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2022 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,86% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Sản xuất công nghiệp trong quý I/2022 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%, sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng tăng trưởng dương chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II năm 2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I.
Trong tháng 3/2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Cũng theo cơ quan thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
Về sử dụng GDP quý I năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản tăng 3,22%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.
“Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới, cùng với đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia và trong nước, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021”, theo Tổng cục Thống kê.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, có 03 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD, giảm 92,8%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 211,5 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cũng đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, tuy nhiên bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I năm 2022 đạt được mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.