Bên cạnh đó, so với Thái Lan và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, tiến trình mở cửa du lịch của Việt Nam hiện vẫn còn chậm. Muốn đẩy mạnh phục hồi du lịch hậu Covid-19, cần xây dựng một chương trình tổng thể, với sự thống nhất hành động của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và trong cả nước.
Chính sách thị thực chưa thu hút
Ngày 1/4, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Du lịch Việt Nam với chủ đề "Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới", do Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, chính sách cấp thị thực nhập cảnh hiện tại của Việt Nam chưa tạo ra đủ sức hấp dẫn với du khách. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam với các thị trường trong khu vực.
Theo đó, nếu như nhiều nước trong khu vực đã thực hiện miễn thị thực cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống thì Việt Nam vẫn đòi hỏi xin thị thực đối với hầu hết khách du lịch. Ngoài ra, Việt Nam cũng chỉ miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn chỉ bằng 15 - 50% so với Thái Lan, Singapore hay Malaysia…
Theo ông Tuấn, quy định hiện hành về thời hạn tạm trú với khách du lịch quốc tế chưa hợp lý. Thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh với thị thực có ký hiệu DL (du lịch) hiện chỉ ở mức tối đa là 30 ngày. Như vậy, cho dù có xin được thị thực 3 tháng thì du khách cũng chỉ có thể tạm trú liên tục tại Việt Nam 30 ngày.
Về phần mình, Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, nếu tăng thời gian miễn thị thực lên từ 30-45 ngày sẽ làm tăng sức hút với khách du lịch đến Việt Nam. Thời gian lưu trú của khách càng dài, du lịch càng thu được nhiều ngoại tệ tại chỗ. Ngoài ra, cũng nên cho phép khách được nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến du lịch.
Đồng ý với quan điểm trên, Giám đốc Cty Ảnh Việt Hop on - Hop off (công ty điều hành xe buýt du lịch 2 tầng tại Hà Nội và TP.HCM) Nguyễn Khoa Luân cũng cho rằng, việc yêu cầu thị thực đối với du khách nước ngoài là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần điều chỉnh những điều khoản “bất hợp lý”, có phương án rõ ràng và công khai các thông tin xin cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh thì cho rằng, so với Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực, chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam hiện còn chậm.
“Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi cho rằng ngành du lịch Việt Nam mở cửa còn rụt rè nhưng thực tế du lịch đã rất quyết liệt và cố gắng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vì thế để tạo được sự bứt phá cần sự vào cuộc, chung tay của các bên liên quan”, ông Khánh nói.
Xây dựng chương trình thống nhất cho phát triển du lịch
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Đà Nẵng. Tâm lý du khách ngày nay cũng khó dự đoán hơn sau thời gian dài bị phong tỏa ở nhà, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Do đó, cần phải nghiên cứu tìm hiểu, đánh giá lại xu hướng của du khách trong lộ trình phục hồi hoạt động du lịch.
Về phần mình, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, kiêm Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, để tăng sức hút đối với du khách trong và ngoài nước, các địa phương cần tập trung tìm kiếm và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng biệt theo mỗi vùng miền.
Đặc biệt, cần đầu tư quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch đến với khách quốc tế thông qua việc tổ chức các đoàn famtrip, presstrip (khảo sát du lịch) dành cho các đơn vị lữ hành, báo chí nước ngoài.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, muốn khôi phục và phát triển du lịch hậu Covid-19, cần lập ra một chương trình tổng thể, với sự thống nhất hành động của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều hơn nữa các ý kiến đóng góp cụ thể, những đề xuất có tính thực tiễn cao, tập trung vào các chính sách, đầu tư, sản phẩm, thị trường, nguồn lực… nhằm nâng tầm phát triển ngành du lịch Việt Nam.