Và chúng tôi sẽ trình bày những nội dung đó trong bài tổng quan truyền thống «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Tàu sẽ dong khơi còn phi cơ không bay
Đại dịch, nhiệt độ tăng thêm, thảm hoạ thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, thiếu lương thực và nước sạch - đó là những gì mà thực trạng biến đổi khí hậu đang mang lại cho cư dân thế giới. Theo phản ánh của Geopolitical Monitor, Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam là khu vực dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh tình trạng bất thường khẩn cấp về môi trường như vậy. Để tránh những hậu quả bi thảm của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải khẩn trương chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo bền vững, giao thông sạch thân thiện với môi trường, hồi sinh nông nghiệp, chấm dứt đốt than, dầu mỏ và phá rừng. Việt Nam đã vạch kế hoạch từ bỏ than đá và cấp thời chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, nhưng việc triển khai vấp phải nhiều khúc mắc. Hoa Kỳ sẵn sàng giúp CHXHCN Việt Nam vượt qua những trở ngại khó khăn này bằng cách tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
Theo tin đưa của hãng thông tấn Rzd-Partner, hiện đang xem xét vấn đề khai thông tuyến đường biển trực tiếp nối cảng Vladivostok của miền Viễn Đông Nga với các cảng Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh của Việt Nam. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác lợi thế của FTA với EAEU, đồng thời cũng có lợi cho Nga, vốn đang phải hứng chịu áp lực trừng phạt.
Trong khi đó triển vọng nối lại các chuyến bay của Vietnam Airlines đến Nga còn khá tù mù mơ hồ, - như Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nga Atorus nhận định. Có mấy nguyên nhân của tình trạng này. Khoảng 80% đội phi cơ thân rộng của Vietnam Airlines là máy bay nhượng quyền hoặc thuê lại của các hãng hàng không khác, không thể bay đến những nước trong diện chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và EU chống Nga. Các công ty Boeing và Airbus đã áp đặt cấm vận với khâu hỗ trợ kỹ thuật tại Nga, mà gần 90% đội bay của Vietnam Airlines lại do các công ty Hoa Kỳ, Anh và EU bảo hiểm, dẫn đến cấm nhà vận chuyển hàng không Việt Nam thực hiện chuyến bay đến Nga. Tình hình càng phức tạp thêm bởi những rủi ro trong việc xử lý các khoản thanh toán từ Nga bằng đồng rúp và vấn đề làm sao chuyển khoản tiền này sang Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam trên đà phát triển
Nasdaq thông báo tin vui là GDP của Việt Nam đã tăng 5,03% trong quý đầu năm nay so với năm trước, tăng nhanh từ mức tăng 4,72% trong quý I của năm ngoái.
Còn kênh Krasnaya Vesna cho biết thêm rằng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 12,9% trong quý đầu tiên.
Tạp chí Global Construction Review đăng bài viết về hai khu công nghiệp mới sẽ được xây dựng tại tỉnh Bình Dương, cũng như khả năng mở rộng các khu công nghiệp hiện có để thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành công nghệ cao cũng như sử dụng lao động.
Một số ấn phẩm lưu ý đến dự định của công ty VinFast - xây dựng nhà máy ở bang North Carolina của nước Mỹ vào năm 2024 để sản xuất xe buýt điện, xe địa hình SUV và ắc-quy cho xe điện, - theo tin đưa của Reuters. Khoản đầu tư của VinFast sẽ tạo ra hơn 7.000 chỗ làm việc tại Hoa Kỳ. Trong năm nay, công ty dự kiến bán 42.000 xe điện trên toàn thế giới. Hãng thông tấn lưu ý rằng giá của mẫu xe thể thao đa dụng Việt Nam VF8 tại Hoa Kỳ khởi điểm từ 41.000 USD trở lên, trong khi một chiếc xe địa hình SUV Tesla đang bán ra với giá khoảng 63.000 USD.
Channel News Asia cung cấp thông tin về việc thành lập hãng hàng không vận tải đầu tiên của đất nước, trong chừng mực gia tăng không ngừng lưu lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường không tại Việt Nam - trung tâm sản xuất của Đông Nam Á.
Còn Nikkei Asia có bài viết về cách tiếp cận khác thường của nền tảng thương mại điện tử Lazada của người khổng lồ Alibaba (Trung Quốc) tới các đối thủ cạnh tranh với lời mời chào hợp tác.
Cũng hãng thông tấn Reuters phản ánh yêu cầu cần thiết với các công dân Việt Nam là tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh có nguy cơ thiếu điện vào tháng tới do nguồn cung than hạn chế mà giá nhiên liệu tăng.
Cùng theo mạch này, UCA News kể rằng giá nhiên liệu tăng cũng như đại dịch COVID-19 kéo dài còn giá sản phẩm cá tôm giảm mạnh đã khiến nhiều gia đình ngư dân Việt Nam bị ảnh hưởng nặng.
Việt Nam là một trong những «thủ lĩnh» thế giới về ô nhiễm nhựa
Báo China Dialogue có bài viết về vấn đề nghiêm trọng trong việc tiêu hủy rác thải nhựa. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 3,9 triệu tấn nhựa bị vứt bỏ, và chỉ 1/3 trong số này được tái chế, còn lại người ta mang đốt cháy, chôn trong các hầm rác hoặc ném trực tiếp ra môi trường, kết quả là nhựa trôi ra đại dương. Theo công trình nghiên cứu năm 2020, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng rác thải nhựa không tái chế. Bài báo cũng nói về những công ty sử dụng các phương pháp khác nhau để xử lý rác.
Còn báo The Star dành đăng câu chuyện kể về sáng chế thu gom rác thải tự động nhỏ gọn và không đắt tiền của giảng viên Huỳnh Ngọc Thái Anh từ Đại học Cần Thơ. «Máy vớt rác làm từ rác» WSCA2.0 với hơn 70% thành phần kết cấu là vật liệu tái chế đã giành giải nhất trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không rác thải nhựa” do UNESCO tổ chức năm 2020.
Tất nhiên tin bài nói về Việt Nam trên báo chí nước ngoài không thể thiếu chủ đề du lịch. Xinhua có bài viết về những sản phẩm du lịch mới mà chính quyền Việt Nam đã chuẩn bị dành để mở màn mùa du lịch quốc tế sau hai năm tạm dừng, đó là du lịch biển, du lịch văn hóa và sinh thái, với nhiều nét độc đáo hấp dẫn đa dạng của các địa phương.
Trang Hospitalitynet báo tin về việc mở rộng hiện diện tại Việt Nam của công ty quốc tế lớn nhất Marriott International, sở hữu 30 thương hiệu hàng đầu tại 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, công ty này không chỉ kiến thiết khách sạn mà còn xây dựng cả chung cư và khu văn phòng.
Còn ấn bản Insider đăng bài viết với minh họa phong phú dành riêng kể về mẫu «nhà ống» có bề rộng 3-4 m và chiều dài tới 100 m. «Nhà ống» đã trở thành dấu ấn khá tiêu biểu của đường phố Việt Nam, định hình cảnh quan đô thị của đất nước, - tờ báo nhận xét. Chúng tôi hoàn toàn tán đồng với ý này của tác giả bài viết. Bất cứ ai từng đến thăm Việt Nam như thủ đô Hà Nội chẳng hạn, hẳn sẽ không bao giờ quên những ngôi nhà dài và hẹp rất thú vị này, tạo nên nét duyên rất riêng của phố cổ Hà Nội.