Trong khi đó, đại gia Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thế giới Di động và ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Phượng Hoàng Xanh A&A và VICOSTONE đã chính thức vượt qua vị trí trên bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam của vợ Chủ tịch Vingroup – bà Phạm Thu Hương.
Loạt cổ phiếu liên quan đến hoa hậu Ngọc Hân diễn biến thất thường
Nhóm các cổ phiếu vẫn được nhắc đến gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đặng Thị Ngọc Hân – tức hoa hậu Ngọc Hân gồm DNP của Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng, VC9 của Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (Vinaconex 9), HUT của Công ty cổ phần Tasco, NVT của Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay, và JVC của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật.
Sau chuỗi ngày ngập sắc xanh, tăng trần và lập đỉnh liên tục, nhóm cổ phiếu thuộc “hệ sinh thái” DNP có liên quan đến hoa hậu trên sàn chứng khoán Việt Nam - Ngọc Hân bất ngờ lao dốc mạnh những ngày gần đây.
Điển hình, tuần vừa qua, hầu hết các mã cổ phiếu “họ” DNP liên quan hoa hậu nổi tiếng Việt Nam – Ngọc Hân như HUT, NVT, VC9, JVC, SVC đều trùi sụt và đổ dốc mạnh, khiến nhà đầu tư chưa thể đạt tâm lý an tâm và có phần bất an.
Dễ nhận ra nhất là các phiên giao dịch cuối tháng ba, nhóm cổ phiếu gồm DNP, HUT, NVT, VC9, JVC, SVC liên quan đến lãnh đạo của công ty Nhựa Đồng Nai – Chủ tịch Vũ Đình Độ cũng như hoa hậu Ngọc Hân đột ngột giảm sàn đồng loạt. Cụ thể, hôm 31/3, trong số 5 mã trên có tận 4 mã giảm sàn là NVT (-6,94%), HUT (-9,82%), VC9 (-9,96%), JVC (-6,98%), còn mã DNP cũng giảm mạnh 5,46%.
Sau chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu DNP của Nhựa Đồng Nai, nơi doanh nhân Đặng Thị Ngọc Hân (hoa hậu Ngọc Hân) làm Giám đốc đối ngoại đã trải qua 8 phiên giao dịch với 5 phiên giảm sâu và 1 phiên đứng giá, chỉ hai phiên tăng giá nhẹ, diễn tiến thất thường.
Với chuỗi phiên giao dịch biến động mạnh kể trên, giá trị cổ phiếu của DNP mất đến tương đương 20%, đóng cửa phiên cuối tuần qua còn 27.700 đồng/cp.
Trong khi đó, cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay, doanh nghiệp nơi hoa hậu Ngọc Hân mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc cũng đã chấm dứt đà tăng kịch tính sau chuỗi 12 phiên tăng trần gần như không hề bị gián đoạn bởi các yếu tố biến động thị trường.
Như đã biết, ngày 16/3/2022, Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay đã công bố thông tin bổ nhiệm hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân làm Phó Tổng giám đốc công ty. Theo đó, hoa hậu Việt Nam năm 2010 chính thức trở thành Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Ninh Vân Bay. Trên phần giới thiệu trên trang cá nhân trên Facebook, hoa hậu Ngọc Hân cũng xác nhận bản thân là Giám đốc đối ngoại của Công ty Nhựa Đồng Nai.
Đồng thời, hôm 17/3, nàng hoa hậu Việt Nam này đã xuất hiện trên sóng truyền hình và chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư chứng khoán. Cô tiết lộ trên chương trình rằng bản thân cô cũng đang đầu tư vào các cổ phiếu thuộc nhóm DNP, đặc biệt là HUT, cổ phiếu đã tăng từ giá dưới mệnh lên hơn 50.000 đồng/cp hiện nay. Tuy nhiên, đầu tháng 4, các nhóm cổ phiếu liên quan hoa hậu Ngọc Hân đều có xu hướng giảm theo diễn tiến chung của đa phần các nhóm cổ phiếu trên thị trường đầy biến động.
Chốt phiên 1/4, cổ phiếu DNP của Nhựa Đồng Nai neo ở mức 27.700 đồng/cổ phiếu, đi ngang so phiên liền trước. Tuy vậy, mã này giảm 16,5%, tương đương mỗi cổ phiếu mất giá trị 5.500 đồng chỉ trong 5 ngày giao dịch so với tuần trước đó.
Mã NVT còn đáng lo hơn khi tiếp tục giảm sàn 6,97% về 28.050 đồng/cổ phiếu. Phiên ngày 1 tháng 4 cũng là đợt giảm sàn thứ hai liên tiếp của NVT. Tiếp đó, mã VC9 của Xây dựng số 9 cũng có phiên giảm hơn 5,5% sau 2 ngày giảm sàn lần lượt 9,9% và 9,7%, chỉ trong 3 phiên này, VC9 đã mất đi 18,72% thị giá, còn lại 21.700 đồng/cp. Trong khi SVC của Savico tiếp tục đi ngang phiên thứ 3 liên tiếp tại 103.700 đồng/cổ phiếu.
Mã HUT của Tassco đứng mức 35.800 đồng/cổ phiếu, tăng 2,58% song tính chung cả tuần mã này vẫn giảm 19%, tức mất 8.400 đồng mỗi cổ phiếu. Tuần qua, cổ phiếu HUT cũng có 2 phiên giảm sàn liên tiếp trong các ngày 30 và 31/3, không ổn định. Trước đó, chuỗi tăng giá kéo dài từ giữa tháng 1/2022 đến ngày 21/03 vừa qua đã giúp thị giá của HUT tăng thêm hơn 170%, đạt mức giá kỷ lục của cổ phiếu này là 51.300 đồng/cp
Dù mã JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật tăng 2,08% lên 12.250 đồng/cổ phiếu hôm 1 tháng tư nhưng cổ phiếu này cũng giảm 7,5% sau 5 ngày giao dịch trong tuần.
Hoa hậu Ngọc Hân là người đẹp nổi tiếng trên sàn chứng khoán Việt. Cô bắt đầu chơi chứng khoán từ 2017. Nàng hoa hậu Việt Nam khẳng định, trên sàn, có lúc lỗ và có lúc lãi. Theo Ngọc Hân, lúc lãi lớn nhất lên tới 150% và thường cắt lỗ khi thua lỗ 7 - 25%. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, Ngọc Hân cũng nhận ra đầu tư chứng khoán không hề dễ dàng và bài học là “chốt lãi không bao giờ sai” luôn được lưu tâm.
Đại gia Thế giới Di động ‘soán ngôi’ vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Bất chấp hàng loạt biến động trên thị trường chứng khoán như việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, bị Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật nhiều lãnh đạo thuộc lĩnh vực chứng khoán Việt Nam thuộc SSC, HoSE, HNX, VSD, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, VN-Index vẫn tăng 24,29 điểm lên 1.516,44 điểm. Toàn sàn có 330 mã tăng, 125 mã giảm và 40 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 4,48 điểm lên 454,1 điểm. Toàn sàn có 133 mã tăng, 108 mã giảm và 53 mã đứng giá. Sàn UPCoM-Index tăng 0,15 điểm lên 117,19 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh so với phiên trước. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29.401 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 23,8% lên 24.773 tỷ đồng. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 1/4, chỉ số VN-Index tăng nhẹ, kết phiên ở mức 1.516,44 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE gần 815 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 4,46% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 132 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 10,39% so với tuần giao dịch trước. Cần nhấn mạnh rằng, nhờ duy trì được đà tăng nhẹ cùng những diễn biến tích cực vực dậy thị trường của chỉ số VN-Index trong tuần vừa qua, mã cổ phiếu MWG của Công ty CTCP Đầu tư Thế giới Di động cũng ghi nhận đà tăng tích cực.
Theo đó, MWG đã có 4 phiên tăng điểm và chỉ có 1 phiên giảm điểm với tỷ lệ 1,43%. Ngay hôm thứ sáu, mã cổ phiếu này còn được kéo tăng trần hết biên độ 7% vào cuối phiên để đóng cửa ở mức giá 156.000 đồng/cổ phiếu.
Suốt tuần, MWG ghi nhận mức tăng 17.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 12,3% so với mức giá đóng cửa ngày 25/3 tuần trước đó. Nhờ đà tăng giá cổ phiếu MWG đã giúp khối tài sản của đại gia Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thế giới Di động được bổ sung thêm hàng nghìn tỷ đồng.
Vị đại gia gốc Nam Định của Thế giới Di động hiện đang sở hữu hơn 93,7 triệu cổ phiếu MWG (bao gồm hơn 76,7 triệu cổ phiếu sở hữu gián tiếp qua thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ - doanh nghiệp ông Tài làm giám đốc), do đó, mức tăng tương ứng được xác định là hơn 1.603 tỷ đồng chỉ trong 5 phiên giao dịch tuần qua.
Khối tài sản ông Nguyễn Đức Tài đang sở hữu có giá trị hơn 14.629 tỷ đồng (tính theo giá thị trường). Với khối tài sản này, Chủ tịch của Thế giới di động trở thành đại gia vượt qua vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng là bà Phạm Thu Hương trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, sau phiên giao dịch ngày 1/4, khối tài sản của nữ Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đang sở hữu khối tài sản trị giá 13.952 tỷ đồng.
Trước đó, ông Hồ Xuân Năng Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VICOSTONE, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học PHENIKAA cũng đã vượt qua vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá 14.942 tỷ đồng.
Dự báo thị trường chứng khoán tuần mới
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đưa ra nhận định, ngay đầu tuần giao dịch qua (28/3), tin đồn liên quan đến việc bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã khiến thị trường chao đảo, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chịu áp lực bán mạnh, nhiều mã trong nhóm này đã giảm sàn, kéo theo VN-Index rời xa mốc 1.500 điểm về 1.483 điểm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư sau đó đã bình tĩnh hơn, giúp VN-Index ổn định quanh 1.490 trong 3 phiên tiếp theo trước khi bứt phá, tăng mạnh hơn 24 điểm trong phiên thứ 6 ngày 1/4
Việc VN-Index vượt ngưỡng 1.500 điểm giúp xu hướng ngắn hạn và trung hạn cùng có trạng thái tăng. Trong tuần sau nếu tiếp tục tăng điểm, VN-Index sẽ gặp vùng kháng cự đáng chú ý là 1.520 điểm - 1.534 điểm.
“Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức cao nhất trong thang đánh giá của Mirae Asset Việt Nam là khả quan”, đơn vị này cho hay.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) đánh giá, tuần từ 28/3-1/4 là tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp của chỉ số VN-Index, cùng đó mức thanh khoản được cải thiện cho thấy dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường. SHS cho rằng, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang được cải thiện và sắp tới sẽ là thời điểm mà các kết quả kinh doanh quý 1/2022 được hé lộ cũng như kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố trong kỳ họp đại hội cổ đông thường niên. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ kinh tế trị giá 340.000 tỷ đồng cũng sẽ được thúc đẩy giải ngân trong thời gian tới.
“Những điều kể trên được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tiếp tục hướng tới những mức cao mới”, SHS nhấn mạnh.
Dự báo về tuần giao dịch tiếp theo, từ 4 - 8/4, Chứng khoán SHS cho hay, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.530-1.550 điểm. Cùng với đó, các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào khi thị trường kiểm tra vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong phiên 14/3 và 15/3 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc chốt lời nếu thị trường tiến tới vùng kháng cự mạnh kể trên, SHS khuyến nghị.
Cùng giữ triển vọng lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam tuần tới, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận xét, sau phiên tăng điểm cuối tuần qua (1/4), chỉ số VN-Index hiện đang đối diện với vùng kháng cự 1.515 - 1.520 điểm. Trong khi khối lượng giao dịch tăng lên và vượt đường trung bình 50 ngày cho thấy khả năng chỉ số VN-Index vượt vùng kháng cự này và hướng đến thử thách vùng kháng cự tiếp theo tại 1.537 điểm.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng việc những chỉ báo kỹ thuật đang dần đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho áp lực chốt lời ngắn hạn trên thị trường gia tăng trong những phiên tới.
Trước mắt, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, đồng thời tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến từ đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết sẽ diễn ra trong tuần sau để lên kế hoạch tích lũy dần cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.
Chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của HNX-Index cải thiện lên mức Trung tính, tương đồng với tín hiệu của VNSmallcap. Trong khi đó, tín hiệu ngắn hạn của VNMidcap quay trở lại mức Tích cực, tương đồng với tín hiệu của VN-Index và VN30.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể sẽ duy trì quán tính tăng điểm trong phiên sáng, trong đó VNSmallcap và HNX-Index sẽ kiểm định kháng cự MA10 ngày còn VN-Index sẽ kiểm định kháng cự đỉnh lịch sử tại 1530-1535 điểm.
Theo chứng khoán Bản Việt ngưỡng kháng cự này có thể thúc đẩy lực bán chốt lãi ở vùng giá cao, tạo nên sự giằng co và rung lắc cho các chỉ số. Tuy nhiên, nếu VN-Index có thể trụ vững trên mốc 1.515 điểm sau nhịp củng cố này, chỉ số sẽ có cơ hội tăng điểm ở những phiên sau đó để lập đỉnh lịch sử mới tại khu vực 1.560 - 1.665 điểm.
Ngược lại, nếu VN-Index đảo chiều đóng cửa dưới 1.515 điểm, chỉ số có thể sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ MA5, MA10 đang nằm tại 1.500 điểm. Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiến đến các mốc cao mới nhờ diễn biến nội tại khá vững vàng và động lực được tiếp thêm từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I và giải ngân đầu tư công. Trong khi, giới phân tích giữ quan điểm rằng, các thị trường chứng khoán thế giới sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới.