Đáng chú ý, riêng đối với vụ án cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, theo người phát ngôn Bộ Công an, hành vi của các đối tượng rất tinh vi, gồm cả trong và ngoài nước, thời gian tới sẽ có “bước đột phá” chuyển biến mới.
Bộ Y tế thông tin về tình hình ba loại vaccine “made in Vietnam” cũng như chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng về tiến trình phục hồi kinh tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lý giải nguyên nhân vì sao khách quốc tế chưa đến Việt Nam nhiều, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị biện pháp ổn định thị trường bất động sản, trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu kế hoạch đi học lại của học sinh cả nước thời gian tới.
Vaccine Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?
Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng ba, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cập nhật thông tin về ba loại vaccine Covid-19 do Việt Nam sản xuất.
Thứ trưởng Tuyên cho hay, đối với vaccine sản xuất tại Việt Nam, ngay từ đầu dịch bùng phát, Bộ Y tế đã chỉ đạo, khuyến nghị các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học tham gia sản xuất vaccine trong nước.
“Đến giờ, chúng ta có 3 ứng cử viên vaccine là: Nanocovax, Covivax, Arct 154”, Thứ trưởng Y tế nêu rõ.
Đối với vaccine Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học Nanogen, ông Tuyên cho hay, đến bây giờ Nanogen đã nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3. Vaccine này đã được Hội đồng Đạo đức cũng như Hội đồng Tư vấn cấp phép của Bộ Y tế họp đánh giá.
“Qua rà soát hồ sơ của ứng cử viên này, vẫn còn một số dữ liệu mà Hội đồng đề nghị Nanogen bổ sung. Hiện nay, công ty Nanogen đang tổng hợp bổ sung dữ liệu cho Hội đồng Tư vấn cấp phép. Sau khi bổ sung tiếp được tài liệu đó, Hội đồng tiếp tục họp, nếu đủ điều kiện, Hội đồng sẽ trình Bộ Y tế cấp phép vaccine này”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Liên quan đến vaccine Covivax do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế nghiên cứu, Thứ trưởng khẳng định, Covivax cũng đã được đánh giá giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang đánh giá giai đoạn 2, hoàn thiện đề cương hồ sơ để thử nghiệm giai đoạn 3.
Thứ ba – vaccine ARCT 154 là vaccine sản suất công nghệ RNA do công ty cổ phần công nghệ sinh học Vinbiocare (của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) nhận chuyển nhượng công nghệ từ công ty Arcturus Therapeutics Hoa Kỳ.
Vaccine này đã đánh giá giữa kỳ giai đoạn 1, giai đoạn 2, đang triển khai giai đoạn 3a, 3b, và đã đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng trên 1.000 người tình nguyện đầu tiên.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định, cả 3 ứng cử viên này đang thử nghiệm lâm sàng, và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Khi các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Tư vấn cấp phép, trên cơ sở đánh giá của hai hội đồng này, nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cấp phép cho các loại vaccine này.
Lý giải về việc vì sao Việt Nam bước vào cuộc đua sản xuất và phát triển vaccine Covid-19 ‘từ lâu – từ đầu dịch’, nhưng đến nay vẫn chưa có loại vaccine ‘made in Vietnam’ nào góp mặt vào chiến dịch tiêm chủng của cả nước, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, vaccine là sinh phẩm tiêm cho con người nên yêu cầu đánh giá mức độ an toàn rất cao, tránh tai biến tức thì khi tiêm vaccine chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ.
60-80% phụ huynh đồng ý tiêm vaccine cho trẻ?
Cũng tại họp báo, phóng viên nêu câu hỏi về việc triển khai mua vaccine tiêm cho trẻ nhỏ cũng như phương thức tạo sự đồng thuận giữa phụ huynh để họ đồng ý tiêm cho trẻ, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cung cấp một số thông tin đáng chú ý.
Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề ngoại giao vaccine, đối với người từ 18 tuổi trở lên, cơ bản Việt Nam đã tiêm đầy đủ mũi 1, mũi 2, mũi 3 đã tiến hành tiêm được khoảng 47%.
Trẻ em từ 12 trở lên cũng đã tiêm đủ mũi 1, mũi 2. Như vậy độ bao phủ vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.
Với vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, đầu tháng 12/2021, Bộ Y tế đã nghiên cứu rà soát trên cơ sở đề nghị của 63 tỉnh, thành phố đã báo cáo đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi theo Điều 26 của Luật Đấu thầu. Với số lượng lúc đó, Bộ Y tế đề xuất mua 21,9 triệu liều.
“Tuy nhiên, trong quá trình chúng ta tiến hành thảo luận đi đến ký kết mua với Pfizer thì có một số tổ chức, quốc gia hỗ trợ Việt Nam về vaccine tiêm cho trẻ em. Chính vì thế, chúng tôi đang có điều chỉnh để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm sao chúng ta vừa mua vaccine đảm bảo tiêm được theo Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời tiếp nhận vaccine viện trợ đảm bảo tỉ lệ tiêm theo quy định”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay.
Về vấn đề tiêm cho trẻ em, để tạo đồng thuận thì trước khi triển khai, Bộ Y tế cũng đã làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, giao Viện Chiến lược của Bộ Y tế tiến hành khảo sát đánh giá tỉ lệ chấp thuận của phụ huynh có trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
“Tỉ lệ chấp thuận khác nhau, giao động từ 60-80%”, ông Tuyên nêu rõ.
Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, kể cả đài truyền hình Trung ương. Đồng thời, Bộ Y tế tập huấn và tổ chức triển khai kỹ thuật tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi để địa phương có thể chủ động khi vaccine về Việt Nam thì triển khai được ngay.
Còn về việc bao giờ vaccine về, ngay chiều qua (3/4), Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Tổng Giám đốc Pfizer tại Việt Nam.
Cả hai đơn vị này đều thống nhất phương án đưa vaccine về Việt Nam trong thời gian nhanh nhất có thể để chúng ta tiêm cho trẻ em. Vaccine tiêm cho trẻ em hiện nay có 2 loại là Pfizer và Moderna.
“Hôm qua Bộ Y tế làm việc với Đại sứ quán Australia, đơn vị này dự kiến nếu chúng ta hoàn thiện tất cả các thủ tục nhanh nhất thì có thể đưa lô vaccine Moderna đầu tiên đến Việt Nam dự kiến 10/5 này. Đây là theo thông báo của Đại sứ quán Australia, tuy nhiên vẫn là dự kiến”, Thứ trưởng lưu ý.
Bộ Y tế lưu ý, trong thời gian tới khi tiêm vaccine cho trẻ em, chắc chắn sẽ có khó khăn, nên mong rằng cơ quan báo chí đồng hành để phụ huynh học sinh và nhân dân đồng tình đưa trẻ đi tiêm với tỷ lệ cao nhất.
Bộ Công an nói về vụ Việt Á, bà Nguyễn Phương Hằng
Tại họp báo chiều tối nay, phóng viên đề nghị Bộ Công an thông tin về việc khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, kết quả điều tra vụ án Công ty Việt Á, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Thông tin tới báo giới, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, hơn 1 năm nay, báo chí, dư luận xã hội, cộng đồng mạng sôi sục bàn tán, vừa qua 24/3 khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (như Sputnik đã thông tin trước đó).
“Đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo công an TP.HCM tập trung lực lượng điều tra làm rõ toàn bộ vụ việc sớm đưa ra xét xử theo quy định pháp luật”, tướng Tô Ân Xô nói về vụ bắt bà Phương Hằng.
Liên quan đến kết quả điều tra vụ Việt Á, theo người phát ngôn Bộ Công an, đã có thông báo của Uỷ ban kiểm tra Trung ương.
“Chỉ chờ đợi làm các thủ tục tiếp theo”, ông Xô khẳng định.
Nhiều bất ngờ trong vụ án nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Về vụ nhận hối lộ liên quan dến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, có nhiều điều bất ngờ nhất.
Cụ thể, theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, Cơ quan điều tra đã xác định có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi.
“Các bị can bị tạm giam bước đầu nhận tội, phối hợp cơ quan điều tra trong quá trình tố tụng”, đại diện Bộ Công an nêu rõ.
Đặc biệt, theo Trung tướng Tô Ân Xô, các bị can liên quan đường dây này “rất tinh vi”.
Trung tướng Tô Ân Xô trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí
© Ảnh : An Đăng - TTXVN
“Hoạt động các đối tượng trong vụ án nhận hối lội là tinh vi, số người tham gia đông, gồm cả trong và ngoài nước, có liên quan đến các bộ, ban ngành, địa phương, thời gian dài, một số đối phó quyết liệt, nên mất thời gian trong điều tra xác minh vụ việc”, tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan làm rõ bản chất vụ việc.
“Cơ quan công an đề nghị các cá nhân tổ chức hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động cung cấp tài liệu liên quan cho cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, thời gian tới sẽ có bước đột phá chuyển biến mới vụ việc này”, tướng Xô nêu rõ.
Quản lý chặt đấu giá bất động sản
Trước tình trạng giá đất ở nhiều nơi trên cả nước tăng rất nhanh, liệu có hiện tượng sốt đất và tình trạng bong bóng bất động sản xảy ra hay không, cũng như các giải pháp ổn định thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, 2 năm vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đầu tư, sản xuất.
“Đây là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư vào đất đai, kim loại quý như vàng”, ông Thành nói.
Theo đại diện Bộ TN&MT, năm 2020 và 2021 là đầu chu kỳ mà các địa phương, các bộ ngành thực hiện, triển khai xây dựng các quy hoạch.
“Do đó, một số nhà đầu tư nhân cơ hội này mua gom đất, phân lô bán nền, thậm chí không đúng các quy định pháp luật nhằm thu lợi bất hợp pháp”, vị lãnh đạo nêu rõ.
Theo Thứ trưởng Thành, hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương có thể nói là làm ảnh hưởng, mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Ngoài các lý do khách quan này, có thể thấy một số nơi có lúc thực hiện chưa nghiêm về các phiên đấu giá và có hiện tượng để lộ thông tin, có sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá với người tham gia đấu giá.
Đối với vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất, giá bất động sản có liên quan đến trách nhiệm của một số bộ, ngành.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Bộ TN&MT đã có Công văn số 1454 ngày 30/3/2021 gửi đến UBND các địa phương, trong đó khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.
Điều này là nhằm bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
“Điểm thứ hai rất quan trọng, đó là thông tin. Công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất”, Thứ trưởng Thành nói.
Đặc biệt là cần có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Phải quản lý để làm sao cho quy hoạch này thực hiện nghiêm túc nhất.
Tiếp đó, Bộ TN&MT khuyến cáo thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản.
“Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật”, ông Thành nhấn mạnh.
Cùng với đó, một giải pháp mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra là các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
“Chúng tôi cũng chỉ ra là cần phải tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất, để làm sao các quy định về đấu giá chặt chẽ, tránh việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để đầu cơ, tăng giá đất”, ông Lê Công Thành nói.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra cụ thể các địa phương, phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố để quản lý tốt hơn các hoạt động đấu giá và sự biến động bất thường, cục bộ của giá đất, ngăn chặn các hệ lụy không đáng có.
Nhiều vấn đề ‘nóng’ khác
Tại họp báo chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, cả nước 92,17% học sinh đã trở lại trường học trực tiếp tại các cấp.
“Chiều nay, Hà Nội công bố kế hoạch ngày 6/4 đưa học sinh tiểu học trở lại trường. Nếu như vậy thì tổng số 97% học sinh trở lại trường học trực tiếp”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí
© Ảnh : An Đăng - TTXVN
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam “đang được thực hiện rất tích cực”. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, số tiền thực hiện miễn giảm thuế là khoảng 9.000 tỷ. Về đầu tư công – vốn “ngốn nhiều ngân sách nhất” - Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ ngành tổng hợp danh mục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thông báo với các bộ, ngành địa phương để triển khai làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn.
Theo ông Phương, hiện nay là 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, gồm 2 đường vành đai của 2 thành phố và 3 dự án cao tốc của Bộ GTVT, đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định.
“Chỉ khi nào dự án đầy đủ thủ tục thì mới được thực hiện giải ngân”, Thứ trưởng Phương nêu rõ và khẳng định, chi tiêu ngân sách nhà nước phải bảo đảm 2 yếu tố quan trọng là đúng quy định pháp luật, đúng trình tự pháp luật để không tiêu nhầm, không tiêu sai và thứ hai là phải bảo đảm hiệu quả tính chi tiêu.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá hết tháng 3/2022, con số tăng trưởng khá tích cực với 5,04%, so với cùng kỳ năm 2021 (2,16%) tăng 2,3%.
“Điều này cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời chứng minh các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả”, ông Tú nêu rõ.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.
Về xử lý nợ xấu, ông Đào Minh Tú cho hay, số nợ xấu đã được xử lý, giải quyết trong những năm qua thông qua Nghị quyết 42 là 380.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cũng thông tin về chính sách mở cửa của Việt Nam. Theo đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều do một số nguyên nhân như tình hình giữa Nga – Ukraina, chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc, thiếu sự kết nối giữa các doanh nghiệp, số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam ‘tương đối nhiều’ gây tâm lý lo lắng cho khách du lịch.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có một số nhóm giải pháp như hoàn thiện chính sách visa, quy định nhập cảnh, xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm, chính sách thông thoáng hơn về bảo đảm y tế.
“Tôi cho rằng, với hệ thống giải pháp như vậy, chúng ta sẽ sớm thu hút được du khách quốc tế trở lại với Việt Nam”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tin tưởng.