Vấn đề cấp bách của toàn ngành
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.
Số lao động trong ngành du lịch phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực đối với lĩnh vực du lịch. Đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành dịch vụ không khói này.
“Khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm với công việc mới, dẫn đến khi dịch bệnh được khống chế và ngành du lịch hoạt động trở lại, họ không quay về việc cũ nên tình trạng thiếu hụt nhân lực du lịch sẽ rất căng thẳng,” ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Thực tế cho thấy chỉ có một số bộ phận nhỏ của ngành là qua đào tạo, còn nhân lực mới đòi hỏi phải đào tạo. Điều này đang gặp rất nhiều khó khăn do bản thân doanh nghiệp cũng vừa phải nghĩ cách bù lỗ do dịch, vận hành hệ thống. Chi phí đào tạo có thể tăng cao, ngoài ra cũng không có gì đảm bảo rằng người được đào tạo sẽ gắn bó với doanh nghiệp do chế độ tiền lương vẫn thấp ở thời điểm này.
Lời giải cho bài toán khó nằm đâu?
Các chuyên gia cho rằng, cần phải có chính sách khuyến khích, kêu gọi nhân lực có kinh nghiệm trong ngành du lịch trở lại làm việc. Song song với đó cần đẩy mạnh công tác đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước.
“Trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận; nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở”, Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn cho biết.
Đáng chú ý, chính sách tiền lương cho lao động và môi trường lao động cũng cần được cải thiện để thu hút nhân lực mới.
Như Sputnik đã đưa tin, ngày 2/4 vừa qua đã diễn ra Hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành du lịch” do Trung tâm thông tin Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp Tập đoàn công nghệ Vietsens tổ chức. Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Quốc Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch cho biết:
“Chúng tôi tập trung đẩy mạnh nhất là các sản phẩm mang tính ứng dụng các công nghệ mới, sao cho tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch, hay hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp du lịch sau khi phục hồi trở lại”.
Những sản phẩm công nghệ mà Tổng cục Du lịch đã xây dựng có thể kể đến hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch dành cho cơ quan quản lý; cơ sở dữ liệu ngành du lịch dành cho cơ quan quản lý; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 đối với các cơ sở du lịch.
Ngoài ra còn có ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam dành cho doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Trang vàng Du lịch Việt Nam dành cho các doanh nghiệp.
Linh hoạt trong tuyển dụng nhân sự, thay đổi chính sách tiền lương và môi trường lao động cùng với đẩy mạnh triển khai công nghệ số sẽ hứa hẹn mang lại kết quả khả quan cho bài toán nhân lực ngành du lịch Việt Nam hậu COVID-19.