Bộ Công Thương cũng lưu ý rằng, do nguồn cung xăng dầu thế giới hiện vẫn chưa ổn định nên Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong điều hành giá xăng dầu tại Việt Nam.
Bộ Tài chính lên tiếng lý giải vì sao mặt hàng xăng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như việc có nên điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN đối với xăng dầu trong nước hay không.
Giá xăng Việt Nam theo giá dầu thế giới
Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới, biến động khó lường của thị trường toàn cầu.
Bộ Công Thương nhận định, tình hình địa chính trị bất ổn, nguồn cung khan hiếm, sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến giá xăng dầu thế giới.
Do đó, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới”, Bộ Công Thương khẳng định.
Bên cạnh đó, Liên Bộ Tài chính – Công Thương cũng sẽ sử dụng linh hoạt, hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu với “liều lượng” thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Giá xăng Việt Nam tăng thấp hơn giá thế giới
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, giá xăng trong nước của Việt Nam tăng vẫn thấp hơn thế giới.
Cụ thể, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (ngày 11//1/2022) đến kỳ điều hành ngày 21/3/2022 đã có 7 kỳ điều hành giá, gồm 6 kỳ tăng giá, một kỳ giảm giá.
“Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 21/3/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/1/2022 tăng từ 4.061 - 5.394 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 22,27% - 29,80%”, Bộ Công Thương cho hay.
Với quỹ bình ổn giá, Bộ Công Thương cho biết, quỹ này đã liên tục chi từ 100 -1.500 đồng/lít (tùy loại).
Nhờ vậy mà trong khi giá thành phẩm xăng dầu thế giới tăng 33,7-38,9% từ đầu năm, giá bán lẻ trong nước chỉ tăng 22-29,8%, theo tính toán của Bộ Công Thương.
Cụ thể, theo cơ quan này, bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 21/3/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 33,71% đến 38,95% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 21/3/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 22,27% - 29,80%.
“Do đó, giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn mức tăng của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao trong năm 2022 và giao bổ sung theo Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 của Bộ Công Thương để có sự điều hành phù hợp.
“Công tác điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định”, Bộ Công Thương tái khẳng định.
Bộ Tài chính lý giải vì sao xăng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Bộ Tài chính đã lên tiếng lý giải về việc xăng ở Việt Nam chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Một số mặt hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt do có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia… hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm (như xăng gốc hóa thạch), hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp, đắt tiền cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf…).
“Vì xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch không tái tạo nên cần phải sử dụng tiết kiệm và theo thông lệ quốc tế xăng luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, theo lý giải của Bộ Tài chính.
Theo Vụ Chính sách thuế, từ kinh nghiệm nghiên cứu ở các quốc gia khác cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
Cơ quan này dẫn chứng như ở Pháp, xăng E10 bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 0,6629 EUR/lít và xăng khoáng bị đánh thuế ở mức 0,6829 EUR/lít. Hay Đức thu thuế này đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/mg ở mức 0,6689 EUR/lít, Hà Lan thu 0,81314 EUR/lít và Ý thu 0,7284 EUR/lít.
Ở châu Á, các nước như Hàn Quốc có mức thu thuế TTĐB là 311 KRW/lít, Trung Quốc thu 1,52 CNY/lít. Hay ngay tại các nước trong khu vực ASEAN, Thái Lan thu 6,5 THB/lít với xăng khoáng, 5,85 THB/lít với xăng 95 E10, 5,2 THB/lít với xăng 95 E20, 0,975 THB/lít với xăng 95 E85, 3,2 THB/lít với dầu Diesel hay Singapore thu 0,41 SGD/lít.
Bộ Tài chính: Thuế TTĐB với xăng vẫn thấp hơn thế giới
Bộ Tài chính nhấn mạnh, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1999.
Bộ Tài chính cũng khẳng định rằng “đánh thuế tiêu thụ đặc biệt” với xăng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh giá xăng dầu, bám sát thị trường nhưng cũng phải hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và người nộp thuế.
“Tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra ở nước ta vẫn thấp hơn mức bình quân chung dù làm theo thông lệ chung”, Bộ Tài chính khẳng định.
Cụ thể, tỷ trọng thuế thấp hơn khoảng 38% đối với xăng, 20% đối với dầu nếu giá dầu thô thế giới là 80 USD/thùng.
Tỷ trọng này sẽ giảm xuống khi giá xăng dầu tăng lên. Trong khi đó, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở các nước khác rơi vào khoảng 45% – 60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn), theo Vụ Chính sách thuế.
Ngoài ra, từ 5% – 8% giá bán xăng dầu là chi phí vận chuyển và lợi nhuận định mức.
Bộ cũng cho hay, gần đây, giá xăng dầu thành phẩm tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng trong tương lai do cầu tăng mạnh. Thêm vào đó, tình hình chính trị thế giới căng thẳng, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraina và các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc này giúp bảo đảm ổn định giá xăng dầu kịp thời trước biến động của giá dầu thô trên thị trường thế giới để hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Về ý kiến cần điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ, thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng là 20%, các mặt hàng dầu diesel, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay có mức thuế nhập khẩu MFN là 7%.
Theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, các mặt hàng xăng E5 và E10 có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất FTA) theo ATIGA, VKFTA là 8%; theo VNEAEU là 8,8% và theo Hiệp định ACFTA là 20%.
Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Mức thuế nhập khẩu FTA của các mặt hàng dầu diezen, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay theo VNEAEU là 7%, ATIGA và VKFTA là 0%.
“Hiện xăng dầu nước ta chủ yếu nhập khẩu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc và phải chịu mức thuế nhập khẩu FTA là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu”, Bộ Tài chính cho hay.
Thuế MFN hiện chiếm khoảng 6% tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Khi kiểm soát được dịch bệnh và chuỗi cung ứng được phục hồi, tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu theo thuế suất FTA dự báo sẽ tăng trở lại.
Bộ này nhấn manh, trong điều kiện hiện nay, việc điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN đối với xăng dầu “dường như không thể làm cho giá xăng dầu trong nước giảm” vì tỷ trọng nhập khẩu theo thuế suất MFN rất thấp.
“Hơn nữa, việc điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng dầu sẽ thu hẹp dư địa đàm phán các FTA mới theo nguyên tắc có đi có lại”, Bộ Tài chính lý giải.
Làm gì để tránh cú sốc về giá xăng xầu?
Như Sputnik đã thông tin, từ trung tuần tháng 1/2022, nguồn cung xăng dầu của Việt Nam bắt đầu trở nên khan hiếm sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn – nhà máy lọc dầu lớn nhất cả nước, phải cắt giảm công suất, thậm chí từng có thời điểm đứng trước nguy cơ đóng cửa, do khó khăn tài chính.
Liên tiếp sau đó, nhiều cây xăng trải rộng ở các địa phương trên cả nước xuất hiện tình trạng đóng cửa - tạm ngưng bán hoặc bán cầm chừng do được phân phối nhỏ giọt và nguồn cung khan hiếm.
Đến nay, theo báo cáo từ Nghi Sơn cũng như Bộ Công Thương, nhà máy này đã vận hành trở lại, nhưng kế hoạch giao hàng tháng 5 và 6 cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thì vẫn chưa rõ ràng, do đó, không thể trông chờ vào Nghi Sơn cung ứng xăng dầu ra thị trường.
Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cũng xác nhận, kế hoạch điều hành xăng dầu quý II sẽ không gồm nguồn từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Đồng thời, để có nguồn bù đắp thiếu hụt từ Nghi Sơn, Bộ Công Thương cũng đã giao 10 doanh nghiệp xăng dầu nhập khẩu bổ sung 2,4 triệu lít xăng dầu trong quý II này.
Ngày 1/4, giá xăng E5 RON 92 lùi về 27.300 đồng, xăng RON 95 là 28.150 đồng sau khi được điều chỉnh giảm hơn 1.000 đồng.
Cũng như chúng tôi đã thông tin, từ ngày 1/4 đến hết năm, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Đặc biệt, Bộ Công Thương khẳng định, nếu thuế bảo vệ môi trường như mức cũ, giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành này sẽ tăng từ 1.069-2.789 đồng/lít/kg (cụ thể xăng E5RON92 tăng 1.069 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.161 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.547 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.789 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.606 đồng/lít).
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nêu ý kiến với TTXVN cho biết, việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường phần nào giúp hạ nhiệt giá xăng trong nước.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần có các giải pháp cải cách để điều hành xăng dầu đúng với cơ chế thị trường, tránh tình trạng điều hành nửa vời như hiện nay.
“Có thể tiến tới bỏ định giá theo chu kỳ, chuyển theo hướng doanh nghiệp tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm cá nhân.
Giới chuyên gia cũng kiến nghị, để tránh các cú sốc về giá, doanh nghiệp nên chủ động nguồn hàng và có kịch bản ứng phó, nhất là tính đến việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá để tránh cú sốc về giá, theo VnExpress dẫn quan điểm của PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, công cụ này đã các doanh nghiệp xăng dầu thế giới sử dụng, giúp họ duy trì được lợi nhuận dù giá lên hay xuống. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam cũng đã có Sở giao dịch hàng hóa với đầy đủ các công cụ, liên thông với các sàn giao dịch quốc tế.