Sau khi ông Trịnh Văn Quyết cùng nhiều lãnh đạo FLC bị bắt, nhiều người không khỏi bất ngờ khi Chủ tịch kiêm CEO Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, cũng sớm chịu cảnh còng tay đến thế. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán liên tục ra các quyết định xử phạt, chấn chỉnh hoạt động thị trường.
Điển hình, hôm nay 6/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết sau vụ bán chui cổ phiếu, đồng thời tiến hành xử phạt thành viên Hội đồng Quản trị FLC Hương Trần Kiều Dung, “cánh tay phải đắc lực” của đại gia Trịnh Văn Quyết.
Về phía “ông lớn” bất động sản Tân Hoàng Minh, tập đoàn này cũng lần đầu chính thức lên tiếng về hoạt động của doanh nghiệp, việc con trai cả của ông Đỗ Anh Dũng – Đỗ Hoàng Minh lên nắm quyền điều hành sau khi dàn lãnh đạo Tân Hoàng Minh bị bắt hôm 5/4 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hủy quyết định phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết
Chiều nay 6/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết sau vụ “đi đêm” bán chui cổ phiếu làm náo loạn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-HB hủy bỏ Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC ngày 18/1/2022 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC).
Lý do được cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán của Việt Nam đưa ra là do ngày 29/3/2022 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết.
Cùng với việc bắt ông Quyết, Cơ quan cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC ngày 18/1/2022 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết căn cứ theo Điều 4 Bộ Luật Hình sự năm 2015; Điều 5, Điều 168 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính; điểm g khoản 1 Điều 13 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như Sputnik đã cập nhật liên tục toàn cảnh các diễn biến chính xoay quanh sự việc tại Tập đoàn FLC, ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán khiến các cổ phiếu thuộc "họ" FLC có những phiên biến động mạnh, liên tục giảm kịch sàn và trắng bên mua, sau đó lại tăng trần đồng loạt.
Lên tiếng về việc ông Quyết bị bắt, tập đoàn FLC cho hay vụ án mang tính “cá nhân” của ông Trịnh Văn Quyết trong giao dịch mua, bán chứng khoán.
Đến tháng 1/2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, tương đương khoảng 30% vốn cùng hàng chục triệu cổ phiếu tại các công ty thành viên của Tập đoàn này.
Sau khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt, ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch FLC và Bamboo Airways đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ở cả hai doanh nghiệp thay ông Quyết.
Bà Hương Trần Kiều Dung bị phạt
Cùng ngày 6/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành xử phạt thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung.
Bà Hương Trần Kiều Dung chính là “cánh tay phải” đắc lực của ông Trịnh Văn Quyết trước thời điểm bị bắt.
Bà Hương Trần Kiều Dung – Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC
© Ảnh : KT
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 192/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Hương Trần Kiều Dung - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (địa chỉ số 15, ngõ 158 Hoàng Văn Thái, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội).
Theo quyết định của cơ quan chức năng, bà Hương Thị Kiều Dung bị phạt tiền 70 triệu đồng, căn cứ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khắc phục hậu quả” quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Nguyên nhân xử phạt bà Kiều Dung được Ủy ban Chứng khoán nêu là vì nữ doanh nhân này đã có hành vi vi phạm là “thành viên Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng và là thành viên Hội đồng quản trị tại quá 5 công ty khác”.
Theo Ủy ban Chứng khoán, trong giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021, bà Hương Trần Kiều Dung là Thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và là thành viên Hội đồng quản trị của 6 công ty khác.
Điều này đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng và khoản 3 Điều 275 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán.
Tân Hoàng Minh lên tiếng sau khi dàn lãnh đạo bị bắt
Tập đoàn Tân Hoàng Minh có động thái chính thức đầu tiên sau Bộ Công an bắt nguyên dàn lãnh đạo doanh nghiệp gồm ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 bị can khác để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thông cáo báo chí ngày 6/4 của Tân Hoàng Minh, sau khi các lãnh đạo bị bắt, Tân Hoàng Minh đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của tập đoàn diễn ra ổn định.
Khoảng 19h25, lực lượng chức năng vào trụ sở Tân Hoàng Minh tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Doanh nghiệp này nhấn mạnh đặc biệt ưu tiên các vấn đề liên quan đến khách hàng đầu tư trái phiếu.
Như Sputnik đề cập, ông Đỗ Anh Dũng đã ủy quyền cho ông Đỗ Hoàng Minh, con trai cả và là Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh trực tiếp điều hành tập đoàn.
Ông Đỗ Hoàng Minh sẽ thực hiện các công việc, quyền Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty, điều hành hoạt động tại các công ty trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ủy quyền có hiệu lực kể từ ngày 5/4/2022.
“Tập đoàn Tân Hoàng Minh khẳng định sẽ nỗ lực tối đa để ổn định mọi hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với tập đoàn”, Tân Hoàng Minh nêu rõ.
Theo Tân Hoàng Minh, hiện nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận cuối cùng, Tập đoàn đang tích cực phối hợp cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Tập đoàn cũng mong nhận được sự đồng hành, sự chia sẻ của khách hàng và đối tác với tập đoàn trong thời điểm khó khăn này.
“Khi có thông tin cụ thể, Tập đoàn sẽ cập nhật đầy đủ, kịp thời về sự việc này”, thông cáo báo chí của Tân Hoàng Minh khẳng định.
Trước đó, theo thông báo chính thức của Bộ Công an, kết quả điều tra xác định từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, bị can Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên là Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Từ kết quả điều tra trên, hôm 5/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị liên quan.
Cuộc thanh lọc chưa từng có, hết thời “đen thôi, đỏ quên đi”?
Có người từng nhận xét, vì ông Quyết “đi đêm”, nhưng lộ liễu quá, hành vi phạm tội rõ như ban ngày, việc bị bắt là đương nhiên. Cũng có ý kiến cho rằng, sau vụ bỏ cọc Thủ Thiêm, Tân Hoàng Minh đã “vào tầm ngắm” của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, Việt Nam đang tiến hành cuộc thanh lọc, làm trong sạch thị trường chứng khoán một cách bài bản, xóa bỏ đi định kiến người ta vẫn hay nói với nhau “đen thôi – đỏ quên đi”.
Theo Bộ Tài chính, những vụ khởi tố, bắt giam một số cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây đang cho thấy quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch, lành mạnh thị trường tài chính.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, bền vững.
Bộ Tài chính nhận định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đã bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu…
“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao”, Bộ Tài chính nói thẳng.
Do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Bộ này khuyến cáo, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
Về kiểm toán, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
“Tăng cường soát xét, đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán”, Bộ Tài chính lưu ý.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.
Các nỗ lực của Bộ Tài chính nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính nêu rõ, những động thái quyết liệt này không làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư mà ngược lại còn giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào sự quản lý, điều hành hiệu quả, kịp thời của các cơ quan quản lý của Việt Nam.