Ông Nguyễn Thanh Nghị nói gì về giá đất nền ‘trên trời’?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lý giải nguyên nhân giá đất nền tăng ‘phi mã’, nhiều địa phương xảy ra tình trạng “sốt đất” nghiêm trọng.
Sputnik
Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương, nhất là nơi có tình trạng tăng nóng đất nền, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết hiện tượng phân lô bán nền, các dự án mở bán mà chưa có hạ tầng.

Vì sao giá đất nền tăng cao?

Tại Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế ngày 5/4, báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, người vẫn gây chú ý vì là con trai của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và vị tư lệnh ngành trẻ nhất trong bộ máy mới, đã lý giải về các diễn biến của thị trường bất động sản tại Việt Nam, nhất là giá đất nền ‘sốt nóng’.
Dân chưa giàu, đất đã tăng giá vùn vụt
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, quý I, bối cảnh nền kinh tế đất nước hồi phục, khởi sắc tuy nhiên còn nhiều khó khăn.
“Giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc đều tăng, trong đó đất nền tăng hơn nhiều hơn các phân khúc khác, thậm chí một số địa phương có tình trạng sốt nóng”, Bộ trưởng Nghị lưu ý.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, sau một thời gian bị siết chặt giãn cách vì làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, thị trường đất nền các tỉnh, thành khắp cả nước, nhất là khu vực phía Nam đã rất sôi động, có dấu hiệu “nóng sốt”. Đặc biệt, tình trạng tăng giá này diễn ra trên diện rộng, có nơi tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm trước dịch.
Báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến cuối năm 2021, giá bất động sản ở nhiều loại hình đều tăng so với thời điểm cuối năm 2020. Chẳng hạn như giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%. Đáng chú ý, giá đất nền tăng 20-30%.
Trong khi đó, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chỉ ra, bất chấp ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, nhiều thị trường tại miền Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên vẫn có tốc độ giao dịch tốt và mức giá tăng từ 20-50% trong quý 4. Đáng chú ý, giá đất nền tại Bắc Ninh tăng giá gần 100% so với năm 2020.
Vì sao giá nhà đất, bất động sản Hà Nội tăng cao?
Báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã tóm gọn nguyên nhân giá đất nền thời gian qua bị đẩy lên cao.
“Do cung cầu, nguồn cung hạn chế, dự án hoàn thành giảm dần, nhất là ở các đô thị lớn”, ông Nghị nêu.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân nữa tiếp tục được người đứng đầu Bộ Xây dựng chỉ ra, như việc các địa phương khởi động kế hoạch phát triển hạ tầng, phục hồi kinh tế.
Đặc biệt, tình trạng thông tin thiếu minh bạch về quy hoạch, nâng cấp đô thị, đơn vị hành chính dẫn tới tình trạng đầu cơ, thổi giá vẫn diễn ra thời gian qua.
“Nguyên nhân nữa là do biến động giá cả, tăng giá đầu vào của các dự án bất động sản”, Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh.

Siết tình trạng phân lô bán nền

Trước thực tế giá bất động sản biến động mạnh, giá đất nền tăng phi mã, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương, nhất là các địa phương có tình trạng tăng nóng đất nền, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra.
“Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là với các dự án phân lô bán nền, các dự án mở bán mà chưa có hạ tầng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý.
Đồng thời, để đảm bảo nguồn cung, người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương quan tâm tháo gỡ trong vương mắc thủ tục hành chính, vốn góp phần gây nóng thị trường và xu hướng tăng giá đất.
Liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11, ông Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã thành lập các tổ liên ngành, tổ chức làm việc với các địa phương nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nắm bắt kịp thời các vấn đề còn tồn đọng.
Ông Nguyễn Thanh Nghị được giao nhiệm vụ chống tham nhũng ở dự án cao tốc Bắc – Nam
Bộ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, tăng đáp ứng nhu cầu cho người có thu nhập thấp.
Theo tư lệnh ngành Xây dựng, sau khi Nghị quyết 11 được ban hành, hàng loạt địa phương đã khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, một số dự án có số lượng căn hộ rất lớn.

Tại sao chênh lệch nguồn cung bất động sản của Hà Nội và TP.HCM?

Tại sự kiện báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý I/2022, do Đất Xanh Services tổ chức, thông qua các phân tích thị trường bất động sản năm 2021 và nhận định năm 2022, các chuyên gia đã lý giải vì sao có sự chênh lệch nguồn cung bất động sản của Hà Nội (tăng) và TP.HCM (giảm).
Cụ thể, tại Hà Nội, nguồn cung mới ghi nhận ở mức 4.904 căn hộ, tăng 36% theo quý, trong đó, số lượng sản phẩm mới tập trung chủ yếu tại khu Tây (60%), khu Đông (38%). Nguồn cung sơ cấp ghi nhận 13.700 căn hộ.
Thiếu nguồn cung, giá bất động sản hai đầu Nam Bắc tiếp tục tăng cao
Trong khi đó, nguồn cung mới tại thị trường TP.HCM quý I/2022 ghi nhận ở mức 2.166 căn hộ, giảm 55% so với quý IV/2021, trong đó, tập trung chủ yếu tại Bình Chánh (39%), Thủ Đức (29%), Bình Tân (22%). Nguồn cung sơ cấp ghi nhận 4.401 căn hộ.
Đánh giá về sự chênh lệch này, TS. Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services nêu ý kiến, số lượng các dự án mở bán mới tại TP.HCM giảm đáng kể trong khi nguồn cung tại Hà Nội vẫn tăng mạnh.
Theo ông Khôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cung mở bán mới tại TP.HCM giảm, tuy nhiên, vấn đề chính là do quá trình cấp phép cho các dự án mới chậm và quỹ đất hạn chế.
Đại diện Dat Xanh Services, khi quỹ đất tại TP.HCM hạn chế làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm.
“Mặt bằng giá bất động sản ngày càng leo thang đi đôi với áp lực hạ tầng do gia tăng dân số và nhu cầu tách khẩu của khu vực này”, TS. Phạm Anh Khôi lưu ý.
Theo chuyên gia, cũng vì do thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, nên mặt bằng giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng cao.
Giá bất động sản tăng cao, giải pháp nào để người nghèo cũng mua được nhà?
Theo đó, mặt bằng giá thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận ở mức 45 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5% so với quý trước. Mặt bằng giá thị trường căn hộ ở Sài Gòn ghi nhận ở mức 64 triệu đồng/m2, tăng khoảng 9% so với quý trước.
“Với nhu cầu mạnh mẽ, tỷ lệ hấp thụ từ người mua trong nước vẫn ở mức tốt khi ghi nhận tỷ lệ bán lũy kế đạt 80% tại Hà Nội và 88% tại TP.HCM”, đại diện Dat Xanh Services nêu.
Đất xanh cũng dự báo, trong năm 2022, Hà Nội sẽ có thêm 22.000 căn hộ mới và trong năm 2023 sẽ có thêm 32.000 căn hộ mới ra mắt thị trường. Như vậy, dự kiến sẽ có khoảng 54.000 sản phẩm được cung ứng ra thị trường.

Thị trường bất động sản năm 2022: Xu hướng “Bắc tiến”

Đánh giá về xu hướng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022, Viện Nghiên cứu thị trường Đất Xanh Services, cho biết, thị trường ven Hà Nội, cụ thể là Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, một dự án đô thị lớn tại Hưng Yên đã chiếm đến 69% nguồn cung căn hộ mới cho toàn thị trường khi mở bán với số lượng lớn tương đương 1.000 sản phẩm, với tỷ lệ hấp thụ cao đến 90%.
Đối với nguồn cung tương lai, căn hộ tiếp tục là sản phẩm chủ đạo và nguồn cung mới có xu hướng phân bổ ra khu vực ven Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
“Bên cạnh đó, thời gian tới vẫn sẽ ghi nhận xu hướng Bắc tiến của các chủ đầu tư lớn khu vực phía Nam”, Dat Xanh Services dự báo.
Trong khi đó, ở thị trường miền Trung, sau thời gian dài, thị trường ghi nhận lại sự hồi phục ở cả nguồn cung và nguồn cầu, trong đó đất nền và căn hộ vẫn là hai phân khúc có tỷ lệ hấp thụ tốt.
Tiết lộ về giới siêu giàu Việt Nam, vì sao bất động sản lại “sốt” đến vậy?
Nhà phố thương mại chiếm lĩnh nguồn cung mới tại Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Nam. Phân khúc căn hộ tập trung ở Đà Nẵng, trong khi các khu vực khác chủ yếu là phân khúc thấp tầng.
“Cơ sở hạ tầng phát triển và được đầu tư mới, cộng thêm động lực lớn từ việc mở lại đường bay quốc tế giúp khôi phục trở lại hoạt động du lịch là triển vọng cho bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi”, chuyên gia đánh giá.
Về nguồn cung tương lai, Đất Xanh nêu rõ, Đà Nẵng dự kiến dẫn đầu nguồn cung căn hộ đến từ các dự án dọc sông Hàn, với khoảng 2.000 căn hộ.
Tương tự, thị trường Khánh Hòa cũng sẽ nhanh chóng đón nhận nguồn cung căn hộ mới. Bình Định khởi sắc bất động sản nghỉ dưỡng, là thị trường thu hút nhà đầu tư nhờ dòng chảy đầu tư công.
Ở khu vực miền Nam, sau khi khảo sát 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn cung căn hộ là sản phẩm chủ đạo, chiếm 63,9% nguồn cung mới.
Người Việt ‘khát’ đất và muốn sở hữu bất động sản
Tuy có xu hướng giảm nhưng nguồn cung mới tại thị trường Bình Dương vẫn chiếm ưu thế với 76% tổng giỏ hàng mới.
Có đến 90% nguồn cung nhà liền thổ trong khu vực đến từ Đồng Nai với các dự án quy mô lớn. Giá bán nguồn cung mới tăng 5-10% so với đợt trước, giỏ hàng cũ có giá bán ổn định theo quý, trong đó, giá bán căn hộ Bình Dương xấp xỉ căn hộ hạng C của TP.HCM, tương đương khoảng 24 - 47 triệu đồng/m2.
“Sắp tới, các dự án hạ tầng sẽ là yếu tố giữ độ “nóng” giúp thị trường bất động sản khu vực tiếp tục tăng nhiệt. Với sức cầu được đánh giá khả quan, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu được đẩy mạnh, giá bán các dự án dự kiến sẽ tăng trong các đợt mở bán mới từ 3 - 7%”, chuyên gia dự báo.
Thảo luận