Điện gió Việt Nam vào top thế giới, chưa đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch Điện 8

Việt Nam dường như vẫn giữ thái độ khá thận trọng và chưa đưa kế hoạch phát triển điện hạt nhân vào Quy hoạch Điện 8 (Quy hoạch Điện VIII).
Sputnik
Trong khi đó, theo Nikkei Asia tham chiếu dữ liệu từ Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cho thấy, công suất điện gió Việt Nam đã vào nhóm dẫn đầu thế giới.

Việt Nam vào top thế giới về công suất điện gió

Nghiên cứu mới cho thấy, Việt Nam và Úc đứng đầu trong hàng ngũ các quốc gia có nhiều trang trại điện gió mới nhất trên thế giới năm 2021.
Trong khi các công ty điện lực và năng lượng của Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục đạt kỷ lục về gia tăng công suất cũng như vốn đầu tư vào điện gió, nguồn điện tái tạo quan trọng trong thời đại ngày nay khi ngày càng nhiều nước cam kết cắt giảm điện than.
Bên bờ vực phá sản, nhiều nhà đầu tư điện gió ‘kêu cứu’ Thủ tướng
Năm 2021 vừa qua, dữ liệu từ Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho thấy, ngành năng lượng thế giới được bổ sung thêm 21,1GW điện gió ngoài khơi.
“Đây là mức công suất cao nhất từ trước đến nay và tăng gấp ba lần so với năm 2020”, Nikkei Asia lưu ý.
Năng lực cung ứng và cung ứng điện gió trên bờ (trong đất liền) toàn cầu cũng đạt mức 72,5GW, những con số khổng lồ chưa từng thấy.
Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) khuyến nghị, dù công suất điện gió toàn cầu đã tăng nhưng những con số này phải đột phá lên gấp bốn lần trong thập kỷ tới mới đủ sức chống lại tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Đặc biệt, báo cáo hàng năm của cơ quan vận động hành lang thuộc GWEC cho biết, khu vực châu Á chiếm 59% các cơ sở lắp đặt điện gió mới vào năm 2021.
Năm qua cũng là năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh COP26, với hàng loạt cam kết của các quốc gia trong việc đạt mục tiêu đưa mức phát thải khí nhà kính bằng 0 (mục tiêu net zero) vào năm 2050 (trong đó có Việt Nam).
Về công suất điện gió theo công bố mới nhất năm 2021 của GWEC, điện gió ngoài khơi Việt Nam đang xếp thứ ba thế giới sau Trung Quốc, Anh, xếp trên cả Đan Mạch và Hà Lan.
Điện gió trên bờ của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, xếp sau Trung Quốc, Mỹ, Brazil và trên Thụy Điển.
Nhà máy điện gió Tân Thuận gần 3.000 tỷ ở Cà Mau bị mất trộm
Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai quốc gia có các công ty điện lực, năng lượng đang gấp rút xây dựng hệ thống tuabin gió, hiện vẫn là thị trường lớn nhất thế giới cả về số lượng trang trại điện gió và công suất điện năng đạt được từ nguồn năng lượng tái tạo này.
“Tuy nhiên, Việt Nam – một “người chơi mới với quy mô nhỏ hơn” đã tăng hạng đáng kinh ngạc vào năm 2021 và xếp ở vị trí thứ 3 về công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi và hiện ở vị trí thứ tư về công suất lắp đặt trên bờ”, Nikkei nhấn mạnh.
Cần lưu ý, chỉ một năm trước đó, Việt Nam thậm chí còn chưa từng lọt vào top 10 quốc gia đầu tư lắp đặt điện gió lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nay, thực tế đã khác.
Cũng theo báo cáo từ Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, năm 2021 trên thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về năng lực điện gió trên bờ của những quốc gia khác trong khu vực – của Australia, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Theo phàn nàn của nhiều doanh nghiệp điện gió trên thế giới, tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraina và mức lạm phát hiện nay đã đẩy chi phí nguyên vật liệu và phí vận chuyển (logistics) lên cao”, theo Nikkei.

Những “cơn gió ngược” cản đường phát triển điện gió

Người ta cho rằng, những “cơn gió ngược” này đang đe dọa đến quá trình xây mới các trang trại điện gió và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn cầu hiện nay.
Lãnh đạo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu - Ben Backwell, Giám đốc Điều hành của GWEC lưu ý, hiện nay, chúng ta đang có ​​hệ thống chính sách năng lượng khổng lồ.
“Tuy nhiên, thị trường lại đang thất bại trong việc cung cấp các tín hiệu đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ và rõ rệt hơn”, Giám đốc điều hành của GWEC lưu ý.
Theo lãnh đạo GWEC, các công ty nhiên liệu hóa thạch (điện than) bao gồm cả các nhà sản xuất than, đang chứng kiến ​​lợi nhuận kỷ lục được người tiêu dùng chi trả, trong khi các công ty năng lượng tái tạo phải vật lộn để hòa vốn hoặc đầu tư vào công suất mới.
“Tất cả những điều này đang gây nên sự đối nghịch đối với cam kết quốc tế mà các bên đưa ra tại COP26”, ông Ben Backwell thẳng thắn nói.
Lãnh đạo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cũng cho rằng, năng lượng sạch nên được ưu tiên trong các lĩnh vực như đất đai, kết nối lưới điện và hợp đồng nhà nước do nhu cầu hệ thống định giá tương xứng giữa chi phí kinh tế xã hội và môi trường.
Thêm một dự án điện gió tại Trà Vinh, Việt Nam tiệm cận đến ‘năng lượng xanh’
Theo cơ quan vận động hành lang của GWEC, những năm qua, ngành điện gió thế giới đã tạo ra 837 GW, đứng đầu là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điều này đã góp phần giúp thế giới tạo thêm 1,2 tỷ tấn carbon dioxide hàng năm, tương đương với lượng khí thải carbon hàng năm của Nam Mỹ. Con số này dự kiến sẽ tăng 6,6% hàng năm trong 5 năm tiếp theo.
GWEC cũng làm một phép so sánh đáng chú ý, Trung Quốc, quốc gia đang thống trị mảng điện gió toàn cầu chỉ mất vài năm để đạt được năng lực khai thác ngoài khơi, trong khi châu Âu sẽ phải mất ba thập kỷ để phấn đấu thêm nữa.

GWEC sẵn sàng hợp tác với Việt Nam phát triển hơn nữa điện gió

Hôm 5/4 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với ông Mart Hutchinson – Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.
Tại đây, Bộ trưởng Diên cho biết, cam kết của Việt Nam ở COP26 đã thể hiện rõ quyết tâm của Hà Nội về chuyển dịch năng lượng nhưng để thay đổi từ điện than sang điện gió hoặc điện khí là cả một quá trình dài “với nhiều khó khăn và thách thức”.
“Điện than hay điện khí đều là nguồn điện nền rất quan trọng, để thực hiện được những cam kết của mình tại COP26, Việt Nam đang đi tìm những giải pháp vừa giảm được phát thải khí CO2 vừa tăng được năng lượng tái tạo nhưng vẫn bảo đảm cân đối các nguồn điện và bảo đảm được khả năng tài chính kinh tế của các đối tượng sử dụng điện”, lãnh đạo Bộ Công Thương nói.
Bộ Công Thương đề nghị GWEC hỗ trợ đưa ra những tư vấn chính sách đúng đắn và phù hợp với Việt Nam; tư vấn về nguồn tài chính với những ưu đãi lâu dài; công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư và hợp tác đầu tư trong sản xuất điện gió ngoài khơi cũng như trong chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp hỗ trợ cho điện gió ngoài khơi; xây dựng lưới điện thông minh, sản xuất năng lượng sạch như Hydrogen và Amoniac xanh hoặc các năng lượng sạch.
Xung đột căng thẳng dưới chân điện gió Vĩnh Châu, Sóc Trăng, vì sao?
Đáp lại, ông Mart Hutchinson cho biết, GWEC sẵn sàng cùng Bộ Công Thương tổ chức các hội thảo về lĩnh vực năng lượng tái tạo, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác vận hành, quản lý và phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững.
“GEWC cũng sẽ hỗ trợ về chuỗi cung ứng cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam”, ông Mart Hutchinson khẳng định.
Theo đại diện GWEC, Việt Nam cần xây dựng thêm hệ thống lưới điện nên việc thu hút nguồn vốn tư nhân vào lưới điện truyền tải là hoàn toàn có thể. Nhóm công tác của GWEC sẽ tìm hiểu Việt Nam cần làm gì để thu hút nguồn tài chính ưu đãi trong và ngoài nước, đồng thời đưa ra những đánh giá để cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc về nguồn vốn trong việc đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi cho quốc gia này.

Quy hoạch Điện 8 và phát triển điện hạt nhân của Việt Nam

Việt Nam vẫn tạm gác lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân của mình. Theo thông báo từ Văn phòng Chính phủ, dẫn kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) cho thấy, Hà Nội vẫn chưa xem xét phát triển các dự án điện hạt nhân.
Được biết, cuộc họp diễn ra ngày 14/3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Theo đó, Thường trực Chính phủ đánh giá Quy hoạch Điện 8 rất khó, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu sau Hội nghị COP26 và Việt Nam có cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Xung đột căng thẳng dưới chân điện gió Vĩnh Châu, Sóc Trăng, vì sao?
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Thường trực Chính phủ tiếp tục giao Bộ Công thương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến.
Chính phủ Việt Nam yêu cầu việc xây dựng quy hoạch phải bám sát các nghị quyết, kết luận có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cam kết quốc tế của Việt Nam tại COP26.
Bộ Công Thương được yêu cầu phân tích kỹ hiện trạng các nguồn năng lượng “từ rẻ nhất đến đắt nhất” và nghiên cứu xu thế trong thời gian tới, xác định nguồn ưu tiên, kiên quyết điều chỉnh đối với các nội dung chưa sát với thực tiễn, kém hiệu quả.
Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch cần cân đối cung - cầu theo vùng, miền và toàn hệ thống điện quốc gia phải tối ưu nhất, cơ cấu nguồn điện hợp lý và hiệu quả kinh tế chung cao nhất, giảm truyền tải điện xa và giảm đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng.
Với các kiến nghị của Bộ Công Thương, Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát kỹ, toàn diện hơn về phương án quy hoạch nguồn điện gắn các số liệu khách quan, dự báo giá năng lượng trong tương lai.
Bộ trưởng Công Thương: Khẩn trương xây dựng khung giá điện gió, điện mặt trời
Về năng lượng mặt trời, Chính phủ lưu ý, với các dự án điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh mà chưa triển khai thì đưa ra tiêu chí, điều kiện về giá mua điện, hiệu quả kinh tế, ổn định hệ thống điện quốc gia, cân đối vùng, miền để cân nhắc kỹ lưỡng thận trọng.
Riêng với điện mặt trời mái nhà đã được đầu tư đúng quy định, không lợi dụng cơ chế để trục lợi thì tính toán cân đối cho tiêu dùng điện, nhưng cần rà soát, kiểm tra lại, “cương quyết không hợp thức hóa cái sai”.
Đặc biệt, đối với chủ trương phát triển điện hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn và gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng, Chính phủ Việt Nam cho rằng, “cần tiếp tục nghiên cứu thành chuyên đề riêng” để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
“Chưa đưa vào tính toán cân đối trong Quy hoạch điện 8”, theo Văn phòng Chính phủ.
Thảo luận