Mặt khác, nó cũng cho thấy bộ mặt giả nhân, giả nghĩa một cách có hệ thống của Mỹ và phương Tây trong vấn đề nhân quyền.
Hôm thứ Năm 7/4, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 liên quan đến chiến sự Nga - Ukraina. Tại cuộc họp này, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Liên bang Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (UN CHR) với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. 24 phiếu chống là: Algeria, Belarus, Bolivia, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Trung Quốc, Congo, Cuba, Congo, Triều Tiên, Eritrea, Ethiopia, Gabon, Iran, Kazakhstan, Mali, Kyrgyzstan, Lào, Nicaragua, Syria , Tajikistan, Uzbekistan, Việt Nam, Zimbabwe.
Phóng viên Sputnik đã phỏng vấn Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng về sự kiện trên.
Một âm mưu chính trị nhằm chống lại Nga
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Hoàng, quyết định của Đại Hội Đồng LHQ đã nói lên điều gì?
Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng:
Đây là một trong những kết quả của những “màn kịch” được Mỹ, NATO và Ukraina tạo dựng ngày 3/4/2022 ở thị trấn Bucha và một số địa điểm xung quanh Kiev sau khi quân đội Nga rút khỏi các vị trí này. Bất chấp việc nhiều chuyên gia về hình ảnh đã vạch rõ những cảnh quay ngụy tạo trong một clip về các vụ tàn sát dân thường ở Bucha, nhiều quốc gia đã bị “mê hoặc”, hay ít nhất cũng chịu những sức ép không nhỏ từ Mỹ và phương Tây.
Nhìn vào kết quả bỏ phiếu, chúng ta đã thấy có những sự khác biệt rõ rệt so với lần bỏ phiếu lên án Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Đó là chỉ còn 93 quốc gia ủng hộ nghị quyết, nghĩa là chỉ còn 48,18% số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tức là chưa đủ 50% bỏ phiếu thuận. 24 quốc gia bỏ phiếu chống, chiếm 12,44%, (tăng hơn nhiều so với 2,59% cuộc bỏ phiếu trước đó). Có tới 58 quốc gia bỏ phiếu trắng, chiếm 30,05%. Tuy nhiên, theo Điểm 8 của Nghị quyết 60/251 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về quy chế hoạt động của UN CHR, một thành viên được cho là vi phạm nhân quyền rộng lớn và có hệ thống có thể bị bãi bỏ tư cách thành viên với 2/3 số phiếu chấp thuận của các đại biểu quốc gia có mặt và bỏ phiếu.
Đây rõ ràng là một âm mưu chính trị nhằm chống lại Nga. Hệ thống truyền thông khổng lồ của Mỹ và phương Tây một mặt lan truyền những thông tin giả mạo về việc quân đội Nga giết thường dân Ukraina; mặt khác, nó lờ đi hoặc che giấu các thông tin về việc Nga đã chuyển giao cho thường dân Ukraina tại các vùng chiến sự hàng chục nghìn tấn hàng hóa cứu trợ, đã mở hàng chục hành lang nhân đạo để người dân có thể thoát ra khỏi các vùng chiến sự một cách an toàn.v.v... Trong khi đó, hàng trăm vụ tàn sát thường dân tại Donbass của quân đội Ukraina mà điển hình dã man nhất là các phần tử Azov, Aida cũng như các nhóm quân Pravyi Sector* đều bị hệ thống truyền thông Mỹ và phương Tây che giấu và phớt lờ đi.
Nghị quyết này cho thấy càng ngày, Liên Hợp Quốc càng trở thành một tổ chức bị Mỹ và phương Tây lừa bịp, chi phối và thao túng, không còn giữ được tính vô tư và công bằng như khi thành lập. Mặt khác, nghị quyết này cũng cho thấy bộ mặt giả nhân, giả nghĩa một cách có hệ thống của Mỹ và phương Tây trong vấn đề nhân quyền. Điển hình là chỉ trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, chính Mỹ đã gây ra hoặc can dự trực tiếp vào hơn 20 cuộc xung đột vũ trang với các biểu hiện vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng.
Nghị quyết này còn chứng tỏ một tiền lệ rất xấu là dung túng cho những thế lực vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất như Mỹ và phương Tây lại có quyền phán xử đối với các quốc gia vốn hành động độc lập và tự chủ nhưng không tuân theo cây gậy chỉ huy của Mỹ và phương Tây. Nó cho thấy tính chất bá quyền trắng trợn của các thế lực đế quốc lại trỗi dậy để nô dịch, chèn ép các quốc gia khác nhân danh Liên Hợp Quốc, nhân danh nhân quyền.
Nhận thức rõ về các vấn đề này, Nga đã quyết định không tham gia tổ chức này nữa nhưng vẫn tiếp tục đóng góp cho các hoạt động nhân quyền theo cách của riêng mình. Đây là một quyết định đúng đắn khi một tổ chức vốn mang theo những sứ mệnh nhân đạo nhưng đã bị Mỹ và phương Tây vô hiệu hóa và sử dụng nhằm chống lại các quốc gia khác. Với việc rút lui sớm trước khi hết nhiệm kỳ 1 năm, Nga đã truyền đi một thông điệp rất rõ ràng rằng, phải-trái, trắng-đen đã bị đánh lộn sòng ở một cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc. Trong con mắt những người tỉnh táo, UN CHR ngày càng mất uy tín khi bị Mỹ và phương Tây thao túng.
Quan điểm rõ ràng của Việt Nam
Sputnik: Trong những lần bỏ phiếu trước liên quan đến các Nghị quyết về vấn đề Ukraina Việt Nam đã bỏ phiếu trắng. Lần này, Việt Nam cùng với 23 nước nữa bỏ phiếu chống. Ông có thể bình luận gì về điều này?
Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng:
Trong 20 năm trời từ sau khi thống nhất đất nước tới khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, phương Tây, Việt Nam từng là nạn nhân của các thủ đoạn lợi dụng nhân quyền từ Mỹ và phương Tây để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Và cho đến tận ngày nay, Việt Nam vẫn tiếp tục là nạn nhân của những thủ đoạn lợi dụng nhân quyền để chống phá ngày một tinh vi hơn, trắng trợn hơn, tráo trở hơn.
Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết về thực chất của vấn đề nhân quyền trên thế giới và hiểu rõ hơn ai hết rằng vấn đề nhân quyền từ lâu đã bị Mỹ và phương Tây lợi dụng để phục vụ cho những quyền lợi ích kỷ của họ, bất chấp đạo lý mà thực chất là lợi dụng nhân quyền giả tạo để chà đạp lên nhân quyền đích thực.
Chính vì vậy mà Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết bẩn thỉu này!
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang đã nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là các quyết định của các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động và mọi quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cần dựa trên thông tin được kiểm chứng.
Về Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
Khác với Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Human Rights Committee – HRC) là cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc chuyên giám sát việc thực hiện Công ước Quốc tế 1966 về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (United Nations Human Rights Council – UN HRC) là một tổ chức liên chính phủ do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chủ quản. Nó mới được thành lập từ năm 2006 từ tiền thân là “Ủy ban Liên Hợp Quốc về nhân quyền (United Nations Commission on Human Rights – UN CHR). Tính đến năm 2020, tổ chức này mới chỉ gồm 117 thành viên chứ không phải toàn bộ 193 thành viên Liên Hợp Quốc. Điều đáng chú ý là ngay trong Nghị quyết thành lập Hội đồng này, Mỹ cùng với Israel, Palau và Quần đảo Marshall đã bỏ phiếu chống và cho đến nay, họ vẫn không phải là thành viên của Hội đồng này.
Cơ quan điều phối hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ gồm 47 thành viên, được phân chia theo số lượng 13 đại biểu từ Châu Phi, 14 đại biểu từ Châu Á, 5 đại biểu từ Đông Âu, 8 đại biểu từ Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean, 7 đại biểu từ Tây Âu và các quốc gia còn lại.
* Tổ chức cực đoan và bị cấm ở LB Nga
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.