Theo đó, Bộ Công an đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ liên quan đại gia Trịnh Văn Quyết, hai cô em gái Trịnh Thị Thúy Nga - Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều lãnh đạo FLC như bà Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Quỳnh Anh, Bùi Hải Huyền.
Cơ quan điều tra xác định bằng âm mưu “lừa gà” để “úp sọt” các nhà đầu tư, ông Trịnh Văn Quyết đã kiếm lời hơn 530 tỷ đồng qua “thổi giá” rồi bán chui cổ phiếu họ FLC đạt gần 1.700 tỷ đồng.
Bộ Công an yêu cầu gì từ 8 ngân hàng liên quan ông Trịnh Văn Quyết?
Thông tin điều tra, tin tức mới nhất được cập nhật về ông Trịnh Văn Quyết.
Ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã có văn bản gửi 8 ngân hàng, hầu hết đều là những tên tuổi nhà băng lớn của Việt Nam về việc phối hợp điều tra các nội dung liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết.
Những nhà băng từng có mối liên hệ làm ăn với Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết được Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch...nhằm phục vụ công tác điều tra hành vi vụ án thao túng thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản gửi các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ mở tài khoản, sao kê tài khoản, sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch để phục vụ công tác điều tra vụ án liên quan đến Tập đoàn FLC.
Bộ Công an nêu rõ, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiến hành điều tra vụ án “Thao túng thị trường chứng khoản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoản BOS và các công ty có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCOCSĐT ngày 29/3/2022.
Do đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị 8 nhà băng trên phối hợp cung cấp những nội dung quan trọng như hồ sơ mở tài khoản; thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay (VNĐ và ngoại tệ) sao kê tài khoản; sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) từ năm 2016 đến nay của các tổ chức, cá nhân (khóa chiều ghi nợ đối với tài khoản cá nhân).
Đặc biệt, theo văn bản gửi các ngân hàng, Cơ quan điều tra đề nghị lãnh đạo 8 nhà băng phối hợp cung cấp nội dung thông tin trên đối với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, hai em gái ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga (Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) và Trịnh Thị Minh Huế (thành viên ban Kế toán Tập đoàn FLC), cũng như nhiều lãnh đạo FLC liên quan khác như bà Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Quỳnh Anh, Bùi Hải Huyền.
Cơ quan điều tra đề nghị các ngân hàng nói trên cung cấp ngày thông tin tài liệu theo nội dung trên từ ngày 1/12/2021 đến trước ngày 15/4/2022.
Ai đã giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết?
Trước đó, như Sputnik đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways) về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Vụ án xảy ra tại ra Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi thao túng thị trường chứng khoán xảy ra trong ngày 10/1/2022, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán” quy định tại Điều 211, Bộ luật Hình sự.
Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, đồng thời tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với nhiều đối tượng liên quan.
Đặc biệt, liên quan đến vụ việc này, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam em gái ông Quyết - bà Trịnh Thị Thúy Nga.
Bà Trịnh Thị Thúy Nga bị bắt tạm giam vì liên quan đến vụ Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thao túng giá chứng khoán. Được biết, bà Nga là em gái ruột ông Quyết.
Thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bà Trịnh Thị Thúy Nga là Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS.
Trước đó, ngày 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, cũng là em gái ruột ông Quyết) với vai trò đồng phạm giúp sức Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của Tập đoàn FLC, cánh tay phải đắc lực của ông Trịnh Văn Quyết cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền 70 triệu đồng.
Theo đó, bà Hương Trần Kiều Dung là thành viên HĐQT của một công ty đại chúng đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 5 công ty khác, vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 71/2017 ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng và Khoản 3 Điều 275 Nghị định số 155/2020 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Theo Ủy ban này, trong giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021, bà Hương Trần Kiều Dung là Thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đồng thời là thành viên HĐQT của 6 công ty khác.
Chiêu “lùa gà” và “úp sọt” nhà đầu tư của đại gia FLC
Kết quả điều tra ban đầu của Bộ Công an đã làm rõ được nhiều sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết, khẳng định hành vi "thổi giá" cổ phiếu với mục đích thu lời bất chính hàng trăm tỷ đồng, góp phần gây lũng đoạn thị trường.
Cơ quan an ninh Việt Nam xác định, hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022, ai cũng biết đây là phiên mà Chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu gây chấn động toàn thị trường.
Thông tin kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ông Trịnh Văn Quyết đã vẽ ra một “kịch bản” khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia “thổi giá” cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để thực hiện âm mưu “lùa gà” nhiều nhà đầu tư rồi “úp sọt” bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Cơ quan điều tra xác định, ông Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con, sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện “làm giá”.
Những cá nhân này tiến hành thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.
Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 liên tục tăng, thậm chí tăng kịch trần nhiều phiên và phiên tăng kỷ lục 24.000 đồng/cổ phiếu.
Cơ quan chức năng xác định, giá cổ phiếu FLC đã được nhóm thông đồng của ông Trịnh Văn Quyết thổi giá tăng hơn 64%.
Như đã biết, sau khi giá cổ phiếu FLC được nâng lên cao, ông Trịnh Văn Quyết đã dùng chiêu “úp sọt”, bằng việc chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu.
Tổng số cổ phiếu họ FLC của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Đáng nói, toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán “chui”, hoàn toàn không công bố trước khi thực hiện giao dịch.
Cơ quan điều tra tiết lộ, tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỷ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.
Rất may, ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ 74,8 cổ phiếu do ông Quyết bán ra và các nhà đầu tư đã trót mua số cổ phiếu này đã được hoàn lại tiền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động thị trường chứng khoán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy Bộ Tài chính và cơ quan chức năng làm sạch, thanh lọc thị trường chứng khoán, minh bạch công khai mọi thông tin để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật, cảnh báo sớm và có phương án xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh, bảo đảm an toàn thị trường.