Đại dịch COVID-19

Thủ tướng: Dịch Covid-19 được kiểm soát, số ca trở nặng và tử vong giảm qua từng ngày

Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhận định, dịch bệnh tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca bệnh nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm dần qua từng ngày.
Sputnik
Điều này có được là nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm ngừa vaccine của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; đồng thời, năng lực y tế của Việt Nam cũng đã dần được nâng lên, đáp ứng tốt hơn đối với yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên cả nước

Sáng 9/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự cuộc họp tại trụ sở Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại các điểm cầu địa phương có Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Bí thư tỉnh, thành Ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo ghi nhận, đến nay Việt Nam đã có hơn 10 triệu ca mắc Covid-19, trong đó gần 8,5 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca mắc trong cộng đồng vào tuần qua đã giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%.
So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ tử vong/lây nhiễm của 30 ngày qua đã giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này.
Ban Chỉ đạo đánh giá, dịch bệnh tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca bệnh nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm dần qua từng ngày.
Điều này có được là nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm ngừa vaccine của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; đồng thời, năng lực y tế của Việt Nam cũng đã dần được nâng lên, đáp ứng tốt hơn đối với yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đến đầu tháng 4, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 230 triệu liều vaccine phòng Covid-19; triển khai tiêm được hơn 207 triệu liều. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.
Hiện các tỉnh, thành phố trên cả nước đã chi 80.604 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 728.304 lượt người sử dụng lao động và trên 49,21 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Tuy vậy, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, cần tiếp tục làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đẩy mạnh truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới.
Đại dịch COVID-19
Từ 15/4: Việt Nam dự kiến tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-12 tuổi

Có tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca chuyển nặng, tử vong giảm sâu, song số ca mắc mới vẫn ở mức cao, trong khi năng lực hệ thống y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.
Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn thiếu vaccine để tiêm tăng cường cho người dân. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, giải trình về quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và các vấn đề liên quan, đưa ra dự báo tình hình để phòng chống dịch kịp thời, linh hoạt trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng trao đổi về chiến lược tiêm chủng vaccine sắp tới, nhất là đối với việc đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh.
Du lịch chữa bệnh sẽ lên ngôi sau dịch COVID-19

“Công tác phòng, chống dịch không có tiền lệ”

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, song tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Số ca trở nặng, tử vong giảm sâu, đặc biệt là trong 1 tháng vừa qua.
Nhờ kết quả đó, cả nước có điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực. Cả nước cũng đã mở cửa du lịch trở lại, phần lớn học sinh quay lại học tập tại trường, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, bám sát tình hình; đã tích cực rồi tích cực hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa; xác định trọng tâm, trọng điểm để ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định, quy chế hiện hành; bám sát tình hình thực tế để có các quy định, quy chế, quy trình, quy chuẩn phù hợp; đảm bảo thống nhất, tập trung, tránh mỗi nơi làm một kiểu. Đồng thời, tăng cường phối hợp và đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong phòng, chống dịch.

“Công tác phòng, chống dịch không có tiền lệ nên các bộ, ngành, địa phương phải linh hoạt và nhanh chóng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện tư duy và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; những vấn đề diễn ra mà chưa kịp tổng kết hoặc diễn ra ngoài dự báo thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm, vừa mở rộng dần”, - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Du lịch Việt Nam: Giải pháp nào cho khủng hoảng nhân sự trầm trọng hậu COVID-19?
Thảo luận