Lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao gây ra hệ lụy gì?

Ngày 10/4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng vừa qua, có tới hơn 208.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Sputnik
Theo cơ quan này, đây là điều đáng lo ngại, có thể tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước, nhất là trong bối cảnh dân số Việt Nam sẽ bắt đầu già hóa trong những năm tới.

3 tháng có hơn 208.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Sau hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Do đó, nhiều người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có thêm một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống qua giai đoạn khó khăn.
Một số người khác nhận bảo hiểm 1 lần vì không nắm rõ những lợi ích của việc hưởng lương hưu, cũng như chưa hiểu được tính nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết được khó khăn trước mắt, nhưng người lao động cũng đồng thời đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội ở tuổi già, độ tuổi dễ bị tổn thương nhất, khi sức khỏe suy yếu không thể lao động và dễ mắc bệnh.
Có trường hợp nhiều người nhận bảo hiểm xã hội một lần, sau đó lại muốn được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép thực hiện điều này.
Hợp tác về chính sách bảo hiểm xã hội với Hoa Kỳ: Việt Nam được gì?

Sẽ điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi không lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người lao động có quyền bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Một phương án khác được khuyến nghị là tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu, để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế khi về già.
Thời gian tới, Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu. Theo đó, thời gian được giảm có thể từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm.
Việc sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội như vậy được kỳ vọng sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời, người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, từ đó giúp bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Không bao giờ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, sau Tết Nguyên đán, nhất là từ tháng 3 và tháng 4/2022, lượng người từ các tỉnh thành tới TP.HCM tìm việc làm rất lớn.
Do không xin hoặc chưa xin được việc làm, đời sống của đại bộ phận người dân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do đó, họ nghĩ đến việc rút sổ bảo hiểm xã hội một lần.

“Lượng hồ sơ rút bảo hiểm xã hội rất lớn, bên cạnh người lao động ở TP.HCM, đặc biệt ghi nhận lao động ngoại tỉnh lên TP.HCM rút sổ bảo hiểm xã hội rất nhiều. Như ở các tỉnh lân cận gồm Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh chẳng hạn, trong thời gian qua họ tìm đến các quận huyện vùng ven của TP.HCM để rút bảo hiểm xã hội như quận 12, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức…”, - ông Mến cho biết.

Theo ông, tính đến hết 31/3, TP.HCM đã ghi nhận 37.000 người rút bảo hiểm xã hội. Đây là con số kỷ lục, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân người rút bảo hiểm xã hội được hưởng 50-60 triệu đồng, có người lên tới khoảng 300 triệu đồng. Một số trường hợp cá biệt được nhận khoảng 500 triệu đồng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành mẫu thẻ BHYT mới
Đây là người đóng bảo hiểm xã hội cao, và kéo dài trong nhiều năm. Theo ông Mến, số tiền này có thể giải quyết khó khăn trong một giai đoạn nhất thời nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội về lâu dài.

“Thực ra việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần như thời gian gần đây không mang đến lợi ích gì cả, mà chỉ có thiệt cho người lao động. Theo tính toán của chúng tôi, bình quân một người một năm phải đóng tiền bảo hiểm xã hội lên tới 2,64 tháng lương, nhưng khi rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần họ chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước 2014) và 2 tháng (sau 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động”, - ông Mến phân tích.

Bên cạnh đó, khi rút tiền bảo hiểm xã hội, người lao động cũng đồng thời tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Sau này, họ không được hưởng chế độ hưu trí và đặc biệt không còn được hưởng chế độ BHYT lúc ốm đau bệnh tật. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an sinh của chính bản thân người đó, đồng thời khiến họ phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, xã hội.
Lấy ví dụ, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi nghị quyết 116 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được thông qua, những người trước đó đã rút sổ bảo hiểm xã hội rồi thì không còn được hưởng chế độ nữa.
Theo ông Mến, tâm lý "cứ cầm tiền của mình trước đã rồi tính"… là mới chỉ thấy cái lợi, cái cần trước mắt mà quên đi cái ích lợi lâu dài hơn về sau.

“Và tôi xin khẳng định quỹ bảo hiểm xã hội không bao giờ bị vỡ cả, bởi có sự bảo trợ của Nhà nước, do đó người dân cần an tâm không nên rút sổ bảo hiểm xã hội 1 lần”, - ông Mến nhấn mạnh.

Theo ông, việc có rút sổ bảo hiểm xã hội hay không là quyền của người lao động. Vì vậy, cơ quan chuyên môn chỉ có thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội, LĐTB&XH, các kênh tổ chức công đoàn, cùng các sở ngành và địa phương.
Chỉ khi các cơ quan cùng vào cuộc, cùng thuyết phục người lao động tiếp tục đi làm, không rút sổ bảo hiểm xã hội một lần, coi việc tham gia bảo hiểm xã hội là tích lũy đảm bảo lương hưu sau này cho bản thân thì tình hình này mới có thể cải thiện.
Đại dịch COVID-19
Thủ tướng: Dịch Covid-19 được kiểm soát, số ca trở nặng và tử vong giảm qua từng ngày
Thảo luận