Xung quanh tình hình nợ xấu của Việt Nam

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến cuối năm 2022, nợ xấu của Việt Nam theo Nghị quyết 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng.
Sputnik
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là do ảnh hưởng của Covid-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản.

Nợ xấu của Việt Nam ra sao?

Tiếp tục Phiên họp thứ 10, sáng 14/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội (Nghị quyết số 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 một cách tóm tắt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sau gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.
Việt Nam: Tăng trưởng tín dụng năm 2017 ước đạt 18%, nợ xấu còn 9,5%
Bà Hồng khẳng định, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.
Lũy kế từ 15/8/2017-31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).
Lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến ngày 31/12/2021, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã mua được 339 khoản nợ theo giá trị thị trường đối với 193 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.723 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 11.822 tỷ đồng, thu hồi nợ đạt 120.738 tỷ đồng (bằng 66% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013-31/12/2021); tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.516 tỷ đồng; đồng thời, VAMC đã thu giữ, nhận bàn giao một số tài sản bảo đảm có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại tổ chức tín dụng.
Như vậy, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ ngày 15/8/2017-31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012-2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3.520 tỷ đồng/tháng).
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thẩm tra dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14.
Theo đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42.
“Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua theo Nghị quyết đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Kiểm soát nợ xấu

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ, các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước...
Các tổ chức tín dụng thiếu nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất; sẽ không khuyến khích, không huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phát sinh những tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng do còn có sự bất cập, thiếu đồng nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Việt Nam: Năm 2016 đã xử lý hơn 7000 tỷ đồng nợ xấu
Bà Hồng lưu ý, các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42, khi đó dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
“Như vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch Covid-19”, Thống đốc khuyến nghị.
Lắng nghe báo cáo, thảo luận tại phiên họp, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành Nghị quyết 42 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội.
Ông Hải cũng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương và các tổ chức tín dụng trong 5 năm qua đã triển khai thực hiện Nghị quyết.
“Quyết sách kịp thời và đúng đắn của Quốc hội, nỗ lực triển khai trong thực tế của Chính phủ và các cơ quan, đơn vị đã góp phần kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng”, ông Hải nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.
Cụ thể, về tổng kết thực hiện Nghị quyết 42, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần phân tích, làm rõ thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu và lưu ý các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng so sánh với các mục tiêu và kết quả tổng thể quy định tại Nghị quyết; thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu, ảnh hưởng của việc thu giữ tài sản đảm bảo của nợ xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị quyết đối với sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung; đánh giá kỹ hơn về các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khắc phục khi kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các mục tiêu, giải pháp hoàn thiện các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết để đảm bảo đầy đủ, thống nhất, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý tranh chấp tài sản trong các vụ án.
“Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết”, ông Hải bày tỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc bổ sung vào báo cáo tổng kết tiến độ, thời gian xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo trình Quốc hội xem xét, ban hành thay thế Nghị quyết số 42, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến luật hóa cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo (Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật quản lý thuế, Luật thi hành án dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính) trình Quốc hội chậm nhất là kỳ họp đầu năm 2023.

Hạn chế nợ xấu phát sinh từ bất động sản, trái phiếu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42, thống nhất áp dụng trình tự thủ tục rút gọn, thông qua Nghị quyết tại một kỳ họp, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp tháng 5/2022.
Về hình thức, thống nhất không ban hành nghị quyết riêng mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp.
Về nội dung, hiệu lực và thời hạn áp dụng của Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42: Thời hạn kéo dài đến ngày 31/12/2023; không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi đối tượng áp dụng so với Nghị quyết số 42.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và hồ sơ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra.
Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2022.
Kiểm toán Nhà nước được giao chuẩn bị báo cáo về nội dung thực hiện Nghị quyết 42 theo kế hoạch chương trình kiểm toán năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42.
Ông Thanh nhắc lại rằng, kết quả thí điểm đã chứng minh hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều chuyển biến quan trọng trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Qua nghiên cứu sơ bộ thì Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vướng mắc chủ yếu ở khâu thực thi.
“Cần làm rõ tổng số nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 là bao nhiêu, đã xử lý được bao nhiêu còn lại là như thế nào, kể cả nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu trong hệ thống khác, mà nội bảng là phải theo chuẩn mực”, ông Huệ lưu ý.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, báo cáo cơ quan thẩm tra chưa nói kỹ vấn đề này.
Ông Vương Đình Huệ đề nghị hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là do ảnh hưởng của Covid-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.
“Do vậy, cần đánh giá kỹ xem trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến đâu, từ đó mới xem xét cho kéo dài Nghị quyết 42 hay không, nếu có thì cho bao lâu”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết 42 này không thể tồn tại mãi được, đã có phương án cho xây dựng Luật Xử lý nợ xấu rồi mà sao vẫn đề xuất kéo dài.
Thảo luận