Đội thủy thủ của soái hạm được sơ tán. Bản thân chiếc tàu tuần dương mặc dù bị hư hại nhưng vẫn giữ được «tính ổn định» (tức là sức nổi). Đám cháy được cô lập, đã có quyết định kéo tàu về căn cứ, thế rồi trên biển phát sinh cơn bão mạnh và tuần dương hạm bị chìm khi đang được kéo đi.
Sơ lược tiểu sử
Tuần dương hạm tên lửa Cận vệ «Matxcơva» là con tàu dẫn đầu trong đề án 1164 «Atlant» của Liên Xô. Tàu được đóng tại nhà máy ở thành phố Nikolaev vào năm 1976 với tên gọi «Slava». Mốc hạ thủy là mùa hè năm 1979. Tàu tuần dương gia nhập hạm đội từ đầu năm 1983. Đến năm 1995, tàu được đổi tên, từ đó là soái hạm «Matxcơva».
Những con tàu tuần dương tên lửa của đề án «Atlant» là chiến hạm đa năng của vùng biển xa và đại dương. Tuần dương hạm được thiết kế dành để tấn công các tàu địch đơn lẻ và hải đội tàu nổi tấn công, để đảm bảo «sự ổn định chiến đấu» của các nhóm tàu thuộc Hạm đội Xô-viết. Ngoài ra, tuần dương hạm có thể chống lại tàu ngầm, giáng đòn tấn công vào bờ biển của đối phương và dành hỗ trợ hỏa lực khi tiến hành chiến dịch đổ bộ.
Ngoài tàu «Matxcơva», trong đội hình của Hải quân Nga còn có thêm 2 tàu thuộc đề án 1164. Một chiếc là «Nguyên soái Ustinov» thuộc phiên chế Hạm đội Bắc, chiếc thứ hai – «Varyag» - là soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương. Quả thật là còn thêm con tàu thứ tư của đề án này cũng đã được đóng và thậm chí còn được hạ thủy trước khi Liên Xô tan rã. Năm 1993, con tàu này chính thức gia nhập thành phần Hải quân Ukraina với mức sẵn sàng 95%, nhưng «quốc gia Ukraina độc lập» thế là vẫn không thể hoàn chỉnh con tàu để đưa nó vào vận hành.
Tổng lượng choán nước của các tàu tuần dương thuộc đề án «Atlant» là 11.300 tấn, chiều dài - 186 m, rộng - 21 m. Phạm vi hoạt động - 7.000 hải lý (11.270 km), có thể hoạt động tự chủ trong 30 ngày đêm, khả năng đi biển - không hạn chế. Tốc độ tối đa - 32 hải lý (59,3 km/h), vận tốc hành tiến trên biển khoảng 18 hải lý (33,3 km/h). Trạm điện của tàu là tuabin khí. Tổng công suất của tuần dương hạm ước tính «không dưới 90.000 mã lực». Cơ số thủy thủ đoàn là 680 người.
Kho vũ khí của tàu rất ấn tượng. 16 bệ phóng tên lửa hành trình. Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300F «Fort», hai hệ thống phòng thủ tầm ngắn «Osa-MA» (tương tự với hệ thống chiến đấu mặt đất). Giá treo pháo tự động: AK-130 hai nòng 130 mm và mấy khẩu AK-630 sáu nòng 30 mm. Ngư lôi 533 mm, máy ném bom phản lực dưới sâu RBU-6000. Đương nhiên có radar và các thiết bị tác chiến điện tử, trạm thủy âm, trực thăng Ka-27.
Hệ thống tên lửa phòng không “Osa”
© Sputnik / Alexey Suynnerberg
Danh sách chiến tích
Tuần dương hạm «Matxcơva» nhiều lần phục vụ ở khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải, đảm bảo an ninh cho hàng loạt sự kiện quốc tế quan trọng (và một lần, vào năm 1990, thậm chí bản thân con tàu còn là địa điểm tổ chức sự kiện). Vào tháng 8-9 năm 2008, tuần dương hạm tham gia «chiến dịch buộc chính quyền Gruzia vãn hồi hòa bình» (cuộc xung đột ở Nam Ossetia). Tháng 2 năm 2014, tàu yểm trợ đảm bảo tiến hành Thế vận hội Olympic mùa đông lần thứ 22 tại Sochi. Từ mùa thu năm 2015 đến đầu năm 2016, «Matxcơva» đã «thực hiện yểm trợ phòng không từ phía biển» cho căn cứ Khmeimim của Nga ở Syria. Mùa xuân cùng năm, tàu tuần dương được tặng giải thưởng cao quý là Huân chương Nakhimov (chỉ dành trao cho các thủy thủ và chiến hạm). Trong những năm 2018-2020 soái hạm «Matxcơva» trải qua quá trình đại tu, sửa chữa và hiện đại hóa toàn diện. Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, tàu tuần dương này tham gia «chiến dịch quân sự nhằm phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa Ukraina».
Theo bất kỳ cách nào cũng không thể coi «Matxcơva» là «cũ kỹ, không đủ sức chiến đấu, hạn sử dụng ngắn». Như đánh giá của giới chuyên gia, kể cả các chuyên gia nước ngoài, các tuần dương hạm kiểu «Atlant» dù chỉ một tàu đơn độc cũng đã dư sức chống lại cả cuộc tấn công tên lửa dữ dội, cũng như đánh chìm nhóm tấn công của tàu sân bay đối phương từ khoảng cách an toàn.
Xảy ra chuyện gì?
Thật đáng tiếc, trong bất kỳ hạm đội hải quân luôn có khả năng xảy ra những trường hợp khẩn cấp. Ngày 14 tháng 4 năm 2022 trên soái hạm «Matxcơva» bùng lên đám cháy với việc đạn dược phát nổ. Chiều 14 tháng 4, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin chính thức của Bộ Quốc phòng Nga:
«Hoả hoạn trên tàu tuần dương «Matxcơva» đã được khoanh vùng cô lập. Không có cháy nổ bên ngoài. Các điểm nổ đạn đã được dập tắt. Tuần dương hạm vẫn nổi. Hệ thống vũ khí tên lửa cơ bản không bị hư hại. Thủy thủ đoàn của tuần dương hạm đã được sơ tán đến các tàu của Hạm đội Biển Đen đang hiện diện trong khu vực».
Đã có quyết định kéo con tàu bị hư hại về căn cứ để tại đó sẽ xác định nguyên nhân gây ra sự cố. Tuy nhiên, thật không may, đúng lúc này Biển Đen lại bộc lộ đặc tính thay đổi thời tiết đột ngột.
Khuya 14 tháng 4, từ Bộ Quốc phòng Nga truyền đi thông điệp rất buồn:
«Khi tàu tuần dương «Matxcơva» đang được kéo về cảng căn cứ, do thân tàu bị hư hại vì cháy nổ, con tàu đã mất ổn định và bị chìm trong điều kiện biển động dữ dội».
Hiển nhiên, nguyên nhân của mọi thứ xảy ra sẽ được xác minh cụ thể.