Ông Vương Nghị thực thi bang giao láng giềng của Trung Quốc như thế nào

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn. Chuyên gia Piotr Tsvetov có bài viết nhân sự kiện này.
Sputnik

Âm hưởng từ tình hình Ukraina

Trước cuộc điện đàm với ông Bùi Thanh Sơn, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Trung Quốc đã đích thân gặp gỡ Ngoại trưởng các nước Nga, Afghanistan, Myanmar, nói chuyện điện thoại với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Campuchia và Indonesia, tiến hành chuyến công du đến Ấn Độ và Nepal. Trong quá trình những cuộc đàm phán này, chủ đề về các sự kiện ở Ukraina chắc chắn đã được nêu lên. Bắc Kinh ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Ukraina và giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Washington lên án lập trường này, cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc cần tác động đến Tổng thống Nga một cách kiên quyết hơn. Dường như Washington không hiểu rằng việc gây sức ép với Tổng thống Vladimir Putin không phải là thói quen của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vốn có quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện với LB Nga, thêm nữa bản thân Hoa Kỳ cũng phải gánh chịu phần lớn trách nhiệm về những gì đang xảy ra ở Ukraina. Xét theo tư liệu về những cuộc tiếp xúc kể trên của ông Vương, có thể thấy trong phần lớn trường hợp, các đối tác của Bắc Kinh thể hiện sự hiểu biết với quan điểm của Trung Quốc về Ukraina. Cụ thể, lập trường của Việt Nam về Ukraina gần gũi với lập trường của Trung Quốc.
Ông Vương Nghị: Trung Quốc sẽ không để xảy ra khủng hoảng như Ukraina trong khu vực

Điều gì cản trở phát triển tình nghĩa láng giềng hữu hảo

Đồng thời, Bắc Kinh lo ngại rằng Washington có thể gây sức ép với các nước láng giềng của Trung Quốc và tập hợp họ thành một liên minh chống Trung Quốc. Có cơ sở cho điều này. Hoàn toàn không phải là mọi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước châu Á đã được hoá giải. Và chính đó là lý do tại sao các nước trong khu vực đang cố gắng củng cố tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ. Chính sách ngoại giao của Mỹ trong khu vực đang triển khai theo hướng này và chẳng phải là không mấy thành công. Theo kết quả của cuộc thăm dò do Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore tiến hành, trong năm qua, Washington đã củng cố vị thế lập trường chống Bắc Kinh trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Vấn đề đầu tiên trong loạt trở ngại trên con đường phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp là tình hình xung đột ở Biển Đông. Tròn một tuần lễ trước cuộc điện đàm của ông Vương Nghị với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố kêu gọi tôn trọng chủ quyền của CHXHCN Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh ngừng quân sự hóa quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, mới đây Chính phủ Philippines đã công bố số liệu thống kê những hành vi sai trái của tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải của nước này, cụ thể là ở ngoài khơi bãi cạn Scarborough.
Biển Đông
Trong cuộc đàm đạo với đại diện các nước láng giềng, ông Vương đề cập đến việc thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Thế nhưng ở thủ đô các quốc gia Đông Nam Á nhiều người ngờ vực về khả năng ký kết văn kiện này, và tất cả chỉ bởi lập trường của Bắc Kinh - không muốn thấy trong văn kiện có điều khoản mà trong tương lai sẽ buộc Trung Quốc phải gánh chịu nghĩa vụ nào đó đối với lân bang hàng xóm.
Thương mại song phương có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Nhưng cả ở đây cũng không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Điểm nổi bật là Trung Quốc và ASEAN là những đối tác không bình đẳng. Tại hội nghị gần đây do tờ South China Morning Post đăng cai tổ chức, hàng loạt đại diện từ các quốc gia Đông Nam Á kêu gọi các nước láng giềng hành xử theo cách để Trung Quốc không thể trịch thượng coi họ là «đàn em».

Tầm quan trọng của «ngoại giao láng giềng» đối với Bắc Kinh

Ban lãnh đạo đảng Cộng sản và Nhà nước CHND Trung Hoa đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng. Bởi sự phát triển nội tại của Trung Quốc, thành quả đạt tới tham vọng «giấc mơ của dân tộc Trung Hoa» phụ thuộc vào sự ổn định biên giới và tình nghĩa láng giềng hoà thuận. Thuật ngữ «ngoại giao láng giềng» đã trở nên phổ biến trong từ điển quan hệ quốc tế của Trung Quốc. Những thuận lợi và trở ngại đối với việc thực hiện mục tiêu «ngoại giao láng giềng» đều được hiểu rõ ở Bắc Kinh. Ngay từ năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tuân thủ chính sách láng giềng hữu nghị và tương trợ lẫn nhau, xuất phát từ tiêu chí bình đẳng, «làm nhiều hơn những việc có thể chinh phục và sưởi ấm trái tim mọi người», phấn đấu để các nước láng giềng đối xử với Trung Quốc «hữu hảo hơn, thân thích hơn, với sự hiểu biết và hỗ trợ to lớn».
Bộ trưởng BNG Việt Nam và người đồng cấp Trung Quốc đã thảo luận những gì?
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang kiên trì biến chỉ thị của lãnh đạo nước mình thành hiện thực trong đời sống. Nhưng rõ ràng không dễ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các nước láng giềng dành cho Bắc Kinh. Ngoài những di sản của quá khứ chưa ai quên, ngày nay mục đích này còn gặp phải cản trở bởi sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài vào công việc của khu vực. Trong tương lai gần, các Ngoại trưởng Canada và Nhật Bản, những đồng minh trung thành của Hoa Kỳ, sẽ đến thăm Đông Nam Á. Có thể không cần nghi ngờ gì rằng động cơ chống Trung Quốc sẽ hiện diện trong những bài phát biểu của họ tại cuộc gặp đối tác. Các nhà lãnh đạo của ASEAN đang đứng trước lựa chọn khó khăn.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận