Phòng Giáo dục và Đào tạo khẳng định không trường nào chủ trương ép học sinh như thế, trong khi nhiều phụ huynh cho hay, họ đã quá mệt mỏi với căn bệnh thành tích trầm kha của ngành giáo dục.
Trường ở Hà Nội ép học sinh không thi lớp 10 vì lo thành tích
Vừa qua, trên các mạng xã hội xôn xao thông tin một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt (học yếu, học kém) phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10.
Một phụ huynh kể về vụ việc của con mình cho biết, cô em gái có con học lớp 9. Năm lớp 8 vẫn là học sinh giỏi, năm lớp 9 tổng kết 7,2.
“Hôm vừa rồi cô chủ nhiệm và 3 cô môn chính Toán, Văn, Anh, hiệu trưởng, hiệu phó gọi mẹ đến họp đưa ra phương án là cho con học trường tư, ký vào đơn không cho con thi tốt nghiệp vì sợ con không đỗ, ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường”, phụ huynh này thông tin.
Đoạn tin nhắn được chia sẻ rầm rộ trên Facebook, Zalo, nhiều người cho rằng, việc các trường tự sàng lọc là do bệnh thành tích và đánh giá thi đua vốn vẫn nhức nhối trong nền giáo dục.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên có sự việc “lạ lùng”, “khó hiểu” như thế này xảy ra ở Hà Nội. Trước đó, hồi tháng 5/2020, một phụ huynh có con học lớp 9 của trường THCS Thanh Trì (quận Hoàng Mai) hay trường THCS Phúc La (Hà Đông) từng phản ánh trong buổi họp phụ huynh rằng, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải viết đơn tự nguyện xin cho con không thi vào trường THPT công lập trên địa bàn.
Điều này không chỉ làm các em và phụ huynh bị tổn thương, nhiều người bức xúc cho rằng, có nhiều em vẫn đang rất nỗ lực, quyết tâm thi đỗ vào trường công nhưng giáo viên lại cho rằng với sức học ấy – hay “đầu đất” như cách các thầy cô vẫn hay chửi các em, thì khó mà thi đỗ được.
Cũng chính vì sự định hướng sai lệch này khiến nhiều em không được thi lên cấp 3, phải chọn học trường nghề hoặc bổ túc.
Tương tự như câu chuyện đang lan truyền trên các mạng xã hội, lý do ép học sinh không thi lên THPT là vì nhà trường sợ ảnh hưởng đến thành tích, nên các học sinh có học lực kém phải “tự nguyện” viết đơn cam kết xin không tham gia kỳ thi lớp 10 THPT.
“Trường không ép”
Ngày 20/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đã có báo cáo gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Cụ thể, theo báo cáo mà ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT Cầu Giấy gửi lên, “trường không có chủ trương như thế”.
Theo ông Anh, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy đã nhận được thông tin phản ánh trên mạng xã hội về việc Trường THCS Dịch Vọng, trường THCS Nghĩa Tân có tình trạng nhà trường yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường, đúp lại hoặc không dự thi vào lớp 10 THPT.
Ông Phạm Ngọc Anh khẳng định, Phòng GD&ĐT đã làm việc với Trường THCS Dịch Vọng và Trường THCS Nghĩa Tân cùng ngày (20/4) để xác minh thông tin.
Qua báo cáo của các nhà trường và kiểm tra hồ sơ tại trường, Phòng GD-ĐT Cầu Giấy báo cáo kết quả xác minh:
“Các trường không có chủ trương yêu cầu các học sinh học không tốt phải chuyển trường và không thi vào lớp 10 THPT”.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục Cầu Giấy, nhằm giúp đỡ những học sinh có học lực trung bình và yếu trong năm học các nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp cần có sự trao đổi với phụ huynh học sinh thường xuyên để có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
Trong năm học, số phụ huynh được các trường trao đổi rằng, trường THCS Dịch Vọng 44 phụ huynh/12 lớp, THCS Nghĩa Tân 21 phụ huynh/16 lớp.
“Nội dung các buổi trao đổi về tình hình học tập của học sinh và đề nghị các biện pháp phối hợp giữa phụ huynh học sinh và nhà trường, không có việc bắt học sinh phải chuyển trường và không thi vào lớp 10 THPT”, theo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy.
Đáng chú ý, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy cho hay, đơn vị thường xuyên chỉ đạo các trường nâng cao chất lượng dạy học và “tuyệt đối không ép buộc” học sinh có học lực trung bình, yếu kém chuyển trường, không được tham gia dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
“Ngay sau khi nhận được phản ánh trên mạng, Phòng GD&ĐT đã kiểm tra, rà soát và một lần nữa chỉ đạo các trường nghiêm túc thực hiện nội dung trên”, ông Ngọc Anh nói.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng nêu số liệu học sinh lớp 9 năm học 2021 - 2022 của các nhà trường. Theo đó, THCS Nghĩa Tân 16 lớp, 729 học sinh; THCS Dịch Vọng 12 lớp, 596 học sinh.
Số học sinh chuyển trường từ đầu năm đến nay: THCS Dịch Vọng 11 học sinh, THCS Nghĩa Tân 25 học sinh.
“Các học sinh chuyển trường đều theo nguyện vọng của phụ huynh do chuyển nơi cư trú, trong số các học sinh chuyển trường có cả những học sinh xếp loại học lực giỏi”, ông Phạm Ngọc Anh khẳng định.
Ông Anh còn nhấn mạnh, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy đã gọi điện để xác minh một số phụ huynh.
“Kết quả các phụ huynh đều khẳng định không có trường hợp nhà trường ép buộc chuyển trường”, ông Phạm Ngọc Anh tuyên bố.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng
Sáng nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10.
“Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Chiều nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tới toàn bộ các phòng GD&ĐT trên địa bàn.
Sở cũng đã nhận được thông tin dư luận xã hội phản ánh tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố có hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập năm 2021 - 2022 chưa cao không đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2022 - 2023.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có).
Đồng thời, quán triệt chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường THCS trên địa bàn “chấm dứt ngay” việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 và các năm tiếp theo (nếu có).
Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT là quyền, nhu cầu học sinh và cha mẹ học sinh.
Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không được mang tính chất ép buộc.
“Các trưởng phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra hiện tượng trên và kịp thời tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về Sở trước 15 giờ ngày 21/4”, lãnh đạo Sở nêu rõ.
“Đây là sự thật 100%”
Các bình luận trên mạng xã hội, các báo trong nước, dưới bài viết lan truyền về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải “đúp lại”, chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, nhấn mạnh, đây là sự thật 100% - không phải bây giờ mới có mà nó đã tồn tại rất lâu, ăn sâu, cắm rễ như bệnh thành tích trầm kha của nền giáo dục Việt Nam.
“Đây là sự thật 100%. Và sự thật này có từ lâu rồi. Nó luôn song hành với phụ huynh và học sinh quá nhiều năm tháng qua”, một người dùng mạng bức xúc.
Nhiều tài khoản lên án thực trạng “bệnh thành tích” đang ngày càng trầm trọng, nhìn từ các vụ tự tử của học sinh, đến thực tế các em bị đẩy vào vòng xoáy bị ép phải chuyển trường hay không được thi lên lớp 10 THPT công lập.
“Bệnh thành tích tồn tại từ xưa đến giờ. Thói ấy mãi không bỏ được. Cái bệnh thành tích nó ngấm trong giáo dục rồi, nên bỏ hết mấy cái thi đua khen thưởng rồi giáo viên dạy giỏi, trường đỗ kỳ thi 100%...”, một tài khoản nhấn mạnh.
Cho rằng, nhà trường, giáo viên “làm nghề giáo” mà như này thì nên xem lại, một người dùng mạng nhắc lại rằng, trước kia các cháu học yếu kém nhà trường tổ chức học bồi dưỡng, giờ thì cấm học, cấm thi.
“Làm thế để vừa có thành tích vừa nhàn cho giáo viên. Thế còn gì là giáo dục nữa. Như thế là vi phạm luật giáo dục và quyền trẻ em”, người viết thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Bệnh thành tích trong nền giáo dục Việt Nam
Tại tham luận gửi tới Hội thảo khoa học: “Thực trạng bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay: Giải pháp ngăn chặn, đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục” vừa qua tại Hà Nội, TS. Tạ Quang Đàm – ThS. Đỗ Thị Minh Nguyệt, Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Học viện Chính trị cho biết, bệnh thành tích trong giáo dục cho ra sản phẩm giả mạo, gian dối, che giấu chất lượng thấp bằng những nhãn mác in dấu chất lượng cao. Một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự.
Căn bệnh thành tích trong giáo dục khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Bệnh thành tích trong giáo dục khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.
“Các biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục đã và đang xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội”, các chuyên gia Việt Nam nhấn mạnh.
TS. Đàm chỉ ra nguyên nhân đầu tiên là do áp lực từ “trường chuẩn”. Muốn đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, các trường phải đạt rất nhiều tiêu chí cụ thể được quy định bởi Bộ GD&ĐT. Thế mới có tình trạng bằng mọi giá phấn đấu đạt trường chuẩn, rồi tình trạng “chạy trường”, “chạy lớp”. Hệ quả là nhiều trường được công nhận đạt chuẩn nhưng lại có lớp số học sinh/lớp học quá đông, chật chội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.
Đặc biệt, quy định khống chế tỷ lệ lưu ban, rồi áp lực “giữ chuẩn” để không “rớt chuẩn” khiến nhà trường và giáo viên buộc phải tìm mọi cách để cố “giữ chuẩn”, từ đó tạo áp lực học tập, phấn đấu rất lớn lên học sinh và xảy ra tình trạng một số trường học ở nhiều nơi “học sinh ngồi nhầm lớp”, thậm chí không được phép lưu ban.
Áp lực trường chuẩn còn đến từ nhiều hoạt động khác ngoài hoạt động giáo dục, cụ thể các trường chuẩn quốc gia buộc phải tham gia đầy đủ các phong trào cấp trên tổ chức, nhất là các phong trào mũi nhọn như thi Toán, tiếng Anh trên mạng, thi vở sạch chữ đẹp các cấp, thi sáng tạo trẻ...
“Sức ép thành tích, sức ép của cái mác trường chuẩn quốc gia không ai khác phải gánh chịu mà chính là giáo viên và học sinh cùng người nhà của họ”, ông Đàm nói thẳng.
Tiếp đó chính là sự háo danh. Đó là thành tích giáo dục giả, thành tích ảo, thành tích ngụy tạo, thành tích do tô hồng, thổi phồng mà có; hoặc có thể là thành tích “thật một nửa” nhưng cá nhân, tập thể đạt được không phải do sự nỗ lực, cố gắng trong thi đua có được mà để đạt được bằng mọi giá thông qua sự bắt tay giữa các “nhóm lợi ích”.
Bệnh thành tích trong giáo dục, bệnh này còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường còn những môn khác thì học cho xong, không cần đầu tư thời gian công sức học tập. Các chuyên gia còn chỉ ra nguyên nhân gây bệnh thành tích là tâm lý “ghen ăn tức ở” và “áp lực thi đua”.
Các nhà nghiên cứu kiến nghị, các cơ quan chức năng trong ngành giáo dục cần phải mạnh tay đưa ra các biện pháp để xóa bỏ loại bệnh thành tích bằng cách tăng cường kiểm tra giám sát đột xuất.
“Việc loại bỏ căn bệnh này không phải của riêng ai, mà là căn bệnh của tất cả mọi người, cần chung tay để một mai không còn bệnh thành tích trong giáo dục có đất để tồn tại”, TS. Tạ Quang Đàm đề xuất.