Việt Nam không còn là quốc gia “thấp cổ bé họng” và dễ bị bắt nạt

Việt Nam thăng hạng quyền lực mềm và là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN đạt được thành tích đáng nể này. Lá phiếu, vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế chứng minh một sự thật, họ không còn là một quốc gia “thấp cổ bé họng”.
Sputnik
Rõ ràng, kể từ khi đánh bại người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, khả năng tạo ảnh hưởng, vị thế, uy tín, tiếng nói của Hà Nội liên tục gia tăng trên trường quốc tế nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và đường lối ngoại giao khôn ngoan ủng hộ trật tự thế giới đa cực.

Việt Nam thăng hạng quyền lực mềm

Soft Power - “quyền lực mềm” là khái niệm do giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr., Đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên trong một cuốn sách xuất bản năm 1990.
Định nghĩa về quyền lực mềm, GS. Nye lý giải, đó là khả năng gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn, nhưng không cưỡng bức, ép buộc.
Việt Nam ở đâu trên bản đồ thương hiệu quốc gia và quyền lực mềm thế giới?
Quyền lực mềm trái ngược với “quyền lực cứng”, vốn chỉ dựa vào sức mạnh quân sự và áp đặt kinh tế. Để đánh giá quyền lực mềm đối với một quốc gia, cần phải căn cứ vào 3 yếu tố chính yếu - văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách (đường lối) của quốc gia đó.
Như Sputnik đã thông tin, năm ngoái, Việt Nam có sự bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng “quyền lực mềm” toàn cầu theo báo cáo Chỉ số quyền lực mềm của Brand Finance - Brand Finance Global Soft Power Index Report.
Theo đó, Brand Finance đánh giá uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên nhanh chóng, phần lớn nhờ chủ trương đúng đắn và phản ứng nhanh nhạy của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam gây ấn tượng trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, khi số ca mắc và tử vong ở mức “thấp đáng kinh ngạc” vào thời điểm Brand Finance tiến hành khảo sát.
“Việt Nam đã quản lý khá tốt mọi mặt về chiến lược, đặc biệt là hội nhập và liên kết của thương hiệu quốc gia và các thương hiệu trong nước”, ông Samir Dixit, Giám đốc phụ trách Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương nêu rõ.
Brand Finance cũng đã lưu ý, chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia được tổng hợp từ 5 tiêu chí chính, gồm tính phổ biến của thương hiệu quốc gia; Ảnh hưởng tổng thể của quốc gia; Danh tiếng tổng thể của quốc gia; Hiệu suất trên 7 trụ cột của “quyền lực mềm” (kinh doanh, thương mại, quản trị, quan hệ quốc tế, văn hóa và di sản, truyền thông và báo chí, giáo dục và khoa học, con người và giá trị); và Khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch Covid-19.
Cũng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN có sự dịch chuyển, thăng 3 bậc so với năm ngoái, từ vị trí 50 lên 47.
Tính riêng khu vực châu Á, ảnh hưởng của Việt Nam được xếp hạng 9. Tổng điểm của Việt Nam là 33,8/100, đứng trên nhiều quốc gia thuộc khối ASEAN như Philippines, Campuchia, Myanmar và đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Cần nhắc lại rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ở cương vị Thủ tướng Chính phủ, đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, nhằm tăng giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia, đồng thời đặt mục tiêu đưa phát triển mạnh mẽ hơn 1.000 sản phẩm thành thương hiệu quốc gia.
Các thương hiệu trong nước được quản lý và phát triển với nỗ lực đặc biệt trong chiến lược “Giá trị Việt Nam”.
Quyền lực mềm của Việt Nam khiến các cường quốc thế giới phải thay đổi thái độ
Chưa kể, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, hoàn tất tiến trình đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam.
Những điều này biến Việt Nam trở thành một yếu tố quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và nội vùng, đồng thời là yếu tố thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam, theo Brand Finance.
Theo chuyên gia của Brand Finance, chính những “Giá trị Việt Nam” này, những đóng góp kinh tế đã góp phần quan trọng trong tổng thể tăng trưởng và danh tiếng Việt Nam, làm tăng “quyền lực mềm” của Việt Nam.

Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng nhanh hàng đầu thế giới

Không phải ngẫu nhiên, vô cớ mà Brand Finance, đánh giá rất tích cực Việt Nam ở phương diện phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu.
Theo ông Thue Quist Thomasen, Thành viên Ban điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bằng giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia.
“Đây là hướng đi đúng đắn cho các quốc gia định hướng xuất khẩu, nhất là muốn chinh phục thị trường châu Âu”, đại diện EuroCham lưu ý.
Đúng thế, đó là chặng đường dài của đất nước, kết quả từ những nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, kể từ sau chiến tranh, nhất là sau công cuộc Đổi mới 1986.
Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Minh chứng rõ nhất - thứ hạng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng quan hệ song phương, đa phương trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng biến đổi nhanh chóng và khó lường.
Brand Finance từng đánh giá, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD).
Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia, giá trị nhất thế giới.
Việt Nam lại lập kỷ lục: Giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới
Đến năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh thế giới và tăng khoảng 21,69% so với năm 2020, từ 319 tỷ USD lên tới 388 tỷ USD.
Có thể nói, đây là một thành tích ấn tượng, nối dài giai đoạn 4 năm, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh của thế giới, thông qua chính những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp “Made in và Make in Vietnam”.

Những doanh nghiệp Việt ghi tên mình lên bản đồ thế giới

“Nâng tầm vị thế-chắp cánh bay xa” là chủ đề Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 năm nay.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình chính trị bất ổn đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực, kiên định đạt các mục tiêu cao nhất, vượt qua mọi khó khăn, vừa làm lợi cho mình, vừa đóng góp nâng cao hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế, ghi tên mình vào top những thương hiệu mạnh toàn cầu.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, trong cuộc trao đổi với TTXVN về đóng góp của doanh nghiệp trong công cuộc định hình và phát triển thương hiệu quốc gia, đã khẳng định, những năm qua, thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được gia tăng về giá trị và thứ hạng trên trường quốc tế, được nhiều tổ chức quốc tế uy tín ghi nhận.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại phát biểu tại hội nghị
Ông Phú nhắc lại, để đạt được thành công đó, ngoài yếu tố về kinh tế vĩ mô, chính trị, văn hóa, xã hội…còn có vai trò và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi giá trị thương hiệu và sự thành công trong xây dựng, quản trị phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp top đầu là những biến số đầu vào trọng yếu trong quá trình tính toán, thống kê giá trị thương hiệu quốc gia của các tổ chức quốc tế.
Cục trưởng Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho rằng, chính nhờ từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam liên tục gia tăng mạnh mẽ, cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam trong những năm qua.
“Điều này giúp thương hiệu hàng hóa Việt Nam được người tiêu dùng thế giới biết đến và công nhận rộng dãi hơn, ghi thêm điểm cộng cho giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam hàng năm”, ông Vũ Bá Phú nói.
Để dẫn chứng về điều mình vừa nói, ông Vũ Bá Phú cho hay, nếu như năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 84,7 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu là 39,8 tỷ USD và nhập khẩu là 44,9 tỷ USD, thì đến năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gần 800%, đạt mức 668,5 tỷ USD; xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD.
Nhờ thành tích ấy, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ghi nhận Việt Nam hiện đang đứng vị trí 20 trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, theo ông Phú, cùng với các chính sách vĩ mô của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực hưởng ứng và góp phần thay đổi tích cực cơ cấu các ngành hàng xuất khẩu. Từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay những sản phẩm hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… sang các nhóm hàng có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc, linh kiện…
Báo Trung Quốc bình luận về xe VinFast và tham vọng thương hiệu xe hơi quốc gia Việt Nam
Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2016, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu là 80,3%, đến năm 2020 là 85,2% và dự kiến năm 2025 sẽ tăng 90%. Hơn nữa, nhờ chú trọng đầu tư cho xây dựng, quản trị, phát triển thương hiệu nhiều doanh nghiệp Việt Nam được các tổ chức quốc tế uy tín xếp hạng trong Top các doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực trên toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.
Chẳng hạn như Viettel, Sputnik cũng từng đề cập, là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2022” (Global 500) và đứng ở vị trí 227.
Đồng thời, Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong top 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực.
Hay Vinamilk đứng thứ 8 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu năm 2021 theo xếp hạng của Brand Finance. Không chỉ đạt thứ hạng cao ở ngành sữa, Vinamilk đã chinh phục 2 bảng xếp hạng là Top 5 thương hiệu thực phẩm mạnh nhất toàn cầu và nằm trong top 30 của 100 thương hiệu thực phẩm giá trị nhất toàn cầu với vị trí thứ 27, tăng mạnh 9 bậc so với năm 2020.

Điều gì làm nên thành công của Việt Nam?

Giai đoạn 2016-2020, giá trị thương hiệu Việt Nam tăng 226% từ 141 tỷ USD (năm 2016) lên 319 tỷ USD (năm 2020), xếp thứ 33 trong top 100 thương hiệu mạnh thế giới.
Bất chấp dịch COVID-19, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng 33 trong danh sách này, đạt 388 tỷ USD giá trị thương hiệu, tăng 21,69% so với năm 2020, ông Phú nhắc lại.
Có thể thấy, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, để làm được kỳ tích ấy, cần có tổng hòa nhiều yếu tố. Theo đó, để đạt được những thành quả trên, trước hết là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đã tạo cho Việt Nam có uy tín cũng như vị thế trên trường quốc tế.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỉ USD
Tiếp đó, các bộ, ngành và địa phương, bằng việc thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ có chất lượng không chỉ ở thị trường trong nước mà cả trên thị trường quốc tế.
“Điều này góp phần thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong thời gian qua và đưa Việt Nam lọt vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh”, ông Phú tái khẳng định.
Đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị và vị trí của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Theo đại diện Bộ Công Thương, trong 2 năm qua, với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra, đi kèm đó là xung đột kinh tế, địa chính trị của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng với tính chủ động, sáng tạo vốn có của các doanh nghiệp Việt đã giúp các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm vị thế, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.

Nâng cao tính cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam

Theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, để xây dựng thành công một thương hiệu ở thị trường “khó tính”, ngoài vấn đề về chất lượng và sự khác biệt, doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm ở nước ngoài.
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá đây là việc quan trọng để đảm bảo thành công cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu ở nước ngoài.
“Nhiều doanh nghiệp ngại đăng ký vì thủ tục rườm rà, rắc rối, chồng chéo, đã tạo cơ hội cho tình trạng ăn cắp mẫu mã để làm giả, làm nhái khá phổ biến”, ông Phú phân tích.
Thêm vào đó, cần thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và có tính tiên phong trên thị trường.
Việt Nam ở đâu trên bản đồ thương hiệu quốc gia và quyền lực mềm thế giới?
Điều này là vô cùng cần thiết vì nếu không thực hiện thường xuyên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng xuất khẩu các sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của thị trường như thiết kế kích thước, màu sắc, kiểu dáng, qua đó, đánh mất tính cạnh tranh.
Ông Phú lưu ý thêm, cần tìm kiếm liên kết để xây dựng thương hiệu Việt như kết nối cung cầu, kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài sản xuất để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
“Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu ở nước ngoài, để từ đó giành nguồn lực phù hợp, coi chi phí cho hoạt động này là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị doanh nghiệp”, Cục trưởng Xúc tiến thương mại nêu rõ.
Về phía Bộ Công Thương, theo ông Phú, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2020 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 đến năm 2030, định hướng trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các hoạt động chính.
Cụ thể, Bộ sẽ thực hiện “thật tốt” kỳ xét chọn lần thứ 8 các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 và sẽ tổ chức Lễ công bố trong quý IV năm 2022. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.
“Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp, nhất là đáp ứng hệ thống tiêu chí của thương hiệu quốc gia Việt Nam”, ông Phú cho hay.

Quyền lực mềm và sức mạnh cứng

Việt Nam được biết đến là một quốc gia an toàn, yêu hòa bình và thân thiện. Người Việt thông minh, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác và cần cù ham học hỏi. Hình ảnh đất nước và con người được xây dựng tốt giúp Việt Nam dễ dàng thu hút đầu tư, tổ chức sự kiện toàn cầu (điển hình như APEC hay Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai) và hút khách du lịch quốc tế, từ đó mang lại cơ hội lớn cho phát triển kinh tế đất nước.
Đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế, ở Liên Hợp Quốc, các liên kết khu vực châu Á – Thái Bình Dương hay ASEAN đều góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Hà Nội.
Công bố 10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam
Trước đó, từng trả lời Brand Finance, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cũng tiết lộ 5 mục tiêu nhằm nâng cao quyền lực mềm của Việt Nam trong thập kỷ tới.
Thứ nhất là cần định hướng chiến lược thúc đẩy quyền lực mềm một cách hệ thống và dài hạn trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Thứ hai là cần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo - từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ ba, tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam. Thứ tư, công tác ngoại giao cần tập trung vào nâng cao năng lực và khẳng định vai trò "nòng cốt, dẫn dắt, trung gian" trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Thứ năm, ưu tiên đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.
“Bên cạnh việc xây dựng và phát huy sức mạnh mềm, Việt Nam cũng cần củng cố và hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo ra sức mạnh tổng hợp - sức mạnh thông minh- thể hiện vị thế địa chiến lược và địa kinh tế mới của quốc gia”, ông Phú đúc kết.
Thảo luận