Trong một diễn biến liên quan đến việc bảo đảm an ninh, tính ổn định của thị trường, sau khi bắt Đặng Như Quỳnh, Bộ Công an đang tiếp tục siết chặt các hành vi tung tin đồn thất thiệt, đưa tin thiếu kiểm chứng, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, môi trường kinh doanh.
IMF hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam
Ngày 21/4, Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Era Dabla-Norrisi đã đưa ra một số đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng, cũng như những cơ hội và thách thức của nền kinh tế Đông Nam Á này nói chung trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.
Theo bà Norris, IMF biểu dương phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan chức năng sau hàng loạt diễn biến nóng trên thị trường kể từ vụ bắt cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, đến khởi tố lãnh đạo Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng hay việc tạm giam ông Đỗ Thành Nhân, chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings như Sputnik đã đề cập trước đó.
Trao đổi với báo điện tử Chính phủ Việt Nam, đại diện IMF cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Thực tế, bên cạnh các khoản vay ngân hàng và tài chính ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh thực sự là nguồn tài chính dài hạn quan trọng cho đầu tư và thực sự hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của đất nước.
Tuy nhiên, ở đây, có hai vấn đề cốt lõi cần lưu ý, theo ý kiến của Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thứ nhất, một phần quan trọng của các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây liên quan đến thị trường bất động sản.
Thứ hai, tỷ lệ phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn hơn đáng kể so với trái phiếu phát hành đại chúng.
Trước những diễn biến “nóng” mới đây trên thị trường, IMF rất hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường tính công khai và minh bạch trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng cường điều tiết thị trường và cải thiện tổng thể việc giám sát, từ đó tăng tính minh bạch.
“Điều này thực sự giúp ích cho sự phát triển lâu dài của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cải thiện việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nhỏ lẻ khác”, đại diện IMF nêu rõ.
Việt Nam có động lực tăng trưởng vững chắc
Phân tích về sự phục hồi mạnh mẽ và ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong quý I/2022, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng Việt Nam đạt được kết quả tốt với mức tăng trưởng hơn 5% là nhờ ba yếu tố chính.
Trước hết, đó là thành tích trong chiến dịch tiêm chủng “rất ấn tượng” của Chính phủ Việt Nam.
Theo bà Norris, nhờ vào chiến dịch tiêm chủng này, Việt Nam đã có thể chuyển chiến lược sang chung sống với COVID-19, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.
Yếu tố thứ hai, theo đánh giá của IMF, thành công của Việt Nam là nhờ vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình giảm bớt tác động của đại dịch đối với các.
“Và yếu tố vô cùng quan trọng nữa là bởi Việt Nam có động lực tăng trưởng rất vững chắc trước đại dịch cùng với sự năng động của doanh nghiệp, người dân”, Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF khẳng định.
Dự báo thời gian tới, IMF kỳ vọng hoạt động xuất khẩu và sản xuất của khu vực chế biến chế tạo tiếp tục là trụ đỡ mạnh mẽ, các hoạt động dịch vụ và tiêu dùng sẽ phục hồi dần nhờ vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Rủi ro
Nhận định về những thách thức chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, IMF cũng phân tích ba vấn đề chủ chốt mà Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cần quan tâm.
Thứ nhất là căng thẳng giữa Nga và Ukraina tiếp tục leo thang, có thể đẩy giá hàng hóa nguyên liêu thô lên cao hơn nữa, gây thêm sức ép lạm phát ở Mỹ và ở châu Âu, đồng thời làm giảm cầu đối với xuất khẩu và dịch vụ du lịch của Việt Nam.
Dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm, đại diện IMF lưu ý, lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại quốc gia này, đẩy lãi suất lên cao và có thể tạo ra nhiều biến động hơn trên thị trường tài chính quốc tế và dẫn đến bất ổn định trong đầu tư quốc tế.
Cuối cùng, sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc do việc phong tỏa kéo dài (do Bắc Kinh quyết liệt kiên trì chính sách “Zero Covid”) có thể khiến giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của các quốc gia lân cận, và làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Dù tồn tại các thách thức, tuy nhiên, IMF tin tưởng việc quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo kế hoạch sẽ hỗ trợ sự chuyển dịch thương mại.
“Việt Nam đã mở cửa cho các hoạt động kinh doanh và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng”, bà Norrisi nhấn mạnh.
Về chiến lược dài hạn, bà Era Dabla-Norrisi khuyến nghị, Chính phủ cần cải thiện trong môi trường kinh doanh, thúc đẩy số hóa, nâng cao kỹ năng của người lao động hơn nữa.
“Rộng hơn là việc đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là giải pháp hiệu quả để Việt Nam phát triển”, chuyên gia của IMF nêu giải pháp.
Sau Đặng Như Quỳnh, Bộ Công an nhắm đến ai?
Trước đó, như Sputnik đề cập, đánh giá về quyết tâm thanh lọc và đảm bảo an ninh, an toàn của thị trường, nhiều chuyên gia đánh giá rất cao phản ứng nhanh chóng, dứt khoát và kiên quyết của nhà chức trách.
Theo đó, sự quyết liệt của Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện một quyết tâm xây dựng một thị trường tài chính, bất động sản lành mạnh, an toàn, hữu hiệu và bảo vệ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân, trong một thế giới nhiều biến động, nhiều cú sốc như hiện nay.
Liên quan đến hàng loạt biến động trên thị trường tài chính, chứng khoán những ngày qua, chiều 21/4, người phát ngôn Bộ Công an tiếp tục có những khuyến nghị ngăn chặn tình trạng tung tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, bảo đảm an ninh thị trường.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn Bộ Công an, việc có đối tượng tung tin đồn thất thiệt, đưa tin thiếu kiểm chứng trên không gian mạng, như đối tượng Đặng Như Quỳnh vừa qua đã tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Tướng Xô lưu ý, Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm An ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế xác định “Bảo vệ An ninh kinh tế là bảo vệ An ninh Quốc gia”.
Quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an (Đại tướng Tô Lâm – PV) đã quyết liệt chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh kinh tế.
Tướng Xô khẳng định, tất cả với tinh thần mọi hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh “đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, phát hiện.
“Có thể khẳng định, mọi tài khoản mạng xã hội, mọi hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng trên không gian mạng đều đang được lực lượng Công an rà soát”, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay.
Theo tướng Xô, những đối tượng, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có những hình thức xử lý nghiêm minh trong thời gian tới theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công an kêu gọi nhà đầu tư “tỉnh táo”
Thông tin về kế hoạch của Bộ Công an nhằm kiểm soát, hạn chế tung tin đồn thất thiệt, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự minh bạch của thị trường, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định, “có rất nhiều biện pháp bài bản”.
Theo tướng Xô, Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật, trọng tâm là Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành, củng cố cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý những hành vi đưa tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng, vi phạm pháp luật.
Tiếp đó, Bộ Công an đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến thực hiện pháp luật, để người dân hiểu, chấp hành pháp luật, không có các hành vi tung tin thất thiệt thiếu kiểm chứng, xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.
Cơ quan chức năng, theo người phát ngôn Bộ Công an, cũng đã tổ chức lực lượng, biện pháp, bao gồm cả biện pháp nghiệp vụ chuyên biệt để thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ về các hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, giáo dục, thuyết phục những đối tượng có hành vi đưa tin sai sự thật.
Tiếp đó, cần nhắc đến việc Bộ Công an kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính và hình sự đối với những đối tượng có hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh.
“Bộ Công an khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo, không bị tác động bởi các tin đồn thất thiệt, chưa được kiểm chứng, theo dõi sát thông tin từ các nguồn chính thống”, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Bộ Công an đề nghị cần cảnh giác với thông tin lợi dụng việc cơ quan chức năng xử lý một số doanh nhân có hành vi vi phạm pháp luật vừa qua để tung tin thất thiệt, mục tiêu chống Đảng, Nhà nước, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Thông tin về hình phạt với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt, gây loạn thị trường, tướng Xô cho biết, với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, tùy theo mức độ vi phạm pháp luật có thể xử phạt hành chính hay hình sự.
Nếu là hành chính, sẽ áp dụng theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Trong khi đó, nếu phải xử lý hình sự, các đối tượng có thể bị cáo buộc tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.