Các biện pháp trừng phạt tiếp theo có thể bảo gồm lệnh cấm vận nhập khẩu titan của Nga - một nguyên liệu thô quan trọng của ngành hàng không vũ trụ. Trong trường hợp này, họ sẽ phải cắt giảm sản xuất và sử dụng những chiếc máy bay hiện có. Boeing cho biết họ đã ngừng mua titan của Nga. Tuy nhiên, Airbus chưa sẵn sàng hành động thiếu cân nhắc để noi gương đối thủ cạnh tranh từ bên kia bờ đại dương.
Tìm ở đâu
Nhà sản xuất titan VSMPO-Avisma của Nga cung cấp 1/3 thành phần titan cho hãng Boeing và lên tới 60% cho Airbus, và đáp ứng gần như hoàn toàn nhu cầu của Embraer Brazil. Vào đầu tháng 3, Boeing đã ngừng mua titan từ Nga. Họ giải thích rằng, hãng hiện có những "nguồn dự trữ đáng kể", trong số những thứ khác, nhờ vào việc tạo ra một nhóm các nhà cung cấp trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, theo Wouter Van Wersch, người đứng đầu bộ phận kinh doanh châu Âu của Airbus, hãng vẫn có ý định tăng sản lượng dòng máy bay thân hẹp A320 lên đến ít nhất 65 chiếc mỗi tháng vào giữa năm 2023. Và sau khi tính toán hậu quả của lệnh cấm vận, hãng châu Âu đã từ chối noi gương Boeing.
Theo Giám đốc điều hành của Airbus Guillaume Faury, nếu lệnh cấm vận có hiệu lực, các kho dự trữ sẽ sắp hết. Do đó, nhà sản xuất máy bay kêu gọi châu Âu không trừng phạt titan.
Airbus đã thiết lập sự hợp tác với VSMPO-Avisma từ những năm 1990. Ở giai đoạn đầu, họ chỉ mua nguyên liệu thô. Sau đó, Airbus bắt đầu mua các bán thành phẩm luyện kim có giá trị gia tăng. Đây là những sản phẩm hoàn chỉnh sau khi dập và gia công.
Titan là kim loại rất bền và nhẹ. Các thành phần quan trọng nhất của máy bay, chẳng hạn như càng hạ cánh và thanh chắn chỉ được làm từ titan. Lưỡi, đĩa và các bộ phận khác của động cơ máy bay được làm bằng hợp kim titan chịu nhiệt.
Không có gì để thay thế
Tập đoàn Boeing của Mỹ dựa vào các nhà cung cấp khác từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Kazakhstan. Các công ty Toho Titanium và Osaka Titanium của Nhật Bản là những nhà sản xuất lớn nhất sau VSMPO-Avisma của Nga đang ở mức khởi đầu thấp. Toho Titanium báo cáo rằng, họ đang tăng cường sản xuất trong bối cảnh nguồn nguyên liệu thô từ Nga bị thiếu hụt và bị từ chối. Đơn đặt hàng của họ tăng 20%.
Tuy nhiên, các lựa chọn thay thế cho châu Âu là cực kỳ hạn chế.
Leonid Khazanov, một chuyên gia công nghiệp độc lập, giải thích: “Ví dụ, các công ty của Kazakhstan và Nhật Bản chỉ cung cấp tấm titan xốp chứ không phải các sản phẩm cán (bán thành phẩm được làm từ các hợp kim làm từ titan). Các công ty của Mỹ và Trung Quốc cũng không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của ngành công nghiệp chế tạo máy bay châu Âu vì họ phải hoàn thành các hợp đồng với Boeing, Bombardier và những khách hàng khác".
Lệnh cấm vận với titan của Nga sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các nhà sản xuất máy bay mà còn đến các nhà cung cấp chính của họ, ví dụ, Hãng hàng không vũ trụ Aernnova của Tây Ban Nha đang hợp tác với SpaceX và nhà sản xuất động cơ Safran - một đối tác của Airbus. Các nhà sản xuất máy bay của EU chỉ đơn giản là sẽ không có khả năng thực hiện kịp thời các đơn đặt hàng, tải trọng của doanh nghiệp sẽ giảm, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự.
Những lời nói suông
Theo giới quan sát, ngay cả tập đoàn Boeing từng đưa ra tuyên bố chính trị lớn, cuối cùng sẽ quay trở lại với titan của Nga. Còn Matxcơva trong bất kỳ kịch bản nào sẽ không bị thiệt hại.
"Kim loại sẽ nằm yên lặng trong nhà kho, titan không phải là dầu hay khí đốt. Ngoài ra, ngành công nghiệp-quốc phòng của Nga đang có nhu cầu lớn về titan. Và trong ngành hàng không dân dụng, sản lượng sẽ giảm", - nhà phân tích độc lập Dmitry Adamidov lưu ý.
Ông Adamidov cho rằng, trên thực tế, tập đoàn của Mỹ đã đưa ra quyết định này do tình hình kinh tế chung. Các đơn đặt hàng máy bay có thời gian xử lý rất dài, và trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đình trệ và có các vấn đề do các lệnh trừng phạt chống Nga, nhu cầu máy bay dự kiến sẽ không cao. Do đó, hiện tại, Boeing thực sự có đủ dự trữ trong kho. Tuy nhiên, chuyên gia Adamidov chắc chắn rằng, ngay sau khi tình hình thay đổi, Boeing sẽ âm thầm khôi phục hợp tác với Nga.
"Lệnh cấm vận với titan của Nga có thể làm sụp đổ ngành hàng không châu Âu. Có khả năng họ sẽ không đi xa hơn những lời nói. Nếu không, các quan chức Brussels sẽ phải đối phó với những nhân viên ngành hàng không giận dữ xuống đường biểu tình", - chuyên gia Khazanov lưu ý.
Còn ngành công nghiệp titan của Nga luôn có khả năng chuyển hướng sang các khu vực và ngành công nghiệp khác - đóng tàu, năng lượng hạt nhân và công nghiệp hóa chất.