Từng có quan điểm rằng, Việt Nam dựa vào quan hệ thân tình với người láng giềng anh em để “bao thầu” nông sản giá rẻ của Campuchia, tuy nhiên, cần khẳng định, đây là quan hệ thương mại công bằng.
Campuchia cũng đang hưởng lợi rất nhiều từ hợp tác kinh tế với Việt Nam (điểm trung chuyển cực kỳ quan trọng), nhất là trong việc đưa hàng hóa tiến rộng hơn ra thị trường thế giới.
Việt Nam là bạn hàng lớn thứ ba của Campuchia
Thương mại Campuchia-Việt Nam tăng 13,6% trong quý 1, đây là thông tin được Bưu điện Phnom Penh (Phnompenh Post) đăng tải tham chiếu số liệu từ Tổng cục Hải quan nước này.
Theo số liệu Hải quan, tổng trị giá thương mại song phương giữa Campuchia và Việt Nam đã đạt mức trên 1,72 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022, tăng 13,6% so với mức 1,51 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Từ tháng 1 đến tháng 3, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đạt 758,81 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 963,23 triệu USD, tăng 22,7%, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và Thuế của Campuchia (GDCE) ghi nhận.
“Điều này có nghĩa là thâm hụt thương mại của Campuchia với Việt Nam trong quý đã vượt qua 204,4 triệu đô la, đánh dấu mức tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái”, theo cơ quan Hải quan Campuchia.
Theo GDCE, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia sau Trung Quốc (2,87 tỷ USD) và Mỹ (2,22 tỷ USD).
“Không ai lợi dụng ai”
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia (CCC) Lim Heng nói với tờ The Post rằng thương mại giữa Chính phủ hai nước và người dân sống dọc biên giới đang có xu hướng đi lên ổn định trong những năm gần đây.
Theo ông, tăng trưởng xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam chủ yếu nhờ vào các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cao su, vừng, ngô, các loại đậu Faboideae (như lạc, đậu tương và đậu xanh) và hạt điều.
“Việt Nam là một trong những thị trường chính của Campuchia”, ông Lim Heng cho hay.
Hai nước đã cam kết thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên hơn 10 tỷ đô la. Được biết, cây trồng sẽ là mặt hàng quan trọng để Campuchia tăng lợi thế xuất khẩu sang Việt Nam.
“Việt Nam cũng là điểm trung chuyển cho hàng hóa xuất khẩu của Campuchia ra thị trường quốc tế”, ông Heng lưu ý về vị thế quan trọng của Hà Nội.
Mới đây, Campuchia đã quyết định ra hạn định 3 tháng để hoàn thiện dự án nghiên cứu tuyến đường cao tốc huyết mạch kết nối với Việt Nam.
Theo đó, phía Campuchia đang nghiên cứu dự án đường cao tốc dài 135km nối thủ đô Phnom Penh với cặp cửa khẩu quốc tế Bavet (tỉnh Svay Rieng) - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh, Việt Nam).
“Đây là tuyến đường huyết mạch, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Campuchia”, ông So Victor, Quốc vụ khanh Bộ Giao thông công chính Campuchia nêu rõ.
Cao tốc Phnom Penh - Bavet dự kiến sẽ rộng 25,5m với hai làn xe mỗi chiều, xuất phát từ đường vành đai ba của Phnom Penh, chạy qua các tỉnh Kandal, Prey Veng và Svay Rieng, đến điểm cuối là thành phố Bavet giáp biên giới Việt Nam.
Dự án đường cao tốc huyết mạch này hướng tới tăng cường kết nối và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia, đặc biệt tập trung đẩy mạnh xuất, nhập khẩu song phương.
Trung Quốc vẫn đầu tư rất mạnh vào Campuchia
Campuchia vốn là quốc gia mạnh về sản xuất nông nghiệp.
Người láng giềng phía Tây Nam này chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang Việt Nam, trong khi các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm thép và vật liệu xây dựng, dầu, rau quả, phân bón và máy móc nông nghiệp.
Bộ trưởng Nông nghiệp Veng Sakhon cho biết trong một tuyên bố vào cuối tháng 12 rằng nhiều công ty tư nhân Việt Nam đang đầu tư vào sản xuất, chế biến và đóng gói các sản phẩm nông nghiệp ở Campuchia để xuất khẩu sang Việt Nam và các nước khác.
Trong đó, các sản phẩm như thóc, sắn (tươi và khô), ngô, hạt điều, xoài, chuối và cao su là những mặt hàng chủ lực tham gia vào các liên doanh này.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, thương mại quốc tế của Campuchia đạt 13,1 tỷ đô la, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái (từ 12,064 tỷ đô la), theo số liệu thống kê của GDCE.
Xuất khẩu của Campuchia lên tới 5,717 tỷ đô la, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái (từ 4,549 tỷ đô la), trong khi nhập khẩu trị giá 7,446 tỷ đô la, giảm 0,9% (trước đó là 7,515 tỷ đô la).
Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) ước tính tính đến cuối nửa đầu năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trị giá 39 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm thị phần lớn với 44,2%.
Đứng thứ hai là Hàn Quốc (10,6%), Việt Nam (6,3%) đứng thứ ba trong xu hướng dòng vốn FDI đổ vào Campuchia.
Tiếp đó là Singapore (6,2%) và Nhật Bản (5,8%). Ngoài ra, Malaysia, Thái Lan, Anh, Canada và Mỹ cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này.