“Không có đối thủ ở EU”: Thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội từ xung đột Nga - Ukraina

Việt Nam hiện “không có đối thủ” xuất khẩu tôm và cá tra sang châu Âu, tuy nhiên, cần nhiều “đòn bẩy” hơn nữa để các mặt hàng thủy sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường EU, tận dụng tối đa lợi thế của EVFTA.
Sputnik
Các chuyên gia cũng cho rằng, xung đột Nga – Ukraina sẽ làm lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong việc giành thị phần cá thịt trắng tại EU.

Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng

Cập nhật số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã cán mốc 1,02 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 60% so với tháng trước đó.
Đây là lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng.
Trong đó, hàng tăng mạnh sang Trung Quốc 123%, Nhật Bản tăng 82%, thị trường EU (27 nước thành viên) tăng 62% và Mỹ tăng 57%.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết Quý I/2022, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 2,52 tỷ USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 788 triệu đô la Mỹ.
Thủy sản Việt Nam thuận lợi sang EU nhờ EVFTA
Điều đáng mừng là xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính của Việt Nam đều tăng cao. Điển hình như sang thị trường Mỹ đạt 574 triệu USD, tăng 70,8%; sang Nhật Bản đạt 347 triệu USD, tăng 13%; sang EU đạt 297 triệu USD, tăng 57,4%.
Báo cáo của cơ quan Hải quan cũng cho thấy, tính riêng tại thị trường Trung Quốc, 3 tháng đầu năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 326 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 167 triệu USD.
Xuất khẩu nhóm hàng thủy sản cũng đóng góp lớn thứ 4 vào tăng xuất khẩu của cả nước so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Hiệp hội Chế biển và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, nhiều mặt hàng thủy hải sản trong Quý I năm nay tăng trưởng mạnh, nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu chung tăng cao.
Đơn cử như xuất khẩu tôm thành công rực rỡ với kim ngạch đạt gần 955 triệu đô la, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, tính chung quý I/2022.
Cộng thêm, xuất khẩu cá ngừ trong 3 tháng đầu năm nay đạt hơn 259 triệu đô la, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Theo VASEP, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Quý 1/2022 tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu cá tra đang tăng trưởng dương từ hai tới ba con số.
“Xuất khẩu thủy sản Quý I/2022 đạt kết quả cao nhất so với Quý I hàng năm từ trước tới nay, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt”, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định.

Tôm, cá tra Việt Nam “không có đối thủ ở EU”

Như Sputnik đề cập, Liên minh châu Âu xưa nay vẫn được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam.
Thị trường EU hiện có dung lượng lên đến 50 tỷ USD/năm, nhưng Việt Nam chỉ mới chiếm 1/50 trong tổng dung lượng này.
Ngày 25/4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội thảo trực tuyến về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.
Nga và Việt Nam đạt được thỏa thuận về chứng nhận xuất khẩu thủy sản từ LB Nga
Phát biểu tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài cho rằng, nhu cầu tiêu thụ và tốc độ tăng trưởng của thị trường EU đối với các sản phẩm tôm, cá Việt Nam là rất lớn.
Theo ông Tài, thực tế cho thấy, vào đầu mùa hè và mùa thu, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại EU tăng mạnh. Do đó, các doanh nghiệp phân phối, trung chuyển tại châu Âu thường đẩy mạnh nhập khẩu trước thời điểm này.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại tại Thụy Điển kiêm nhiệm Phần Lan, Iceland và Latvia, mặc dù Bắc Âu có mức tiêu thụ tính bình quân trên đầu người cao nhưng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này không đáng kể. Tuy nhiên, nếu không tính nhập khẩu nội khối thì Việt Nam xuất khẩu sang EU chỉ sau Trung Quốc.
Đặc biệt, thuế nhập khẩu tôm của Việt Nam được giảm về 0% trong thời gian từ 3 - 5 năm. Trong khi đó, thuế tôm chân trắng của Thái Lan, Ecuador là 12%.
“Hiện tại, Việt Nam không có đối thủ xuất khẩu cá tra sang Bắc Âu nhưng kim ngạch vẫn thấp do đây là thị trường nhỏ, địa lý xa xôi. Bởi vậy, đa phần đều nhập khẩu từ Việt Nam thông qua các thị trường khác như Hà Lan, Đức, Bỉ, Pháp. Đối với mặt hàng tôm, đây là thuỷ sản chủ lực của Việt Nam sang Bắc Âu và lớn thứ 2 sang EU”, bà Thúy nói.
Cũng như vậy, thuế cá tra đông lạnh Việt Nam được EU giảm về 0% trong 3 năm, trong khi thuế của Indonesia là 5,5%, của Trung Quốc là 9%.
Ngoài tôm và cá tra, các loại thủy sản khác như hàu, sò điệp, bạch tuộc từ Việt Nam nhập vào EU cũng được giảm ngay về 0%. Nhà chức trách đánh giá đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.

Xung đột Nga – Ukraina giúp thủy sản Việt Nam hưởng lợi

Xung đột Nga - Ukraina cũng mở ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam.
Theo đó, nguồn cung cá thịt trắng tại Việt Nam hiện được EU lựa chọn thay thế cho nguồn cung của Nga, trong bối cảnh nước này đang bị cấm vận thương mại.
Thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19
Bà Lê Hoàng Thúy thông tin, tại các siêu thị ở Bắc Âu, ngày càng có nhiều nguồn cung cấp các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn. Các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn được nhập khẩu từ sản phẩm thô, sau đó, được gia tăng giá trị bởi các công ty chế biến thực phẩm. Khi ngày càng có nhiều người mua các sản phẩm tiện lợi, các doanh nghiệp chế biến sẽ tăng mua sản phẩm thô.
“Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nếu có thể cung cấp cho bên chế biến một sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và dễ dàng gia công, chế biến hoặc cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn cho thị trường”, bà Lê Hoàng Thuý gợi ý.
Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Vaseppro thuộc VASEP, sản lượng cá tra Việt Nam có năng suất cao, giá thành rẻ.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU bắt đầu hồi phục từ năm 2021 và tăng mạnh từ năm 2022.
Trong đó, tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ lực. Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Nguồn nguyên liệu trong nước hiện này được đánh giá là dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.

Rộng cửa cho thủy sản Việt Nam vào EU

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD. Trong đó, Mỹ là khách hàng lớn nhất với hơn 2 tỷ USD, xếp thứ 2 là Trung Quốc với gần 1,2 tỷ USD và EU đứng thứ 3 với 1 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 12%.
Theo ông Lê Hoàng Tài, thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021.
Riêng thị trường EU sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021.
Thủy sản Việt Nam đang ‘thắng lớn’ ở châu Âu
Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.
Có thể thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt hiệp định EVFTA. Theo VASEP, tôm sú Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn cả nhờ các ưu đãi thuế quan mà hiệp định này mang lại.
“Sản phẩm của Việt Nam được người dân EU nhận xét là tươi ngon, đồng thời số lượng sản phẩm đạt chứng nhận ASC cũng đang gia tăng”, VASEP nhấn mạnh.
Các cơ sở chế biến tại Việt Nam hiện có tổng công suất thiết kế là 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trên thực tế, hiện mới chỉ khai thác 70% nên vẫn còn dư công suất để gia tăng sản lượng.
Các doanh nghiệp Việt đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ mới trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến sản phẩm, đạt tiêu chuẩn chứng nhận của các thị trường cao cấp.
Hiện nay, công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đạt trình độ tiên tiến hàng đầu thế giới trong khi các nước khác phần lớn sản phẩm vẫn là nguyên liệu thô.
“Nhờ nắm bắt đúng xu hướng phát triển của thị trường nên tiềm năng của sản phẩm Việt Nam ở thị trường EU sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Với lợi thế về các hiệp định tự do thương mại với EU lại càng tăng thêm khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt”, Thanh Niên dẫn lời ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho hay.

Covid-19 khiến người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe hơn

Bà Lê Hoàng Thúy cho hay, dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng chú trọng hơn đến sức khỏe và ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm.
Do đó, các cơ chế đảm bảo về quy trình sản xuất và xuất xứ của thủy sản ngày càng trở nên quan trọng. Việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản đang trở thành một cơ chế đảm bảo phổ biến trong ngành thủy sản và người mua ngày càng yêu cầu nhiều hơn.
Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Bắc Âu đạt hiệu quả cao, bà Lê Hoàng Thuý đề xuất doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung.
Cùng đó, doanh nghiệp phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản Cafatex, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể dễ dàng chạm ngưỡng 10 tỷ USD, thậm chí là 20 tỷ USD sớm hơn các dự báo trước đây.
Về mặt chế biến, Việt Nam hiện ở top dẫn đầu về công nghệ. Khi trình độ phát triển càng cao thì tốc độ sẽ gia tăng rất nhanh.
Dù vậy, theo ông Kịch, nguyên liệu chính là một vấn đề mà ngành thủy sản cần lưu tâm.
“Việt Nam nên quy hoạch, tổ chức lại vùng nuôi trồng thủy sản, kể cả vùng sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu chế biến”, ông Kịch nói.
Bên cạnh đó, ngành tôm và thủy sản Việt Nam hiện còn phân tán, thiếu đồng bộ về hạ tầng, trong khi chi phí sản xuất và giá thành quá cao nên khả năng cạnh tranh với các nước bị giảm.
Theo ông Claus Nodrup, Trưởng ban Kinh doanh thủy sản đông lạnh Công ty I. Schroeder Hamrburg, nhu cầu tiêu thụ thủy sản nguồn gốc từ Việt Nam đang tăng lên và giá bán sản phẩm này tại thị trường EU cũng đang tăng.
“Xu hướng tiêu thụ cá tại châu Âu yêu cầu các chứng nhận rất rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác. Nếu gian lận thì hậu quả sẽ rất nghiêm khắc và ảnh hưởng lâu dài. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên hết sức chú ý để giữ vững uy tín”, ông Claus Nodrup cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của hiệp định EVFTA về quy tắc xuất xứ, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện tổ chức sản xuất, môi trường…
Có như vậy mới có thể tận dụng tốt những ưu đãi mà hiệp định mang lại, từng bước chiếm lĩnh thị trường.
Thủy sản Việt Nam gỡ "thẻ vàng" của EC như thế nào?
Dù tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, theo chuyên gia, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có khả năng sẽ tăng trưởng chậm hơn vì nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu có thể sẽ chững lại với tác động của lạm phát và tình trạng khó khăn trong hoạt động vận chuyển.
Ngoài các cơ hội thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng gặp một số thách thức như giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến còn cao hơn mức đỉnh của năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ năm 2021, đẩy chi phí nuôi cá tăng cao, hay một số địa phương có lợi thế về mặt hàng xuất khẩu này lại thiếu lao động. Dù tác động mang tính ngắn hạn, nhưng thực tế này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến năng suất, giá thành, tính cạnh tranh của các mặt hàng thủy sản Việt Nam ở các thị trường, do đó, cần có biện pháp ứng phó điều chỉnh hợp lý để không làm mất lợi thế hiện có cũng như tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA.
Thảo luận