Sáu tháng đầu năm 2019 ngành thủy sản vẫn là điểm sáng của khu vực nông nghiệp khi tăng trưởng ở mức 6,5%, là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4 tỷ USD, tăng 100,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên toàn ngành đang đứng trước các thách thức về triển khai Luật Thủy sản, duy trì tăng trưởng và gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
6 tháng đầu năm: thủy sản vẫn là điểm sáng
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 phát triển khá do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao.
Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3,79 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, giá trị sản xuất của thủy sản tăng 6,5%. Trong đó sản lượng khai thác đạt 1,88 triệu tấn, tăng 5,4%; sản lượng nuôi trồng đạt 1,92 triệu tấn, tăng 7,0%.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, tôm các loại ước đạt 1,43 tỷ USD (bằng 87,9% cùng kỳ), cá tra đạt 991 triệu USD (bằng 98,8% cùng kỳ), cá ngừ đạt 380 triệu USD, mực và bạch tuộc đạt 311 triệu USD, các loại cá khác đạt 769 triệu USD, nhuyễn thể đạt 45,4 triệu USD.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Thủy sản đã tích cực triển khai áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Đến nay, đã có 5.174 ha diện tích nuôi được cấp Giấy chứng nhận GAP; trong đó diện tích nuôi cá tra áp dụng VietGAP là 1.847 ha, tôm chân trắng 1.432 ha, áp dụng GAP khác (GlobalGAP, ASC, BAP) là 1.894 ha.
Trong những tháng cuối năm 2019, ngành thủy sản đã đặt ra một số mục tiêu chính là: tốc độ tăng GDP đạt 4,65%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,69%; kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm rất cao, tập trung xây dựng kế hoạch và giải pháp thật cụ thể cho từng lĩnh vực mới đạt được kết quả như mong muốn.
Theo đó, đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ các rào cản thương mại để mở rộng thị trường, bao gồm thị trường Arab Xêút, Hoa Kỳ, EU; Tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá về các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại một số quốc gia nhập khẩu...
Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung hơn nữa và phấn đấu gỡ "thẻ vàng" của EC. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong những tháng cuối năm vì không nếu gỡ được thẻ vàng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản, đời sống bà con ngư dân.
Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc
Sau gần 2 năm, (từ ngày 23/10/2017) khi bị Ủy ban châu Âu áp dụng thẻ vàng IUU cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam, Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Chính phủ đã cùng các bộ, ngành và địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Tổng cục Thủy sản đã ban hành Kế hoạch năm 2019 về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm IUU. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ ban hành 5 văn bản chỉ đạo địa phương triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC; tập trung chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Đặc biệt, Tổng cục đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình, kết quả thực hiện cũng như các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc khắc phục cảnh báo thẻ vàng IUU; trên cơ sở đó đề ra các giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để kiên quyết hơn trong xử lý vi phạm, ngày 20-5-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 596/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, nhằm tăng cường khắc phục “thẻ vàng” của EC.
Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tích cực tham mưu, tổng hợp, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cấp bách, trọng tâm, trong đó, ưu tiên triển khai thực hiện về chống khai thác IUU; kiến nghị, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành, địa phương khi có vấn đề vượt thẩm quyền. Đây là những động thái quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, chỉ còn vài tháng nữa Hội đồng Châu Âu (EC) sẽ vào kiểm tra lại việc cải thiện xóa bỏ thẻ vàng, trong khi chúng ta mới làm tốt và hoàn thiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu phải quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản nếu không làm tốt thì chúng ta phải đối diện với những nguy cơ cao hơn cả thẻ vàng.
Tại Hội nghị Chính phủ họp trực tuyến với các bộ, ngành địa phương, chiều 4-7 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ hiện còn 8 tỉnh vẫn chưa thực sự làm tốt về quản lý đánh bắt cá trên biển.
Sau Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ làm việc cụ thể với các tỉnh này để chấm dứt tình trạnh đánh bắt sai phép, tránh nguy cơ EC sẽ phạt "thẻ đỏ" với thủy sản Việt Nam.