VNREDSat-1 là hệ thống vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, đã làm tròn vai trò là một hệ thống vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của đất nước, đồng thời, thành công cung cấp nguồn dữ liệu ảnh vệ tinh quý giá cho người Việt sử dụng.
Khôi phục thành công VNREDSat-1
Thông tin từ Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Vũ trụ kết hợp với các chuyên gia Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn được các máy chủ điều khiển hệ thống và đưa vệ tinh VNREDSat-1 chụp ảnh trở lại từ ngày 4/4/2022.
“Với kinh nghiệm có được trong quá trình vận hành các kỹ sư Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ đánh giá hệ thống còn có thể tiếp tục khai thác tốt trong thời gian tới”, VAST nhấn mạnh.
Đặc biệt theo phân tích của các chuyên gia Pháp và ý kiến tham khảo của các khách hàng thường xuyên, sau gần 9 năm vận hành, ảnh thu được của vệ tinh VNREDSat-1 vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả để sử dụng cho các ứng dụng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đây cũng là điểm khích lệ để các kỹ sư ở Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ - Viện công nghệ vũ trụ tiếp tục nỗ lực đảm bảo vận hành an toàn hệ thống VNREDSat-1.
VNREDSat-1 cung cấp nguồn dữ liệu ảnh quý giá cho người Việt Nam
Tính đến nay hệ thống vệ tinh đã tiếp tục chụp được 280 cảnh ảnh, trong đó có hơn 80 cảnh chất lượng tốt, phục vụ kịp thời và trực tiếp các yêu cầu dữ liệu viễn thám cho các khách hàng.
Ảnh VNREDsat-1 chụp Bắc Cạn ngày 12/04
© Ảnh : Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
VNREDSat-1 là hệ thống vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, một công cụ giám sát tích cực và chủ động phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội cũng như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Hoạt động của vệ tinh trong suốt gần 9 năm qua (từ ngày phóng thành công 7/5/2013) là minh chứng cho sự phát triển chủ động của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
“Hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 đã làm tròn vai trò là một hệ thống vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam thành công cung cấp nguồn dữ liệu ảnh vệ tinh quý giá cho người Việt Nam”, VAST nhấn mạnh.
Tuy vậy do thời gian vận hành và khai thác tương đối dài, vượt hơn gần 4 năm so với tuổi thọ thiết kế của hệ thống (tuổi thọ sử dụng trung bình của các hệ thống vệ tinh cùng thế hệ là 5 năm), từ cuối năm 2021 hệ thống VNREDSat-1 đã gặp phải lỗi kỹ thuật nghiêm trọng liên quan đến phần cứng hệ thống lưu trữ dữ liệu vận hành và điều khiển cả hệ thống vệ tinh VNREDSat-1.
Ảnh VNREDsat-1 chụp Huế ngày 8/4
© Ảnh : Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Theo các chuyên gia, lỗi kỹ thuật này đã vượt quá khả năng tự phục hồi khiến hệ thống tạm ngừng vận hành và khai thác từ 09/11/2021 đến 25/03/2022.
Kinh nghiệm quý
Liên hệ với hãng sản xuất vệ tinh, các chuyên gia khuyến cáo hệ thống cần cài đặt lại gần như hoàn toàn sau khi khôi phục các hỏng hóc vật lý của hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu và điều khiển hệ thống VNREDSat-1 (hệ thống SAN).
Được biết, hoạt động này có thể tiêu tốn khoảng 2 tỷ đồng và phải thực hiện mất khoảng 3 đến 6 tháng tùy vào tình trạng nghiêm trọng của lỗi kỹ thuật, chưa kể thời gian tiến hành các thủ tục hành chính cần thiết để xây dựng hợp đồng sửa chữa.
“Bằng nỗ lực hết mình, trên tinh thần tiết kiệm chi phí cùng mong muốn đưa hệ thống VNREDSat-1 tiếp tục đi vào vận hành và khai thác, các cán bộ ở Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ, Viện Công nghệ vũ trụ kết hợp với các chuyên gia Việt Nam chuyên sâu về khôi phục dữ liệu trên các hệ thống lưu trữ máy chủ lớn đã khôi phục hoàn toàn được các máy chủ điều khiển hệ thống và đưa vệ tinh VNREDSat-1 tiếp chụp ảnh từ ngày 04/04/2022”, thông báo cho biết.
Thành công này đánh dấu một bước trưởng thành, đem lại những kinh nghiệm quý báu cho các kỹ sư vận hành hệ thống VNREDSat-1 đồng thời đã tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn, rút ngắn đáng kể thời gian vệ tinh không được khai thác trên quỹ đạo.