Dù doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn khi chi phí vận chuyển tăng cao do xung đột chính trị, dịch bệnh, nhưng mặt hàng nông sản này của Việt Nam được nhận định tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu lương thực ổn định trên toàn cầu.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Nga tăng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga đạt 543,8 triệu USD, giảm 29,11% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù vậy, trong số 23 nhóm mặt hàng xuất sang Nga, có 8 nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Trong đó, tăng mạnh nhất là xuất khẩu gạo, khi tăng khoảng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 553.239 USD.
Xếp tiếp theo là cao su, tăng 60,21% và đạt hơn 7,2 triệu USD. Những mặt hàng khác như sắt thép, máy móc, thiết bị, cà phê... cũng tăng 4-40% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân cho điều này là do sức tiêu thụ của Nga tăng lên, cộng với việc ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraina đã gây ra khó khăn cho những nhà cung cấp khác.
Tuy vậy, theo VnExpress, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn thừa nhận, cuộc xung đột và các chính sách trừng phạt của phương Tây theo sau đã và đang tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu trong quý II.
Vì vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát hơn nữa các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga.
Đặc biệt, cần đảm bảo các khoản thanh toán trong giao thương, trong bối cảnh Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.
Thiếu tàu vận chuyển, phí logistics tăng cao
TTXVN dẫn báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh này chỉ xuất khẩu gạo cho các đơn hàng đã ký kết từ năm 2021.
Tuy vậy, số lượng xuất khẩu cũng rất hạn chế và việc ký kết hợp đồng xuất khẩu mới vẫn chưa thể thực hiện.
Về điều này, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV Nguyễn Văn Thành cho biết, từ đầu năm nay, công ty chỉ xuất khẩu gạo cho các hợp đồng đã ký kết từ năm trước.
Theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng. Bên cạnh đó, cước phí vận tải tàu biển quốc tế cũng đã tăng lên rất cao. Giá cước có thể tăng từ 2-5 lần so với thông thường, tùy theo quốc gia đến. Phần lớn các doanh nghiệp bán hàng giá CIF (điều kiện giao hàng tại cảng xếp dỡ hàng) nên bị ảnh hưởng rất lớn.
Thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuy đã có xu hướng tăng lên, nhưng mức giá chung của loại gạo trung cấp mà doanh nghiệp tập trung xuất cho thị trường Philippines vẫn còn thấp, thậm chí là thấp nhất trong 4 năm qua. Vì vậy, doanh nghiệp chưa muốn ký kết đơn hàng mới mà chỉ tập trung cho thị trường trong nước và thu mua dự trữ.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, hoạt động xuất khẩu gạo các tháng đầu năm của tỉnh suy giảm khá mạnh.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh đang tái cơ cấu nên không tham gia xuất khẩu gạo mà chủ yếu chỉ thu mua, cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và kinh doanh thị trường trong nước.
Cùng với đó, tình trạng thiếu tàu vận chuyển, chi phí logistics tăng cao cũng tác động xấu đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Sắp tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu qua các chương trình tư vấn, hội nghị giao thương, hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm tại các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, cũng như khai thác các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (RCEP, EVFTA, CPTPP).
Để giải quyết tình hình, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ nâng cấp, cải tiến quy trình thiết bị sản xuất gạo, bao bì… của các doanh nghiệp chế biến gạo.
Đơn vị cũng phối hợp các ngành liên quan nâng cao chất lượng gạo, nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường truyền thống cũng như mở ra cơ hội xâm nhập vào các thị trường mới.
Sở Công Thương Vĩnh Long cũng phối hợp các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, kêu gọi đầu tư hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm sơ chế nông sản, kho lạnh bảo quản… để nâng cao chất lượng nông sản, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến và hạn chế sản phẩm thô để tăng giá trị xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu gạo tại Tổng công ty Lương thực miền Nam
© Ảnh : Vũ Sinh - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV cho biết, bên cạnh giá cước vận tải biển tăng cao, theo dự báo giá phân bón tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới sẽ đẩy giá thành sản xuất gạo lên cao, làm giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu của gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động dự trữ được lượng gạo rất lớn khi giá xuất khẩu đang ở mức thấp và chờ có đơn hàng xuất khẩu giá tốt sẽ bán ra.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng mong muốn giá gạo xuất khẩu tăng cao hơn trong thời gian tới để bù đắp chi phí sản xuất ngày càng tăng lên của nông dân.
Triển vọng lạc quan
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 đạt 48,8 triệu tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm trước.
USDA dự báo từ nhu cầu lương thực của thế giới và năng lực cung ứng của Việt Nam, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và xung đột Nga - Ukraina đang căng thẳng, nhưng các thương nhân vẫn tin tưởng xuất khẩu gạo năm 2022 vẫn đạt khoảng 6,4 triệu tấn.
Cũng như Sputnik đưa tin trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”.
Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Trong đó, ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt.
Xuất khẩu quý I hồi phục mạnh mẽ, 15 mặt hàng trên 1 tỷ USD
© Ảnh : Bùi Văn Lanh-TTXVN
Việt Nam hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hình thành và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, giúp thích ứng với sự thay đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như nhu cầu được đáp ứng lúa gạo chất lượng cao của người tiêu dùng.