Liệu Mỹ có thể trừng phạt Việt Nam vì cuộc tập trận chung với Nga?

Thông tin gần đây về việc Nga và Việt Nam lên kế hoạch tiến hành diễn tập quân sự chung đã làm tăng sự bất mãn của Hoa Kỳ với chính sách độc lập của Việt Nam và khiến các chuyên gia quốc tế nêu câu hỏi: Washington có thể áp đặt biện pháp trừng phạt nào với Hà Nội.
Sputnik

Washington vẫn cần Hà Nội

Báo điện tử uy tín Asia Times vừa đăng tải một bài phân tích trong đó các nhà khoa học chính trị từ các quốc gia khác nhau xem xét khả năng Washington áp đặt các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào năm 2017 đối với Việt Nam. Đạo luật CAATSA có nhiều điều khoản đe dọa trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí từ Nga. Và Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam, Matxcova đã và đang cung cấp 80% thiết bị quân sự của quân đội Việt Nam.
Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về chính trị Việt Nam hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, thuộc trường Đại học New South Wales, lý do khiến Mỹ thông qua đạo luật CAATSA là ý muốn trừng phạt Nga vì đã sáp nhập trở lại bán đảo Crưm và để hạn chế xuất khẩu vũ khí của Nga. Nhưng, đạo luật này vẫn chưa được áp dụng với Việt Nam bởi vì Mỹ đang tìm cách thu hút nước này như một đối tác chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vào đầu năm 2018, các quan chức quân sự Mỹ đã gây sức ép để yêu cầu Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí và công nghệ quân sự của Nga và bắt đầu mua vũ khí của Mỹ, và họ đã đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt. Đáp lại động thái này, Hà Nội đã hủy cuộc tập trận năm 2019 có sự tham gia của quân đội Mỹ.
Tập trận chung Nga-Việt: Có thể chỉ là diễn tập tham mưu – chỉ huy
“Việt Nam đáp trả sức ép của Mỹ bằng cách thể hiện sự độc lập của mình”, - Giáo sư Carl Thayer nhận xét.
Nhưng, đó là trước khi Nga mở chiến dịch đặc biệt ở Ukraina. Hiện nay, theo một số chuyên gia, Mỹ có nhiều lý do hơn để áp dụng CAASTA đối với Việt Nam. Tờ Asia Times dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Đại học Victoria, Wellington, New Zealand, cho biết nếu các biện pháp trừng phạt CAATSA được áp dụng đối với Việt Nam, thì nó có thể xảy ra sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào tháng 5. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khả năng Mỹ trừng phạt Việt Nam vẫn còn thấp, vì mục đích của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc vẫn không thay đổi. Hơn nữa, lo ngại ngày càng gia tăng về việc Trung Quốc có thể thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, trong trường hợp này Washington cần sự ủng hộ và thiện chí của Hà Nội. Ngoài ra, Nhà Trắng hiểu rằng, việc Việt Nam mua vũ khí từ Mỹ hoặc từ đồng minh của họ là Pháp sẽ kích động phản ứng gay gắt từ Trung Quốc và khiến Bắc Kinh tăng cường những hành vi gây hấn với Việt Nam.

Mỹ luôn có thể tìm ra lý do để áp đặt trừng phạt

“Bài phân tích của tờ Asia Times, giống như các tài liệu trên các ấn phẩm khác, bỏ sót điều quan trọng nhất, - chuyên gia Mikhail Terskikh, nhà khoa học chính trị, nhà phương đông học, nghiên cứu viên tại IMEMO RAS, nói. - Không ai đưa ra ý kiến có tính chất đánh giá về các lệnh trừng phạt của Mỹ và động cơ để chúng có thể được áp dụng. Các nhà phân tích xem các biện pháp trừng phạt như một điều hiển nhiên, mà theo tôi, quan điểm này về cơ bản là sai. Trong ba thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã tận dụng ưu thế nổi lên sau khi Liên Xô sụp đổ để xây dựng một hệ thống toàn cầu, trong đó chỉ có một trung tâm ra quyết định – đó là Hoa Kỳ. Trong hệ thống tọa độ này, Washington tự do sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các quốc gia không làm vừa lòng Mỹ và không đồng ý với chính sách của họ. Trong trường hợp này, không ai quan tâm đến lợi ích của các quốc gia đó. Bằng cách đồng ý với tình trạng này, các quốc gia thừa nhận vị trí cấp dưới của mình trong mối quan hệ với Hoa Kỳ”.

Mỹ đã thất bại với Việt Nam, bây giờ họ muốn sử dụng Philippines như một bàn đạp chống Trung Quốc
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới theo đuổi chính sách độc lập. Quốc gia này đã trả một cái giá rất lớn cho cơ hội này. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã in sâu trong tâm trí người Việt. Do đó, những nỗ lực ra lệnh cho Hà Nội phải xây dựng mối quan hệ với ai không phải là một ý tưởng tốt, chuyên gia Mikhail Terskikh nói.
Hoa Kỳ sẽ áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt có thể đối với các nước theo đuổi chính sách độc lập (không do Hoa Kỳ kiểm soát). Trong trường hợp này, lý do cho việc áp đặt lệnh trừng phạt hoàn toàn không quan trọng - thực tiễn cho thấy rằng, ngay cả khi không có lý do, nó luôn có thể được phát minh ra. Về mặt này, thông tin về cuộc tập trận chung Nga-Việt chỉ quan trọng thứ yếu - nếu Hoa Kỳ muốn "trừng phạt" Việt Nam thì sẽ tìm ra lý do.
Trong điều kiện hiện đại, các quốc gia đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và muốn tiếp tục thực hiện đường lối này chỉ có một sự lựa chọn - đi theo con đường của riêng họ, không phụ thuộc vào Washington, bởi vì Mỹ chỉ theo đuổi lợi ích của riêng mình, chuyên gia Nga nói.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận