Đấu giá biển số xe: Nên hay không?

HÀ NỘI (Sputnik) - Nghị quyết về đấu giá biển số ô tô có thể tạo ra nguồn thu hợp pháp cho nhà nước và tránh những tiêu cực trong việc lạm dụng quy trình về vận hành cấp biển số.
Sputnik
Phương án bấm biển số ngẫu nhiên để tạo công bằng, minh bạch vẫn luôn tồn đọng những tiêu cực trong việc lạm dụng quy trình về vận hành cấp biển số, đặc biệt là cấp biển số đẹp do nhu cầu chi tiền cho biến số đẹp theo nhu cầu và quan niệm của người Việt Nam. Vậy có chăng việc đấu giá biển số đẹp nên được hợp thức hoá.
Từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã xem xét, xây dựng đề án đấu giá biển số xe.
Năm 2020, đề án đã được hoàn thiện. Tháng 4.2022, Bộ Công an bắt đầu lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết về đấu giá biển số ô tô).
Theo đó, dự thảo Nghị quyết về đấu giá biển số ô tô đã đưa ra những quy định bao gồm: cách tính giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Ý kiến trái chiều về đề xuất CSGT mua clip vi phạm giao thông để 'phạt nguội’
Dự thảo đồng thời cũng đề cập tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ được phân chia nguồn thu theo tỷ lệ nộp vào ngân sách Trung ương và phân bổ cho ngân sách địa phương.
Qua trao đổi với báo Thanh Niên, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng, việc đấu giá biển số xe đẹp có thể làm giảm được cơ chế xin - cho, “quan hệ” để có có biển số đẹp.
“Người dân có nhu cầu về biển số đẹp thì nhà nước cứ đáp ứng, đấu giá một cách công khai, minh bạch và công bằng. Sau khi đấu giá thành công, tiền vào ngân sách nhà nước để lo an sinh xã hội cho nhân dân. Đấu giá là "nhất cử lưỡng tiện”, LS Tú chia sẻ.
Trước lập luận cho rằng, nếu đấu giá biển số đẹp thì chỉ người có tiền mới có cơ hội, dẫn đến không công bằng, theo Luật sư Tú, từ trước đến nay với cơ chế bấm biển thì biển số đẹp phần lớn được gắn trên xe sang khiến dư luận hoài nghi. Bên cạnh đó, số xấu - đẹp là quan niệm mỗi người.
"Đấu giá biển số xe, người có tiền vừa có biển số theo mong muốn, nhà nước thu được ngân sách, không đi đâu mà thiệt. Quan trọng là khái niệm thế nào là số đẹp để từ đó tạo ra một kho biển số đẹp, sau đó xác lập giá khởi điểm để bán đấu giá. Nhà nước cần sớm triển khai thí điểm, áp dụng việc đấu giá biển số xe để đi đến mục đích cơ chế này”, Luật sư Tú nhấn mạnh.
Theo Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), việc đấu giá biển số xe ô tô cần được khuyến khích vì sẽ tạo ra nguồn thu hợp pháp cho nhà nước.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Chỉ cấm phương tiện cá nhân khi được đa số người dân ủng hộ
“Chúng ta phải xác định được rằng, nhu cầu có biển số đẹp, theo sở thích đã có và tồn tại từ rất lâu. Chính vì lâu nay chúng ta không có cơ chế hợp pháp cho việc này nên mới dẫn đến câu chuyện tiêu cực xảy ra, lạm dụng quy trình về vận hành trong việc cấp biển số. Điển hình như mới đây, cựu Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh An Giang bị khởi tố do can thiệp phần mềm cấp biển số”, Luật sư Phát nói.
Trước đó, vào khoảng tháng 4 - 5/2008, UBND tỉnh Nghệ An từng tổ chức 2 phiên đấu giá biển số xe, thu về 4 tỉ đồng. Số tiền này sau đó được dành cho hoạt động đảm bảo an toàn giao thông và giúp đỡ cho người nghèo, khuyết tật. Tuy nhiên, sau đó việc đấu giá biển số xe sau đó phải tạm dừng do chưa có quy định của nhà nước về việc này.
Thảo luận