Cho phép thành lập Hiệp hội Blockchain, Việt Nam quyết đẩy mạnh nền kinh tế số

Sau khi ra đời, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, chuyển giao và đánh giá chính sách liên quan đến blockchain, đồng thời tham mưu các chính sách có lợi cho nền kinh tế số Việt Nam.
Sputnik
Trước đó, cũng ngay trong tháng 4, Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) trực thuộc Hội truyền thông số (VDCA) đã chính thức ra mắt, với vai trò tư vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhằm mục tiêu xây dựng chính sách, khung pháp lý về blockchain, tài sản số và tiền số tại Việt Nam.

Cho phép thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Sáng 29/4, cộng đồng mạng xuất hiện hình ảnh văn bản về quyết định thành lập của một đơn vị có tên Hiệp hội Công nghệ Chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam).
Trao đổi xoay quanh thông tin này, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Hà Đăng Minh đã xác nhận với Zing rằng văn bản trên đúng là do Bộ Nội vụ ban hành.
“Ăn cơm Việt Nam nhưng lại đóng thuế cho nước ngoài”: CEO Axie Infinity lên tiếng
Theo đó, Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam kể từ ngày 27/4. Hiệp hội Blockchain Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, hoạt động theo điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý của Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực mà hiệp hội hoạt động.
Hiệp hội sẽ có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động. Mọi hoạt động cũng như quản lý của Hội đều tuân theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ban hành ngày 21/4/2010.
Ông Phan Đức Trung, một thành viên của Ban vận động Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, đại hội của đơn vị dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 5/2022. Đến lúc đó, hiệp hội sẽ bầu ra ban lãnh đạo và công bố các tài liệu liên quan.
Theo đại diện hiệp hội, dự kiến thành phần tham gia vào đơn vị này sẽ rất đa dạng và có chọn lọc, nhằm tránh bị hiểu nhầm là cộng đồng token.
Ông Phan Đức Trung cho biết, Hiệp hội Blockchain Việt Nam là một hiệp hội công nghệ, các thành viên sẽ là những người có kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain trong nhiều lĩnh vực.
Kinh tế số Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng trưởng nhanh bậc nhất Đông Nam Á
Theo ông, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, chuyển giao và đánh giá chính sách liên quan đến blockchain đối với các hiệp hội, cơ quan, ngành nghề chuyên môn khác.
"Hiện hành lang pháp lý cho blockchain chưa có, nhưng đang được rất nhiều cơ quan quản lý quan tâm ở góc độ khác như an toàn thông tin, tiền mã hoá, tài sản số, thuế... Tôi tin là sự ra đời của hiệp hội, với các thành viên chuyên sâu và đa dạng, sẽ giúp các cơ quan chức năng tham mưu được các chính sách có lợi cho nền kinh tế số của Việt Nam", ông Phan Đức Trung chia sẻ.

Ghi dấu ấn với thế giới bằng công nghệ Blockchain

Trước đó, ngày 19/4, Công ty TNHH Liên Minh Blockchain Việt Nam đã được thành lập, với tư cách là doanh nghiệp xã hội, hoạt động phi lợi nhuận nhằm kết nối, thúc đẩy hợp tác, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain trong nước và trên thế giới.
Đến ngày 21/4, Liên minh Blockchain Việt Nam (VBU) trực thuộc Hội truyền thông số (VDCA) chính thức ra mắt, hoạt động theo hình thức câu lạc bộ. Theo thông tin giới thiệu, VBU là tổ chức có vai trò tư vấn, tham mưu cho các cơ quan quản lý nhằm mục tiêu xây dựng chính sách, khung pháp lý về blockchain, tài sản số và tiền số tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ra mắt Liên minh, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, mà trọng tâm là công cuộc chuyển đổi số rõ nét ở cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo các chuyên gia, công nghệ Blockchain đang là động lực phát triển của Internet thế hệ tiếp theo, với khái niệm mới đang phổ biến là Web 3.0.
Việt Nam có thể dẫn đầu thế giới về blockchain
Trong số 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Blockchain trên toàn thế giới, có 5-7 công ty là do người Việt Nam sáng lập. Hiện có chừng 10 startup của người Việt Nam trong lĩnh vực Blockchain sở hữu vốn hóa trên 100 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Blockchain đang dần trở thành tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số. Công nghệ này đã giúp Việt Nam ghi dấu ấn với các cường quốc trên thế giới thời gian qua.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam Đặng Minh Tuấn cho rằng, Blockchain hiện là công nghệ mang tính bứt phá nhất, là chìa khóa để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển mạnh về công nghệ mới.
Liên minh Blockchain Việt Nam ra đời sẽ trở thành cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, nhằm thiết lập khung pháp lý cho Việt Nam, đưa Việt Nam bứt phá và thành công trong lĩnh vực Blockchain cũng như nền kinh tế số.
Thảo luận