Theo cáo trạng, trong số những người bị công an phường Phú Thọ Hòa đưa về trụ sở để lấy lời khai, xử lý về hành vi liên quan đến ma túy, có 5 trường hợp khai đã bị cán bộ đơn vị này yêu cầu đưa 200 triệu đồng/người thì mới tha về, không xử lý. Trong khi đó, những người khác khai được gợi ý đưa tiền từ 1,5 triệu đồng đến 150 triệu đồng.
Phạm tội về ma túy nhưng vẫn được tha nhờ người nhà nộp tiền
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2018 đến tháng 4/2020, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an phường Phú Thọ Hòa là Nguyễn Đăng Chiến, Nguyễn Đức Hiền, Phạm Ngọc Vy, Lê Đình Vũ, Võ Quang Kế, Trịnh Hoàng Dương, Điền Đức Quang, Huỳnh Văn Tuấn và Nguyễn Minh Nhựt đã phát hiện, bắt giữ và lấy lời khai 51 người có dấu hiệu phạm tội về ma túy.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với công an, những người bị bắt giữ không được xử lý theo quy định. Những cán bộ này đã yêu cầu người vi phạm gọi điện thoại cho gia đình mang tiền đến nộp để được thả về.
Trong số 51 người bị đưa về trụ sở lấy lời khai, Công an TP.HCM đã làm việc được với 30 người. Trong số đó, có đến 29 người thừa nhận từng bị Công an phường Phú Thọ Hòa bắt giữ, dẫn giải về làm việc tại trụ sở đơn vị này. Phần lớn đều thừa nhận bản thân hoặc gia đình đã đưa tiền cho các cán bộ công an phường Phú Thọ Hòa.
Đặc biệt, cơ quan điều tra xác định, những sai phạm trên diễn ra trong các ca trực của 3 cán bộ là Phạm Thanh Tuấn (cựu Trưởng công an phường) và Lê Văn Quý, Lê Văn Hòa (cựu Phó trưởng công an phường). Trong vai trò chỉ huy, những cán bộ này đã không ngăn chặn mà bỏ mặc, chấp nhận để cấp dưới làm sai quy định.
"Có trường hợp đối tượng bị câu lưu tại trụ sở công an phường nhiều ngày liên tiếp để đợi lấy tiền", cáo trạng nêu rõ.
Chia tổ, chia ca, câu kết để vi phạm
Cáo trạng của VKSND TP.HCM ghi nhận, trong số những người bị công an phường Phú Thọ Hòa đưa về trụ sở, có 5 trường hợp khai đã bị cán bộ đơn vị này yêu cầu đưa 200 triệu đồng/người thì mới tha về, không xử lý.
Những người còn lại khai được gợi ý đưa tiền từ 1,5 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Kết quả điều tra cũng cho thấy, những người này xác định được địa điểm bị bắt giữ, địa điểm giao tiền.
Làm việc với cơ quan điều tra, bị can Phạm Thanh Tuấn khai không chỉ đạo bắt giữ những người có dấu hiệu phạm tội về ma túy, cũng không có cán bộ cấp dưới nào báo cáo việc này. Theo ông Tuấn, công an phường không có chủ trương, không thành lập các tổ công tác chuyên bắt giữ người liên quan đến ma túy.
Trong khi đó, bị can Phan Văn Hòa khai bản thân biết công an phường Phú Thọ Hòa có một tổ công tác trực tiếp bắt giữ người liên quan đến ma túy để đưa về trụ sở làm việc. Tuy nhiên, khi trao đổi với trưởng công an phường, ông Tuấn cho biết đây là chuyện tế nhị, đã được giải quyết.
Cũng theo ông Hòa, ông từng nhiều lần phản ánh vụ việc trong các buổi họp giao ban đơn vị. Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Tuấn đều không phản ứng gì. Vì cả nể và sợ bị trù dập, ông Hòa không báo cáo sự việc với Công an quận Tân Phú.
"Trong vụ án, các bị can có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện bằng việc chia tổ, chia ca, phân công nhiệm vụ từng người", cáo trạng nêu rõ.
Theo VKS, trong vai trò Trưởng công an phường Phú Thọ Hòa, bị can Phạm Thanh Tuấn phải chịu trách nhiệm cao nhất về toàn bộ sai phạm tại đơn vị này.