Cuộc thảo luận thú vị về Việt Nam ở các thủ đô của nước Nga

Trong đời sống hiện đại bận rộn hôm nay, không hẳn là giản đơn để giới trẻ Nga và Việt Nam hiểu nhau hơn và giới thiệu với bạn bè sâu sắc hơn về đất nước quê hương mình. Một cơ may như vậy là «Ngày Việt Nam», diễn ra đã là lần thứ 7 tại trường MGIMO, trung tâm Nga chuyên đào tạo các nhà ngoại giao.
Sputnik

Phái đoàn Matxcơva ở «thủ đô bên sông Neva»

Nhưng lần này «Ngày Việt Nam» đã mở rộng phạm vi. Phái đoàn Matxcơva bao gồm các sinh viên Nga từ MGIMO, Viện Các nước Á-Phi (IAAS) thuộc MGU, trường Kinh tế Cấp cao, Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Matxcơva (MSLU) và ĐHTH Hữu nghị Các dân tộc (RUDN), cùng đại diện Hội đồng hương Việt Nam tại MGIMO đã được tiếp đón nồng nhiệt tại «thủ đô phương Bắc» của nước Nga là thành phố Saint-Peterburg. Hay nói chính xác hơn, phía chủ nhà là Viện Hồ Chí Minh thuộc ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg. Trong khuôn viên của Viện này đã diễn ra sinh hoạt khoa học, nơi các sinh viên-trí thức trẻ chia sẻ kết quả nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau của đời sống chính trị - xã hội, kinh tế và văn hóa Việt Nam, từ thời cổ-trung đại cho tới hiện đại. Các báo cáo về quan hệ hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số và nông nghiệp được cử toạ dành nhiều quan tâm. Nhưng cuộc hội ngộ không chỉ giới hạn bằng những báo cáo khoa học. Các sinh viên người Việt của MGIMO kể về những mảng sinh hoạt tập thể của Hội đồng hương và lịch sử «Ngày Việt Nam» tiến hành thường niên, còn GS-TSKH V.N. Kolotov Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông trình bày với các vị khách về quá trình thành lập và hoạt động của Viện Hồ Chí Minh, giới thiệu thư viện độc đáo của Viện. Các vị khách đã đặt hoa trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Khoa Đông phương.
Và đương nhiên một khi đến thành phố xinh đẹp này bên sông Neva thì không thể không chiêm ngưỡng những cung điện và đường bờ kè lừng danh hoặc không ghé thăm những cơ sở Bảo tàng nổi tiếng thế giới.
Sinh viên tại Viện Hồ Chí Minh thuộc ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg
Các sinh viên Matxcơva đã thực hiện chuyến tham quan Saint-Peterburg, thăm Hoàng Thôn-Tsarskoye Selo, Viện Bảo tàng Quốc gia Hermitage và Bảo tàng Nga. Rồi vài ngày sau, Matxcơva tiếp phái đoàn ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg do GS Vladimir Kolotov dẫn đầu tới tham gia «Ngày Việt Nam» lần thứ 7 tại MGIMO.
Chị Trương Yến Nhi Chủ tịch Hội đồng hương sinh viên Việt Nam tại MGIMO chia sẻ:
«Chúng tôi rất cảm ơn Khoa Đông phương của ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg, Viện Hồ Chí Minh vì sự hiếu khách, giúp chúng tôi hiểu biết thêm nhiều về thành phố Saint-Peterburg tươi đẹp với nền văn hóa và lịch sử phong phú của «thủ đô phương Bắc» Nga».

Nga-Việt hiện tại và tương lai

Qua mỗi năm, «Ngày Việt Nam» càng trở nên đặc sắc hơn, trình độ tổ chức và chất lượng khoa học càng được nâng cao. Năm nay, sự kiện chính là Hội thảo khoa học «Việt Nam trước thách thức của thế kỷ 21: Nhận thức mới về quan hệ Nga - Việt", trùng với dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa LB Nga và CHXHCN Việt Nam. Trong phần khai mạc, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko và Đại diện Thương mại Nga Vyacheslav Kharinov, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương và các dự án đặc biệt của Bộ Phát triển Kinh tế LB Nga Natalya Stapran và nhà lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) Vladimir Mazyrin đã phát biểu về những thành tựu và vấn đề trong tiến trình hợp tác giữa hai nước.
Ngày Việt Nam tại MGIMO
Chủ đề này đã được tiếp nối và khai triển trong các báo cáo tại tiểu ban thứ nhất của hội thảo, diễn giả là các sinh viên Nga và Việt Nam của MGIMO, RUDN và ĐHTH Liên bang Viễn Đông (FEFU), cũng như các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông phương và Viện Dân tộc học-Nhân học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga. Các ý kiến thảo luận tập trung phân tích những thách đố và cơ hội hợp tác kinh tế Nga-Việt trong đó có lĩnh vực dầu khí, về kết nối hiệp lực của vùng Viễn Đông Nga với Việt Nam, về hoạt động kinh doanh của công dân Nga tại Việt Nam và những triển vọng sau đại dịch.
Ở tiểu ban thứ hai, dành riêng cho nội dung những chuyển đổi kinh tế-xã hội ở Việt Nam hiện đại, thậm chí càng hấp dẫn hơn. Các sinh viên và nghiên cứu sinh của MGIMO, FEFU, ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg và IAAS thuộc MGU đã nói về «quyền lực mềm» của Việt Nam và vị thế của Việt Nam trong chiến lược đối ngoại của Pháp, về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp game ở Việt Nam, cũng như những thách thức về môi trường đối với đà phát triển kinh tế của đất nước.
Ai sẽ thực hiện đối thoại giữa Nga và Việt Nam trong tương lai?
Tiểu ban thứ ba dành cho các vấn đề về lịch sử, văn hóa và văn học Việt Nam. Các diễn giả trẻ từ Saint-Peterburg, trường Kinh tế Cấp cao và Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Matxcơva đã giới thiệu với cử toạ về vai trò của Phật giáo và Nho giáo ở Việt Nam thời Trung cổ và «Nhà nước lý tưởng» thời vua Lê Thánh Tông, phân tích nguồn gốc của chính sách Đổi mới, nói về hình mẫu người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh và đặc điểm nghi thức biểu đạt lịch sự trong tiếng Việt.
Sau khi kết thúc hội thảo, các bạn trẻ được mời tham gia cuộc thi đố kiểm tra kiến ​​thức lịch sử, địa lý, văn hóa, âm nhạc và đặc sản ẩm thực Việt Nam – với những câu hỏi thi do Hội đồng hương Việt Nam tại MGIMO soạn. Các đội thi với những danh xưng đặc sắc như «Đội quân Lê Lợi», «Biệt đội Hồ Chí Minh» và «Vua Hùng» đã tự chọn câu hỏi với mức độ phức tạp khác nhau. Các sinh viên Nga đã thể hiện trình độ kiến ​​thức tốt, sự dí dỏm và tính nghệ thuật. Chiến thắng thuộc về «Đội quân Lê Lợi» gồm các sinh viên của MGIMO và MSLU.
Sinh viên tại Hoàng Thôn-Tsarskoye Selo
PGS-TS Elena Zubtsova, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Matxcova nhận xét:

«Cả hội thảo và cuộc thi đố đều cho thấy sinh viên của chúng tôi thực sự quan tâm đến Việt Nam và sẵn sàng trở thành những chuyên gia giỏi. Ngành Việt Nam học ở Nga có tương lai tươi sáng».

Những bài ca, tranh ảnh và món ăn ngon

Phần quan trọng của «Ngày Việt Nam» là chương trình văn hóa. Trong không gian sáng sủa của đại sảnh MGIMO hiện ra phong cảnh đẹp như tranh của Việt Nam qua những bức hoạ và tranh thêu. Tại đây còn có thể mua đồ lưu niệm và bánh kẹo Việt Nam, và chiều tối, toàn thể các vị khách được mời thưởng thức những món ăn ngon khó quên do các phụ huynh của sinh viên Việt Nam chuẩn bị.
Sinh viên tại Viện Hồ Chí Minh thuộc ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg
Nhưng «cái đinh» của chương trình văn hoá dĩ nhiên là buổi biểu diễn ca nhạc mà thành phần khách mời ngoài các sinh viên và giảng viên còn có đại diện các tổ chức xã hội Việt Nam tại Nga. Vang lên những khúc dân ca và tác phẩm nhạc Việt Nam hiện đại, mà nghệ sĩ chính là các sinh viên Việt Nam và Nga, nổi bật là các cô gái Việt Nam mảnh mai duyên dáng. Khán giả rất ấn tượng trước màn biểu diễn của nhóm học viên Nga tập luyện võ thuật Việt Nam. Những người tham dự «Ngày Việt Nam» lưu luyến không vội chia tay, bởi lễ hội này cũng là cơ may giao lưu tuyệt vời dành cho các thanh niên Nga và Việt Nam.
Bà Ekaterina Koldunova Giám đốc Trung tâm ASEAN tại MGIMO đánh giá:

«Sự kiện «Ngày Việt Nam» rất tốt đẹp tại ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg và MGIMO là biểu hiện thực tế của tình hữu nghị và quan hệ hợp tác Nga-Việt; thu hút đông đảo sinh viên, nghiên cứu sinh và trí thức trẻ Nga-Việt tham gia nhiệt tình vào khâu tổ chức và thực hiện. Đây là dịp tuyệt đẹp để người Nga hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam và người Việt Nam hiểu biết nước Nga».

Hình ảnh Việt Nam năm 2021 trong công trình của các nhà khoa học Nga
Thời gian trôi qua thật nhanh. Chúng tôi nóng lòng mong đợi «Ngày Việt Nam» lần thứ 8 tại MGIMO. Tin chắc rằng ban tổ chức và các thành viên sẽ mang đến nhiều bất ngờ thú vị và cảm xúc đẹp đẽ cho mọi người.
Thảo luận