Tổng Giám đốc PV Drilling Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, trong kỳ có 2,5 giàn khoan không có việc, may mắn là có 3 giàn khoan nước ngoài và 1 giàn duy trì tại Vietsovpetro giúp đảm bảo dòng tiền.
PV Drilling đang kinh doanh như thế nào?
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán PVD) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022.
Theo Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, trong quý 1/2022, PV Drilling đạt 1.146 tỷ đồng doanh thu thuần – cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là điều hết sức đáng mừng.
Đặc biệt, sau khi trừ giá vốn PVD lãi gộp gần 70 tỷ đồng – khả quan hơn rất nhiều so với khoản lỗ gộp 27,8 tỷ đồng của quý 1/2021 cùng kỳ.
Trong kỳ này, theo lãnh đạo PVD, doanh thu tài chính giảm 35%, xuống còn 26,8 tỷ đồng, chi phí của hoạt động này lại tăng thêm 30%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều cao hơn so với cùng kỳ. Hoạt động liên kết từ lãi gần 9,7 tỷ đồng sang lỗ 4,7 tỷ đồng, hoạt động khác cũng lỗ 14 tỷ đồng.
Kết quả PV Drilling (PVD) chịu lỗ sau thuế 75 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 110 tỷ đồng, lợi nhậu sau thuế công ty mẹ là âm 56 tỷ đồng tương đương EPS âm 139 đồng (lỗ ròng 56 tỷ đồng).
Nhiều giàn khoan của PV Drilling không có việc
Kết quả kinh doanh khó khăn và còn gặp bất lợi được lãnh đạo PV Drilling hé lộ trước đó tại Đại hội Cổ đông thường niên 2022.
Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho hay trong quý có đến khoảng 2,5 giàn khoan không có việc làm.
“So với năm 2021, may mắn là có 3 giàn khoan nước ngoài và 1 giàn khoan duy trì tại Vietsovpetro, giúp đảm bảo dòng tiền”, theo Tổng Giám đốc PVD Nguyễn Xuân Cường.
Về tình hình tài sản, đến 31/03/2022, tổng tài sản đang ghi nhận 20.500 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 12%.
Đáng chú ý, hiện PV Drilling đang còn khoản nợ xấu gần 180 tỷ đồng, trong đó phân nửa (89 tỷ đồng) tại công ty con của KrisEnergy, một tập đoàn dầu khí trụ sở Singapore đệ đơn xin phá sản hồi năm 2021.
Lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh, KrisEnergy (Apsara) Campuchia đang gặp nhiều khó khăn, phía chính phủ Campuchia đang tiếp quản dự án, PV Drilling đang bám sát theo dõi để xem xét khả năng thu hồi công nợ với đơn vị này.
Quý II/2022, PVD sẽ phải trích lập tiếp khoảng 20%. Dự kiến với việc trích lập nhiều khoản, PVD sẽ lỗ thêm khoảng 49 tỷ đồng nữa trong quý II.
Kế hoạch “không lỗ”
Báo cáo tại Đại hội cổ đông hôm 21/4, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2021 dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới bùng phát với các biến chủng mới khiến cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm hơn dự báo.
Tại Việt Nam, dịch bệnh bùng phát mạnh kể từ tháng 4/2022 tại nhiều khu vực dẫn đến Chính phủ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách, hạn chế đi lại, ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. PV Drilling cũng không là ngoại lệ.
Dù giá dầu có sự phục hồi đáng kể so với năm 2020, lượng cầu giàn khoan trên thị trường tăng nhẹ nhưng đơn giá dịch vụ vẫn chưa có sự hồi phục tương ứng do các hợp đồng khoan luôn được ký trước nhiều tháng vì thế đơn giá dịch vụ có độ trễ nhất định so với sự hồi phục của giá dầu thô.
Trong nước, khối lượng công việc còn hạn chế, các chiến dịch khoan tại nước ngoài phát sinh thêm nhiều chi phí trong khi chi phí quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh gia tăng do phải ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
“Đứng trước bối cảnh khó khăn chung trên toàn thị trường dầu khí, Ban lãnh đạo PV Drilling đã nỗ lực đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, kịp thời nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn thành các chỉ tiêu trọng yếu của kế hoạch kinh doanh”, ông Cường nhấn mạnh.
Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 của PV Drilling đạt 4.314 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng.
Sang năm 2022, SSI Research đã từng dự báo doanh thu của PV Drilling sẽ tăng trưởng 60% so với cùng kỳ do khối lượng công việc và giá thuê ngày cao hơn.
Biên lợi nhuận gộp năm 2022 sẽ trở lại mức năm 2019, vì giá thuê ngày bắt đầu cao hơn mức hòa vốn (khoảng 53.000 USD/ngày). Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước tính tăng 637% so với cùng kỳ từ mức thấp năm 2021.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo PV Drilling trên thực tế không lạc quan như vậy khi lên kế hoạch năm nay với doanh thu hợp nhất 4.700 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2021 và không thua lỗ (hợp nhất). Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ dự kiến 45 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Cường lưu ý, kế hoạch kinh doanh năm 2022, thị trường dầu khí được dự báo còn nhiều rủi ro tiềm ẩn dù giá dầu có khả năng hồi phục và đạt mức trung bình trên 80 USD/thùng.
Năm 2022, PV Drilling sẽ nỗ lực tìm việc làm tối đa cho các giàn khoan sở hữu, đồng thời tăng cường cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan khác trong nước và khu vực. Để duy trì năng lực cung cấp dịch vụ, trong năm 2022 PV Drilling sẽ thực hiện đầu tư thêm máy móc thiết bị cần thiết với tổng vốn đầu tư khoảng 315 tỷ đồng.
“Với giả định đơn giá giàn tự nâng bình quân đạt 60.000 USD/ngày, hiệu suất sử dụng giàn tự nâng khoảng 88%, các đơn vị kỹ thuật giếng khoan tiếp tục hoạt động ổn định như năm 2021, PV Drilling lên kế hoạch doanh thu đạt 4.700 tỷ đồng doanh thu và nỗ lực có lợi nhuận trong năm 2022”, Tổng Giám đốc PVD cho biết.
PVN luôn đồng hành cùng PV Drilling
Phát biểu tại Đại hội cổ đông, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam/PVN) Phạm Tiến Dũng đánh giá cao những quyết tâm và nỗ lực vượt qua khó khăn của PV Drilling trong bối cảnh hàng loạt các công ty khoan lớn trên thế giới có bề dày hoạt động phải công bố phá sản hoặc sáp nhập, bán bớt tài sản do thua lỗ.
Phó Tổng giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng cũng chia sẻ với PV Drilling khi phải hoạt động trong điều kiện kinh doanh đầy bất lợi nhưng đã cố gắng đạt được nhiều điểm sáng như hoàn tất công tác đầu tư cụm thiết bị khoan mới (DES) cho giàn PV DRILLING V, đồng thời tái khởi động và tích hợp cụm DES vào giàn PV DRILLING V, sẵn sàng phục vụ chiến dịch khoan nước sâu tại Brunei trong năm 2022.
Như Sputnik đã thông tin, PV Drilling cũng đã đưa thành công giàn khoan tự nâng PV DRILLING III sang phục vụ chiến dịch khoan của Repsol tại Malaysia; đưa giàn đất liền PV DRILLING 11 phục vụ chiến dịch khoan tại Algeria; duy trì dòng tiền dương, đảm bảo tài chính vững mạnh, đảm bảo hoạt động SXKD liên tục và ổn định.
Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022, ông Phạm Tiến Dũng đề nghị PV Drilling tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vượt khó, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp như tăng cường công tác phát triển dịch vụ ra thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, tiếp tục duy trì chất lượng dịch vụ cao, tăng cường quản lý chi phí, củng cố nội lực, tăng cường đào tạo nhân lực, bám sát tín hiệu thị trường để nắm bắt các cơ hội việc làm, tiến tới hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh năm 2022.
“Với vai trò là cổ đông lớn của PV Drilling, Petrovietnam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để PV Drilling thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao và mong muốn tập thể PV Drilling tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, gặt hái những thành công mới và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2022”, Phó Tổng Giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng khẳng định.