Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam từng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới với trên 1,8 triệu tấn mỗi năm.
Bờ biển Việt Nam dài 3.260km, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang kéo theo “cơn ác mộng” rác thải đối với môi trường biển, đặc biệt với lượng rác thải nhựa tăng cao theo từng năm.
“Cơn ác mộng” rác thải nhựa
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông và được công nhận là một trong những vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên, địa chính trị quan trọng ở khu vực và thế giới.
Cùng với đó, Việt Nam có tới trên 100 con sông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải…
Tất cả các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền khiến ô nhiễm và suy thoái môi trường biển không ngừng gia tăng.
Thêm vào đó, rất đáng buồn và đáng lo, Việt Nam từng được xem là một trong những nước đổ chất thải nhựa nhiều nhất ra đại dương.
Việt Nam cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan phải đối mặt với cơn ác mộng túi nilong, thảm họa rác thải nhựa đáng báo động. Theo National Geographic và báo cáo của Tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2018, 5 quốc gia này chiếm một nửa lượng rác thải nhựa đổ ra biển của thế giới.
FAO cũng từng đánh giá gánh nặng về rác thải nhựa đè nặng Việt Nam. Do đó, đất nước hơn 97 triệu dân đang có những chính sách, chương trình nâng cao nhận thức, kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người năm 1990 lên 41kg/năm/người vào năm 2015.
Cùng với đó, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, cụ thể: năm 2016 nhập 18.548 tấn, năm 2017 là 90.839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.
Chưa kể, các khu công nghiệp bám biển cũng là mối đe dọa lớn đối với môi trường vùng bờ khi hàng loạt các nhà máy nhiệt điện, chế biến dầu khí, thép và giấy thi nhau mọc lên khắp dải ven biển từ Bắc tới Nam. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý nguồn thải từ những khu công nghiệp, nhà máy này vẫn chưa bắt kịp với thực tiễn.
Theo nhà chức trách, ô nhiễm và suy thoái môi trường biển đang không ngừng gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và sức khoẻ của con người ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Công ty Nhật Bản và dự án thu gom rác thải nhựa ở vùng biển Việt Nam
Theo Kyodo, Công ty vận tải biển Mitsui O.S.K. Lines Ltd. đặt mục tiêu bắt đầu dự án mới thu gom rác thải nhựa bằng tàu biển ngoài khơi Việt Nam vào đầu mùa hè năm sau.
Truyền thông Nhật cũng nhắc về việc Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có lượng rác nhựa biển lớn trên thế giới.
Công ty vận tải biển lớn của Nhật Bản khẳng định họ sẽ tiến hành các nghiên cứu khả thi trong khoảng một năm kể từ mùa hè năm nay tại quốc gia Đông Nam Á này với sự phối hợp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đặc biệt, Mitsui O.S.K. cũng đang quan tâm định hướng đến sự hợp tác với chính phủ Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí chính thức được phát đi, Mitsui O.S.K. tuyên bố sẽ thiết lập hệ thống thu gom rác thải trên biển thích hợp với vùng biển của Việt Nam thông qua dự án do JICA hỗ trợ.
Đồng thời, Mitsui O.S.K. cũng cho biết công ty có thể sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh thu gom rác thải biển sang thêm nhiều lĩnh vực khác nữa.
Lo gia tăng lượng rác thải nhựa
Theo đại diện Mitsui, các nghiên cứu khả thi tại hiện trường (các vùng biển địa phương của Việt Nam) sẽ bao gồm việc kiểm tra thực tế, tính toán dự trù bao nhiêu lượng rác thải nhựa có thể tiến hành thu gom cũng như địa điểm và cách thức đóng tàu chuyên dụng phục vụ cho dự án.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), ngành nhựa Việt Nam đã sản xuất 8,89 triệu tấn sản phẩm trong năm 2019, đóng góp ước tính 17,5 tỷ USD cho nền kinh tế đất nước, chiếm 6,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, đã có tới 730.000 tấn nhựa được sản xuất trên đất liền trở thành nguồn rác thải trên biển ở Việt Nam vào năm 2010, trong số 4,8 triệu đến 12,7 triệu tấn đổ ra đại dương trên toàn thế giới, nghiên cứu số liệu công bố từ năm 2015 cho thấy. Theo đó, mức rác thải nhựa của Việt Nam lớn thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
“Do vậy, nỗi lo gia tăng lượng rác thải nhựa trên biển của đất nước trở nên nghiêm trọng hơn theo từng năm”, - Mitsui O.S.K. nhận định.
Hiện nay tại Nhật Bản, hai tàu thương mại với hệ thống thu gom rác thải biển tiên tiến do những doanh nghiệp lớn hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, trong đó có Mitsui O.S.K phát triển đang hoạt động hiệu quả.